chuabuuchau.com.vn,chuabuuchau, chua buu chau, chùa bửu châu, chua buu chau cu chi

21. Đường Tăng (Tam Tạng)

Hình ảnh Đường Tăng ở đây là biểu trưng cho thức thứ tám, thức này làm chủ cả bảy thức nên trong truyện diễn đạt là thầy của Tôn Hành Giả, Sa Ngộ Tịnh, Trư  Ngộ Năng và Long Mã.

Thức này có nhiều tên gọi, nhưng ở đây chỉ nêu lên vài danh từ đại diện cho thức thứ tám và nói sơ lược qua. Nếu muốn biết rõ hơn thì xin xem Duy Thức Học. Thức thứ tám có nhiều tên là do có nhiều luận chủ đặt ra, hơn nữa có nhiều tên gọi khác nhau là vì thức này quá sâu rộng, mỗi tên làm nổi bật mỗi khía cạnh trong một giai đoạn ở địa vị tu chứng hay còn là phàm phu mà hành tướng của nó đã thay đổi chẳng giống nhau, nên tên của nó theo đó thay đổi, mỗi tên chỉ nói lên vài đặc điểm của nó như là:

1- A lại da thức: Trung Hoa dịch là Tàng Thức hay còn gọi là Tạng Thức, tức là cái thức bao hàm chứa dựa tàng trữ, gìn giữ những chủng tử các pháp từ tinh thần lẫn vật chất không hư mất và cũng là nơi xuất sanh ra các pháp. Nó cũng như là kho chứa nhóm những chủng tử thiện ác từ ngoài đem vào gìn giữ mà trong nhà Phật gọi là “Hiện hành huân chủng tử”. Đến khi rảnh rỗi không làm việc chi (ngồi chơi hay tọa thiền) hoặc là trong giấc ngủ mộng thì các chủng tử đã đem vào kho lại hiện ra (pháp trần) hay khi đối diện trần cảnh liền nhớ biết rõ ràng rồi ý tiếp tục dính mắc duyên theo những cảnh đó mà cảm thọ, nên vọng động, vọng tưởng cứ tiếp nối gọi là “Chủng tử khởi hiện hành”. Nên kinh Lăng Già nói: “Thức thứ sáu cùng thức thứ tám làm nhân, và thức thứ sáu với thức thứ tám làm duyên nên thức thứ bảy có khởi. Vì thức thứ sáu nương sáu căn hướng cảnh giới ngoại trần vọng có phân biệt, làm cho tàng thức mê thêm nên thức thứ bảy đồng thời chung khởi chấp ngã và chấp pháp. Thế mới biết do nhân duyên tương tục nên các thức đồng có”.

Ví như người thích chơi hoa hồng. Một hôm đến vườn bán hoa thấy một chậu hồng thật vừa ý, ngắm nghía mãi mà không có đủ tiền mua rồi đi về. Hôm sau đến mua thì chậu hoa ngày qua không còn vì người chủ đã bán, nên họ chỉ một chậu hoa khác, khi xem rồi nói: “Chậu hoa này không đẹp bằng chậu hôm qua”.

Khi ta thấy chậu hoa hồng là căn trần tiếp xúc; thật vừa ý là ý thức phân biệt so sánh thấy đẹp hơn các chậu hồng khác; trầm trồ mà không có tiền mua đi về là đã thọ nhận, nên hình ảnh chậu hoa đã đưa vào tạng thức. Đó là hiện hành huân chủng tử.

Hôm sau ta đến mua thì tìm không thấy chậu hoa ngày qua, là do hình dung lại hình ảnh chậu hoa hôm qua thì tìm không thấy, tức là chủng tử khởi hiện hành. Lại nhìn chậu hoa khác, ta liền đem hình ảnh chậu hoa hôm qua trong tạng thức ra so sánh chậu hiện tại, mà nhận định cho là chậu hoa hiện tại không đẹp bằng chậu hoa hôm qua, ấy là ý thức duyên theo chủng tử khởi hiện hành để cảm thọ mới có so sánh với cảnh hiện tại. Đây là nói trạng thái tâm thức hoạt động của con người thường tình.

