Theo lời đầu sách của truyện nói Tây Du Ký là bộ sách quí nằm trong tủ sách của mọi gia đình. Nhưng theo thiển ý tôi thì Tây Du Ký là bộ sách của mỗi người. Vì tất cả nhân vật trong truyện đều ám chỉ cho những trạng thái tâm của mỗi chúng ta. Ta là Đường Tăng đang trên đường thỉnh kinh, là Tề Thiên Đại Thánh náo loạn lung tung, là Tôn Hành Giả biện biệt rành rẽ, mà cũng là Trư Ngộ Năng, cho đến yêu tinh quỷ quái, hay Phật, Bồ Tát v.v... lại cũng là ta. Tại sao vậy? Bởi lúc mê mờ u tối thì tâm vị kỷ gian xảo, dối trá, hung ác, tham lam, sân si đủ cả. Rồi khi tỉnh thức giác ngộ thì hiền lành thánh thiện, từ bi vị tha... Mê tối hay giác ngộ cũng chỉ là ta chớ không ai khác, chỉ biết chuyển hóa từ xấu thành tốt, từ mê thành giác, từ một chúng sinh chuyển thành Phật thánh chẳng phải hai người. Cho nên xem Tây Du Ký hãy nhìn lại mình, xem mình đang giống nhân vật nào trong truyện để chỉnh đốn lại cho được hoàn thiện hơn.
Là người con Phật phải xét nét kỹ lưỡng để chọn cho mình một lối đi cao thượng tốt đẹp chớ đừng theo con đường trụy lạc tăm tối mà phải bị đọa lạc ba đường xấu – Súc Sanh, Ngạ Quỷ, Địa Ngục; xa hơn nữa là ba đường lành – Trời, Người, A Tu La, mà ba đường này vẫn bị khổ sở vì sanh, lão, bệnh, tử chi phối. Dù biết rằng trên đường đi cao thượng tốt đẹp đó có nhiều chướng ngại thì phải khéo mượn phương tiện. Vì thế, trong thiền môn nói phải lấy trí tuệ làm đầu mà dò đường dẫn lối, là phương tiện tốt nhất để nương tựa. Bởi chúng ta từ lâu bị vô minh che lấp nên mê mờ không thấy rõ chân lý nơi các pháp phải bị trầm luân, nếu không dùng trí tuệ để chiếu phá đêm tối vô minh thì không có phương tiện nào hay hơn cả. Dùng sáng để phá tối là cái chân lý từ ngàn xưa đến giờ không bao giờ thay đổi được, trừ phi các bậc có trí tuệ sáng suốt hoàn hảo.
Nếu đến với đạo Phật bằng tín ngưỡng mà không trí tuệ thì sẽ dễ sanh mê tín, vì chỉ biết cầu xin tha lực bên ngoài rồi sanh ỷ lại chớ chẳng chịu tự lực cải hối chuyển hóa những thói hư tật xấu. Nếu cầu xin không được như ý thì nói cầu Phật ở chùa không linh, rồi nghe nói nơi nào đó cầu được linh ứng liền chạy đến lạy lục khẩn cầu, nên chúng ta thấy có số người tuy đi chùa nhiều nhưng khổ lại vẫn khổ. Đó là do họ không chịu học hỏi giáo pháp để ứng dụng trong cuộc sống. Phần đông người đến với đạo vì tình cảm nhiều hơn là lý trí. Họ đến với đạo để cầu xin Phật, Bồ Tát ban phước lành và nhờ quí thầy quí cô chú nguyện tiếp sức cho họ hầu vượt qua những khó khăn của nghịch cảnh, nhưng thực tế có được như ý chăng? Nếu không được như ý họ mất lòng tin ở đạo, do đó dễ sanh tâm hướng qua những điều mê tín dị đoan rồi lạc vào tà đạo. Hoặc giả có người thấy quí thầy quí cô có phẩm hạnh gì đó nên sanh lòng cảm kính quí mến mà theo đạo chớ không chịu học hỏi, hay có học hỏi lại chẳng thực hành theo lời dạy để giải bớt những vướng mắc trói buộc ở lòng và khi trực diện với nghịch cảnh không bị chúng chi phối, thành thử chẳng giải tỏa được nỗi khổ; đó là do chính họ không thực dụng chứng nghiệm chứ chẳng phải lời dạy của Phật không giá trị. Bởi họ đến với đạo bằng tình cảm nên khi được đáp ứng đúng theo nhu cầu, như ý muốn thì họ có cảm tình với đạo, với quí thầy cô, bằng ngược lại thì buồn, có đôi lúc lại than vãn trách móc, từ đó tham sân si tác khởi. Cho nên, khi đến với đạo phải có trí tuệ suy xét tìm hiểu để học hỏi, xem xét những lời đó có đúng với chân lý các pháp trong thực tế cuộc sống không? Nếu có lợi ích cho chính mình cùng mọi người mọi vật trong hiện tại và những đời sau thì mình mới tin theo học hỏi thực hành, chứ đừng nghe theo ai hoặc nhất thời xu hướng, sẽ không có lợi cho ta sau này, vì đạo Phật là đạo tự giác.