2- Yêm Ma La Thức: Trung Hoa dịch là Vô Cấu Thức hay Bạch Tịnh Thức, cũng gọi là Chân Thức, tức là cái thức trong trắng không cấu nhiễm sau khi thức thứ tám đã loại trừ hết chủng tử mê. Hay nói cách khác là các thức hư vọng đã chuyển thành trí thanh tịnh sáng suốt.

3- A Đà Na Thức: Trung Hoa dịch là “Trì” (duy trì) tức là gìn giữ chủng tử các pháp. Thức này làm căn bản (cội gốc) của chân lẫn vọng, nên nó không nhất định là chân hay vọng, là phàm hay thánh. Khi mê thì toàn thức A Đà Na là vọng, lúc giác thì toàn A Đà Na là chân. Song chân hay vọng chẳng qua là hai trạng thái của nhất tâm mà thôi.

4- Như Lai Tàng: Nghĩa là thể tánh Như Lai (Phật tánh) bị che đậy án khuất, tức là Phật tánh bị vô minh phiền não nhiễm ô che khuất làm cho ánh quang minh Phật tánh không hiển lộ rõ, giống như mây đen che án mặt trời, mặt trăng vậy.

Vả lại, chữ Tàng có một ý nghĩa khác là chỉ cho “Phật nhập diệt”, có nghĩa là ba nghiệp chẳng thanh tịnh thì Phật nhập diệt, tức là Phật tánh bị ẩn. Còn ngược lại ba nghiệp hằng thanh tịnh thì Phật xuất thế, tức là Phật tánh hằng hiện hữu.

Nói về Như Lai Tàng, chúng ta hãy liên tưởng đến danh từ “Như Lai Tại Triền và Như Lai Xuất Triền”. Như Lai Tại Triền là chỉ cho Phật tánh bị vô minh che án; còn Như Lai Xuất Triền chỉ cho Tánh Như Lai không còn bị vô minh triền phược che lấp.

Xem truyện ta thường thấy Đường Tăng trên lộ trình đến Tây Trúc thỉnh kinh luôn gặp nhiều chướng nạn bởi các thứ yêu ma lừa gạt và hãm hại, nhưng Đường Tăng vẫn không nản lòng thối chí mà vẫn một mực tiến bước sau những lần vượt qua khổ nạn. Đó là những hình ảnh nói lên tấm lòng kiên trì vững chãi của bậc chân tu, luôn vượt qua bao cạm bẫy thế tình và hằng kiên trì giữ vững ý chí mong thoát khỏi vòng trói buộc trần tục.

Khi khởi đầu phát tâm tu là từ chủng tử tạng thức phát khởi, do cảm nhận sự vô thường sinh diệt các pháp hay một nhân duyên nào đó về sự khổ của con người mà tạng thức thúc đẩy ta tìm đến với đạo. Nên lúc gỡ lá bùa chính là Đường Tăng gỡ chứ không ai khác, rồi đến Tây phương được thọ ký thành Phật cũng là Đường Tăng, mà công cán thì do những đồ đệ, trong đó Tôn Ngộ Không là số một. Vì thế trong kinh Lăng Già nói: “Lấy tâm làm tông (Đường Tăng)lấy cửa không làm cửa pháp (Ngộ Không)” là vậy.

Xem truyện ta thấy Đường Tăng thì nhu nhược yếu đuối và dễ nghe lời Bát Giới. Ta thấy tại sao Đường Tăng không nghe ý kiến của Ngộ Không hay Ngộ Tịnh mà lại nghe theo Bát Giới? Vì Bát Giới là chỉ cho năm thức ở năm căn ngoài tiếp xúc năm trần bất giác dính mắc cảm thọ thâu nhận đưa vào tạng thức, rồi từ tạng thức hiện khởi lại những hình ảnh ấy làm nhân cho năm thức ngoài duyên theo ngoại cảnh mà tiếp tục thu thập thêm những chủng tử mới vào tạng thức, do đó thường thấy Đường Tăng dễ cảm thông với Bát Giới.

Vả lại, cũng cho thấy Đường Tăng thể hiện tấm lòng từ bi khi thấy người bị khốn khổ liền muốn cứu giúp. Vì người hành đạo là người có tâm hạnh từ bi, nhưng nếu không có trí tuệ thì chẳng biết đâu là thiện, ác, đâu là chánh, tà sẽ dễ lạc vào tà đạo, hay bị cám dỗ không được giải thoát, giống như Đường Tăng bị nạn ở hồi 31 vậy. Còn nếu có trí tuệ mà không có từ bi và định tâm thì chẳng làm lợi ích được gì cho ai, mà đôi khi không thắng nổi những tập nghiệp nữa. Cho nên từ bi và trí tuệ phải đi đôi không thể tách rời. Ở đây xin đi xa một chút để nói lên ý nghĩa của từ bi.

Có một số Phật tử đi chùa nhiều, niệm Phật, ngồi thiền lắm mà chưa rõ ý nghĩa này. Hay nhiều người cho rằng ăn chay lạt là tu, nhưng có phải là tu chăng? Vì chữ tu có nghĩa thông thường là sửa đổi, chuyển hóa từ thân, khẩu, ý tác tạo những điều xấu ác trở thành những điều tốt, từ sự bất thiện chuyển hóa thành lương thiện, từ mê lầm bất giác chuyển thành trí tuệ tỉnh giác an định v.v..., nên ăn chay lạt mà chưa ứng dụng đúng như trên nói thì chưa hẳn gọi là tu, nhưng tu thì cần phải ăn chay. Bởi vì ăn chay lạt là bước đầu khởi phát từ tâm để trợ duyên trên đường tu tập. Nếu trên đường tu tập mà không có từ tâm thì hẳn chưa thực tu, nên phải biết qua ý nghĩa của nó.

Ăn chay lạt là chúng ta nuôi dưỡng tâm từ bi không được khởi niệm giết hại những động vật. Vì mọi động vật (trong đó có con người) cũng tham sống sợ chết, không muốn đau, muốn khổ, không lẽ mình lại đi giết hại cho nó đau khổ để làm miếng ăn ngon qua khỏi lưỡi một chút sao? (nuốt vào trong bụng thành cái chi đó!!, sao chẳng thức tỉnh xét kỹ coi có đáng gớm không?). Nó khổ đau thân mà lại khổ vì xa thân thuộc nữa; vậy là mình không có tâm từ bi. Như chúng ta khi có người nói nặng hay chửi mắng một lời, mình cũng cảm thấy đau khổ huống hồ là đánh đập và giết. Cho nên chúng ta phải hiểu ý nghĩa từ bi là gì?

Từ có nghĩa là ban vui. Bi có nghĩa là cứu khổ. Vậy ban vui và cứu khổ bằng cách nào? Nghĩa là không tạo nhân gây đau khổ cho người và vật, thấy ai đau khổ thì ra tay cứu giúp, dù đối tượng đó là thân hay sơ.

Nếu chúng ta gây nhân đau khổ cho người và vật thì sớm muộn gì cũng phải gánh lấy hậu quả chẳng lành mà thôi. Như bằng chứng thực tế ở đời, ta thường thấy có người thì đau bệnh khổ sở tấm thân, có người thì đau khổ về tinh thần, có khi đau khổ cả hai nữa, song bị ít hay nhiều là do duyên nghiệp của mỗi người mà khi sanh ra có kẻ yểu mạng, người tuổi thọ dài, người giàu kẻ nghèo, người lành lặn đẹp đẽ, kẻ đen xấu tật nguyền v.v... Bởi vì khi mới thọ thân thì đâu có ai muốn sanh ra xấu xí tật nguyền, hoặc sanh nơi nghèo cùng thiếu thốn hay bị đần độn đâu. Nhưng tại sao lại có sự chênh lệch như vậy? Đó là do tác nhân tạo đau khổ cho người và vật thuở quá khứ thì đời nay quả nghiệp đã chín phải cam chịu lấy thôi, chớ đâu phải ngẫu nhiên mà có những việc sai biệt như thế! Như vậy ta làm đau khổ người và vật tức là làm đau khổ chính mình ở mai sau vậy.