Nếu tìm hiểu học hỏi ứng dụng đúng thì trí tuệ càng ngày càng phát triển, mới giải được bao phiền muộn do tham, sân, si tác động và cởi mở bớt thất tình lục dục đang cột trói. Nếu ứng dụng đúng một phần thì giải bớt khổ một phần, thành thử được vui một phần, còn ứng dụng đúng rốt ráo y như lời Phật dạy là vui trọn vẹn, chớ không phải tu rồi đợi bỏ thân này qua bên cõi Phật mới an vui. Cho nên đạo Phật là đạo rất thiết thực ngay cuộc sống.
Đạo Phật là đạo tự lực, tự giác. Bởi ta tạo nhân thì phải chấp nhận quả báo chớ không có ai thưởng hay phạt cho ta cả. Tự trói buộc chúng ta phải tự mở lấy, thầy và bạn chỉ là những người trợ duyên giáo huấn hướng dẫn ta tiến trên đường đạo, chứ không thể gánh chịu bớt niềm đau nỗi khổ của mình hay ban phước lộc gì cho ta, mà chính chúng ta phải tự nỗ lực chuyển hóa thôi. Tuy thế nhưng khi nương tín ngưỡng, gặp những hình tượng Phật và Bồ Tát ta chiêm ngưỡng, lễ bái là để noi theo những đức tính siêu phàm ở các vị chớ không phải lễ lạy để cầu xin hay nhờ các Ngài ban ơn cứu rỗi. Chúng ta đừng có quan niệm rằng Phật, Bồ Tát là những vị thần linh hay ban phước lành, mà phải biết đó chỉ là những hình ảnh được biểu trưng qua tư tưởng tín ngưỡng. Cho nên khi chiêm ngưỡng lễ lạy các Ngài mình phải biết ý nghĩa.
Như Phật Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni là vị có đức hạnh từ bi và trí tuệ siêu việt, nên khi chiêm ngưỡng lễ lạy là tán thán ca ngợi Ngài và noi gương học hỏi theo đức tính đó để ứng dụng trong cuộc sống. Do có học và làm theo thì trí tuệ sẽ phát sanh mới thấy lẽ thật các pháp. Hơn nữa, theo cách nhìn của Thiền tông thì hình ảnh Phật được biểu tượng cho tánh giác. Nếu ai biết trở về với tánh giác thì Phật ở ngay chính họ chớ chẳng phải Phật nơi cõi xa xôi nào. Hay chiêm ngưỡng Phật A Di Đà cũng thế, bởi Phật A Di Đà có những lời nguyện rất cao thượng, khi có chúng sinh nào tưởng niệm đến và làm đúng theo những điều Ngài dạy mà trong kinh còn ghi chép để lại thì sẽ được tiếp độ. Vả lại, Ngài là hình ảnh tượng trưng cho tâm thể thanh tịnh sáng suốt, nên nói Ngài có vô lượng công đức - vì tâm thể không bị hoen ố vẩn đục; có vô lượng thọ - vì tâm thể không bị sanh diệt; có vô lượng quang - vì tâm thể luôn sáng suốt không mê mờ. Khi lễ lạy hình tượng Ngài là để trở về tâm thanh tịnh sáng suốt ở chính mình cũng có những cái vô lượng như vậy. Nếu đã trở về sống với tâm thể thì an vui hết khổ. Còn như lễ Bồ Tát Quan Âm là noi gương theo hạnh ban vui và cứu khổ, hay nhẫn nại những khó khăn trở ngại để vượt qua. Lễ Bồ Tát Phổ Hiền là noi theo đức hạnh Ngài vì người tiếp độ lợi sinh, giúp họ vượt khỏi mê lầm. Lễ ngài Di Lặc là học và làm theo hạnh hỷ xả, buông bỏ những cố chấp dính mắc để được an ổn, vui vẻ. Lễ Bồ Tát Văn Thù là nương hình tượng Ngài mà phản quan tự kỷ để phát huy trí tuệ trở về căn bản trí sẵn có nơi chính mình. Lễ ngài Đại Thế Chí là học hỏi cái ý chí dũng mãnh, tinh tấn của Ngài để ngõ hầu vượt qua bao khó khăn chướng ngại mà tiến đến giác ngộ giải thoát. Vì vậy, khi lễ lạy phải biết ý nghĩa như thế, chớ không phải lễ lạy để cầu xin.
Hơn nữa, khi lễ lạy các Ngài là chính ta tự biết xả bỏ cái tâm cống cao ngã mạn, vì từ lâu phần đông chúng ta hay tự tôn tự đại nên xem thường mọi người ít chịu cúi mình khiêm hạ. Do đó tổ Bát Nhã Đa La vấn Hoàng tử Bồ Đề Đa La: “Trong các vật, vật gì là tối cao?”.
Đa La đáp: “Trong các vật, nhân ngã là tối cao”.
Hoàng tử Đa La đáp rất chính xác nên sau này tổ Bát Nhã Đa La truyền pháp y cho Hoàng tử kế vị làm tổ thứ 28, tức là tổ Bồ Đề Đạt Ma.
Hơn nữa phải biết rằng, nếu ở thế gian ai ai cầu xin cũng được hết thì tất cả con người không ai nghèo, không ai khổ cả, lại làm mất đi sự công bằng và luật nhân quả nữa. Song trên thực tế không phải ai cầu cũng được. Ở đời ai cũng muốn làm ăn buôn bán mong lợi nhiều, nhưng đâu có được suôn sẻ hết, có người đạt, kẻ thì không. Kế nữa, khi đau bệnh nan y nằm một chỗ điều trị đủ thứ thầy thuốc mà không hết, rồi vái lạy xin các Ngài ban ơn cứu giúp cho lành bệnh, dứt khổ. Vậy thật sự có hết bệnh, hết khổ hay không? Nếu có được đi chăng nữa là do cái nghiệp quả làm cho mình bệnh đó nay duyên đã mãn, cộng với sự tịnh tâm nơi mình nên có thể cảm ứng đến năng lực của các Ngài trợ duyên, hay cũng có thể chiêu cảm cái phước dư thừa do mình đã tạo nhân tốt lành ở quá khứ, nay quả đến thấy có linh nghiệm giảm bệnh (hằng ngày vẫn dùng thuốc nhưng là cây cỏ sơ sài) vơi bớt khổ hay được như nguyện, thì cũng là do sự tự lực của chính mình mà cảm nên, chớ đâu phải ai điều trị hay cầu xin cũng được hết đâu. Do có ý nghĩa như thế nên trong nhân gian người ta thường nói câu: “Phước chủ may thầy”. Nhưng đó chỉ là phần phụ, vì làm người là có nghiệp, mà có nghiệp là có bệnh hoặc ít hoặc nhiều, nên hiện tại thấy người thì bệnh nặng, kẻ bệnh nhẹ, có ai mà chẳng bệnh đâu phải không? Mà phần chính là hiện tại phải biết tự lực phát huy trí tuệ thấy đúng lẽ thật các pháp mới hết khổ. Vì thế tín ngưỡng và trí tuệ phải như đôi cánh của chim không thể tách rời thì mới lợi ích cho mình và mọi người.