Hơn nữa, ở đây phải hiểu thực tế hơn là con người với con người, tại sao chúng ta lại không thể hiện lòng từ bi thương yêu với nhau? Cha mẹ, vợ chồng, huynh đệ hay xóm giềng, thấy ai khổ chúng ta không chịu ban vui hay giúp đỡ gì trong khi họ đang lâm vào những cảnh khó khăn đau khổ? Nếu những việc như thế mà chúng ta không làm được, lại nói ăn chay lạt không giết hại con vật là từ bi thì chưa thật đúng nghĩa. Hay nói xa hơn, như là những nơi bị thiên tai đói khó, ta không bớt chút thời giờ đến thăm hoặc gửi chút ít tài vật gì tùy theo khả năng hiện có, để cho họ đỡ một phần nào khó khổ?... Không những có lòng thương giúp người về vật chất thôi chưa đủ, mà phải biết tạo điều kiện dẫn dắt cho họ hướng đến Phật pháp, nương những phương pháp Phật dạy tu học từ từ sẽ giúp họ hiểu rõ nhân quả nghiệp báo qua ba thời mà chuyển nhân làm những điều lành, hầu cho mai sau được thăng hoa nơi tốt đẹp hơn. Sâu xa hơn nữa, là chỉ tột lý đạo để họ thấu suốt lẽ thật bản chất thân tâm và các pháp mà buông xả đừng ái nhiễm bám chấp, ngõ hầu đạt đến giác ngộ giải thoát. Có thế mới giúp họ an vui từ thể xác lẫn tinh thần.

Con người với con người rất gần gũi và dễ thông cảm nhau mà chúng ta không có tâm niệm đó thì nói ăn chay lạt là từ bi đối với con vật thấy nó xa vời thiếu thực tế. Đôi khi chúng ta chỉ biết nghĩ cứu giúp những người ở bên ngoài xã hội như bạn bè, xóm giềng… mà người ngay trong gia đình gần gũi nhất lại không biết yêu thương còn rầy rà lủng củng với nhau thì thấy giả dối quá. Nên chúng ta phải thực tế hơn là có lòng từ với những đối tượng thân cận trước rồi hãy tới những nơi xa, giống như ngọn đèn sáng phải từ trong nhà sáng ra ngoài mới hợp lý. Nhưng lòng từ không có vụ lợi, không có lợi dụng bất cứ ai, có thế mới hợp với lòng từ của chư thánh; bằng ngược lại là vì tự ngã mà sanh ra ái kiến.

Trong cuộc sống ai ai cũng đều bị đau khổ, ít hay nhiều gì thì chúng ta phải biết cảm thông với những người đang đau khổ và cũng đừng làm cho ai đau khổ cả. Vì bản thân mình không muốn khổ sở thì người khác cũng đâu có mong chịu khổ! Thế nên, nói ăn chay lạt là tu chưa chắc đúng. Vì ăn chay lạt mà đối với người và vật mà mình không có tâm lượng từ bi thương giúp; thấy ai khổ đau, mình ngó lơ không ban bố gì cho họ bớt khổ cả. Đôi khi có người ăn chay lại không khéo còn tạo nhân gây đau khổ như nguyền rủa hay nặng lời với người và vật nữa, như vậy là chưa đúng nghĩa ăn chay.

Tuy có người không ăn chay lạt, nhưng thấy ai khổ đau họ cũng đến an ủi, giúp đỡ về tinh thần hay vật chất tuỳ theo khả năng hiện có và không tạo nhân làm đau khổ cho ai thì nói người đó không có từ bi cũng chẳng đúng. Tuy họ không ăn chay lạt nhưng họ làm được với tấm lòng chân thành thiết thực. Đây nói ở việc làm thực tế hơn là trên hình thức bên ngoài. Nếu có hình thức ăn chay mà không đi đôi với việc làm đúng nghĩa thì không thực tế. Còn việc làm được mà hình thức thiếu sót dễ sinh ra ngã mạn, nên cả hai phải đi đôi với nhau.

Hơn nữa, người có tâm hạnh từ bi ở cấp độ cao là biết buông xả không vướng mắc các pháp, thấy kẻ sơ người thân, kẻ quấy người phải, kẻ ác người hiền đều cảm thương như nhau, tùy theo hoàn cảnh đối tượng hay hiện trạng như thế nào đó mà giúp đỡ họ chứ lòng không tỵ hiềm, ái chấp hay cống cao ngã mạn... với một đối tượng nào. Có thế làm lợi ích cho người lòng mới không bị bó buộc giới hạn, mới an lạc thanh thản thật sự. Chúng ta tạo an vui hạnh phúc cho người tức là xây dựng hạnh phúc an vui cho chính mình ở hiện tại và mai sau vậy. Cho nên từ bi là tình thương bao dung tất cả mọi loài không phân biệt thân sơ, khác với ái. Vì ái là tình thương trong sự đắm mắc trói buộc với đối tượng nào đó khi mình có cảm tình.

Vả lại, ăn chay còn một ý nghĩa nữa rất thâm thúy, nhưng nói thật thì cũng dễ mất lòng. Bởi vì từ ăn chay là dịch từ chữ Trai của tiếng Hán ra. Mà chữ Trai này cùng đồng một nghĩa với chữ Tề (齊). Tề có nghĩa là chỉnh tề. Ý nói điều chỉnh hay nghiêm chỉnh thân tâm.

Danh từ Ăn chay còn gọi là Trì chay. Mà chữ Trì có nghĩa là Giữ, vì vậy chữ Ăn cũng có nghĩa là Giữ. Cho nên đúng nghĩa của chữ ăn chay hay trì chay là giữ cho thân tâm được nghiêm chỉnh, hay gìn giữ các giới hạnh mới gọi là ăn chay, nên có danh từ gọi là “Trai giới”.

Do vì người thế gian không biết ý nghĩa sâu xa này, cho mình ăn những thứ thực vật, không ăn các loài động vật nói là ăn chay thì chưa đúng nghĩa. Nếu người trọn đời chỉ ăn rau quả mà trong tâm còn đầy tham, sân, si, không gìn giữ giới hạnh, thân tâm còn vọng động,  lại cho mình ăn chay thì đó chỉ là ăn rau quả, chớ chẳng phải ăn chay hay trì chay gì cả. Nếu người nào nói mình ăn chay một tháng bốn ngày hay mười ngày hoặc là trường chay, mà ai nói trái tai thì giận, gặp cảnh nghịch lòng thì hờn, vậy đâu có đúng nghĩa ăn chay. Còn như làm ăn hay có công việc chi lại toan tính mưu mô, kế này chước nọ để lường gạt thiên hạ thì có gọi là ăn chay chưa? Hay vẫn còn tham đắm các ngũ dục, tâm còn lăng xăng vọng động, như vậy có cho mình là ăn chay hay trì chay không? Cho nên ăn chay như thế thì chẳng có ăn một chút nào hết đối với cái ý nghĩa ở đây. Nếu người nào ăn rau quả cho là ăn chay thì đừng có tự hào nói mình tu, mà tu là phải biết ứng dụng đúng như ý nghĩa ăn chay hay trì chay ở trên. Vì vậy chúng ta phải biết qua để chỉnh đốn lại xem việc ăn chay của mình có đúng nghĩa hay không mới xứng đáng gọi là ăn chay.

Nếu khởi tâm từ bi mà có trí tuệ thì làm mọi việc mới không bị trở ngại, bằng ngược lại sẽ dễ phát sanh phiền não. Cũng như Đường Tăng có lòng từ bi mà chưa có trí tuệ nên trên đoạn đường đến Linh Sơn lúc nào cũng gặp chướng nạn. Nếu không có Tôn Hành Giả chắc Đường Tăng bị ma ăn thịt hoặc lạc vào lối tẽ không đến được Tây phương để thỉnh kinh.

Lúc mới phát tâm là tạng thức có chủng tử thiện thúc đẩy ta tìm thầy học đạo và hành đạo, tuy có gặp những khó khăn trở ngại, nhưng đường còn dài phải nhất tâm chẳng sờn lòng thối chí, vì tu là tu cho chính mình thì phải tự đảm đương lấy thọ mạng của mình mà thôi. Nên khi Tôn Hành Giả bỏ đi, Đường Tăng còn lại một mình than thở: “Chính là phải quyết tâm liều mạng sang Tây Trúc không dựa người ngoài, tự chủ trương lấy (tr 256 q.2)”. Cũng vậy, tu là tự mình phải nỗ lực đào thải những thói hư tật xấu do ba nghiệp tạo thành ái chấp cố hữu ở lòng làm mình khổ sở, chớ thiện tri thức không thể nắm kéo đưa mình ra khỏi đau khổ đến nơi an vui được, giống như mình đau bụng thì chỉ có mình chịu thôi chứ không ai có thể thay thế cái đau khổ đó mà phải tự mình miệt mài uống thuốc mới hết đau vậy.

Mấy thầy trò Đường Tăng khi đi qua núi Phù Đồ gặp thiền sư Ô Sào hỏi đường sang Tây Trúc, thiền sư nói: “Đường tuy xa, nhưng đi cũng có ngày đến, chỉ là ma chướng khó trừ. Ta có quyển Tâm kinh, nếu gặp ma chướng đọc kinh này tự nhiên vô sự (hồi 19)”.

Cũng vậy, từ khi mới phát tâm tu cho đến thành Thánh quả thì phải trải qua thời gian rất lâu xa, chớ không phải một hay hai đời là thành tựu, nên kinh nói trải qua vô số kiếp, nhưng có đi ắt sẽ có ngày đến. Còn tâm kinh đây chính là tâm bất sanh bất diệt, bất cấu bất tịnh.... chớ không phải văn tự tâm kinh đọc tụng hằng ngày. Nếu thâm nhập tâm kinh thì ma khiếp sợ, ta được vô sự không chi ngăn ngại; còn chưa nhập được thấy rất nhiều ma chướng cản trở. Nếu đạt Tâm kinh là khỏi sang Tây Trúc, vì Tây Trúc ở ngay tâm chớ không phải qua mười muôn ức cõi hay mười muôn tám ngàn dặm để thỉnh kinh.

Bởi Đường Tăng còn đang trên đường hành đạo, khi gặp núi cao cản trở lại than có hổ lang, gió dữ Tôn Hành Giả thấy vậy khuyên: “Người xuất gia không nên nói chuyện tại gia (hồi 32)”. Vì người tại gia hay than van có những việc ràng buộc khó tu. Còn người xuất gia có chí nguyện là phải ra khỏi nhà thế tục, ra khỏi nhà phiền não, ra khỏi nhà ba cõi mà còn than thì đâu phải hạnh người xuất gia. Tôn Hành Giả liền nhắc lại bài Tâm-kinh “...Nương theo Bát Nhã Ba La Mật Đa, tâm không ngăn ngại, vì không ngăn ngại nên không sợ hãi xa hẳn điên đảo mộng tưởng thì đạt đến cứu cánh Niết bàn...”. Hay Tôn Hành Giả nói: “Muốn nhàn có khó gì, sau khi xong việc, muôn duyên hết, mọi pháp đều không, tự do tự tại, lo gì chẳng nhàn!”. Đường Tăng nghe liền vững tâm tiến bước.

Tuy đã thức tỉnh nhưng chưa thể nhận và thâm nhập được tâm kinh, nên thấy rất nhiều chướng ngại ngăn trở, nếu không có trí tuệ dẫn dắt đưa đường thì dễ nản lòng thối chí vì những sự chướng đó. Thành thử trí tuệ phải hiện hữu không lúc nào rời thì chẳng có chướng ngại nào làm lung lay ta được.

Trên đường hành đạo, thầy và bạn chỉ trợ duyên cho ta mà thôi, còn đi đến mục đích giải thoát hay không phải do ta nổ lực tiến bước dù có khó khăn ngăn ngại. Nhưng khi đi phải lấy trí tuệ dẫn đường, nếu không sẽ bị lạc lối, vì còn đang đi trên đường tiến đến giải thoát.

Khi còn mê là tạng thức, lúc giác ngộ thể nhận cái không sinh không diệt gọi là Như Lai Tạng Tâm. Từ tạng thức chuyển thành Như Lai Tạng Tâm cũng không phải hai. Nếu mê các thức kia hợp tác lôi kéo vào tăm tối, khi giác ngộ các thức đó cũng chuyển hóa mà trợ duyên để tạng thức được trong sạch thành kho báu Như Lai. Bởi Như Lai Tạng Tâm vốn an định rỗng suốt (Không Như Lai Tạng), do bất giác hướng ngoại theo trần cảnh thâu thập những bóng hình bên ngoài đem vào, nên từ Không Như Lai Tạng trở thành Bất không Như Lai Tạng (tạng thức). Từ đó mà xa cách quê nhà lang thang khắp nẻo. Nay biết hồi đầu trở về, buông bỏ chẳng bám chấp dính mắc các pháp cho cái kho tâm trong sạch không còn bợn nhơ nên nói là Như Lai Tạng Tâm, mà duy thức học gọi là Chân Thức hay Bạch Tịnh Thức. Khi ấy tạng thức trở thành trí tuệ tròn sáng rộng lớn mà trong kinh gọi là Đại Viên Cảnh Trí; còn thức thứ bảy chuyển thành Bình Đẳng Tánh Trí; thức thứ sáu chuyển thành Diệu Quan Sát Trí và năm thức trước chuyển thành Thành Sở Tác Trí.

Đã thể nhập và sống được trọn vẹn Như Lai Tạng Tâm thì nói ra lời nào cũng là Phật pháp hết, và những hành vi thể hiện trong cuộc sống đều phù hợp với lẽ phải như lòng từ của chư thánh. Cho nên ba tạng kinh điển (tam tạng) từ Như Lai Tạng Tâm lưu xuất. Vì thế Ngô Thừa Ân lấy danh từ ba tạng kinh (Kinh, Luật, Luận) mà đặt pháp hiệu cho ngài Huyền Trang là Tam Tạng. Vào thời nhà Đường nên gọi là Đường Tam Tạng.

Chọn một người trắng trẻo mặt mày sáng sủa đẹp đẽ làm nhân vật Đường Tăng là hình ảnh tượng trưng nói lên Như Lai Tạng Tâm trong trắng không chút bợn nhơ, luôn sáng suốt không gì bì kịp mà trong kinh thường diễn tả như hạt châu báu. Nhưng do vì bất giác hướng ngoại lao theo trần cảnh rồi ái nhiễm nên thức tình vọng tưởng cứ thế thay nhau, niệm niệm chập chồng, từ đó nhận giả làm thật mà lãng quên chân tính bình lặng trong trắng sáng đẹp sẵn có. Cho nên muốn sáng đẹp lại như cũ phải biết phản quan lại chính mình, can đảm loại bỏ thức tình lăng xăng, những ái chấp mê lầm từ lâu bám mắc, đến khi chúng sạch hết thì Như Lai Tạng Tâm rỡ ràng sáng suốt an định như xưa. Vì vậy Ngô Thừa Ân chọn Đường Tăng có hình dáng như thế.

Giảng sư

Kết nối

Tổng số truy cập
Thông tin: 23.504
Pháp Âm: 26.007
Đang truy cập
Hôm qua: 14073
Tổng truy cập: 9.708.759
Số người đang online: 616