Có tín ngưỡng mà không có trí tuệ sẽ chẳng chịu tự lực loại bỏ sự dính mắc trói buộc ở lòng nên khổ lại vẫn khổ. Còn có trí tuệ mà không có tín ngưỡng thì dễ sanh tâm ngã mạn xem thường chẳng kính lễ ai, không học được những đức tính và hạnh nguyện cao thượng của các Ngài để phát huy những cái hay đẹp mà ứng xử trong cuộc sống tốt hơn.
Hình như phần đông con người đều có tư tưởng khi lớn lên đến tuổi trưởng thành hiểu biết chút ít cuộc đời thì nương tựa ở môi trường sự sống thích hợp theo ý tưởng. Như về tình cảm họ tìm chỗ hợp duyên để nương tựa, hầu mong khi bệnh hoạn hay sức yếu tuổi già mà hũ hỉ có nhau lúc tối lửa tắt đèn. Còn về tinh thần thì lại nương vào sự tín ngưỡng tôn giáo ngõ hầu được thần thánh phù hộ che chở khi lỡ tạo những điều lầm lỗi, hay cầu các vị ban phúc cho trong sinh hoạt cuộc sống được an lành tốt đẹp. Cũng có hạng người khi mang tâm trạng buồn phiền khổ sở lại nương vào việc mua vui nơi trà lâu tửu điếm, hút xách ăn chơi trác táng v.v... để thỏa mãn khoái cảm hầu xóa tan đi bao nỗi buồn khổ. Đó là nói lên sự yếu đuối của con người không thoát ra khỏi những ràng buộc ái nhiễm.
Nếu mọi sự việc trên có thuận buồm xuôi gió đi chăng nữa thì cái vui đó chỉ là cái vui trá hình của đau khổ. Phải biết tất cả sự việc ở thế gian này đều không thường còn, luôn luôn thay đổi biến chuyển không dừng trụ. Nếu thấy có vui mà không giữ được mãi thì đó không phải trá hình là gì? Mà suốt cuộc đời bảy, tám mươi năm ở thế gian, chúng ta thấy những cái vui trá hình đó có làm thỏa mãn hết các dục vọng trong lòng mình chăng? Điều này ta hãy nên nghiệm kỹ lại để thấy bản chất thực của chúng đừng ái nhiễm chấp mắc. Nếu ý thức được cuộc sống tạm bợ như thế thì hãy nên chọn cho mình một lối đi cao thượng, đừng vướng phải những sự ràng buộc ấy để ngay hiện đời được nhẹ nhàng thảnh thơi hơn, và cũng là cái nhân tốt đẹp cho hậu lai thăng hoa tiếp tục cuộc hành trình tiến lên tột đỉnh tinh thần Chân, Thiện, Mỹ hay đến nơi cứu cánh giải thoát.
Chúng ta biết chuyển hóa theo con đường thanh cao hay lối đọa lạc nơi tối tăm đau khổ là tùy sự lựa chọn của chính ta chớ không ai bắt buộc, và phải biết mọi sự ở đời tương đối này đều nằm trong luật nhân quả. Tuy nhiên, nói nhân quả như bóng theo hình, nhưng nếu chúng ta biết chuyển hóa thì sẽ thay đổi. Nếu không vun bồi chăm sóc những nhân bất hảo nữa và biết tái tạo lại nhân cởi mở an vui giải thoát thì kết quả của nhân tạo trước đó sẽ có chuyển đổi, trong tương lai cuộc sống sẽ thăng hoa tốt đẹp hơn.
Muôn sự muôn vật không có gì là cố định, nó luôn luôn chuyển biến, nếu hội đủ nhân và duyên lại thì thành tựu nên có thiên hình vạn trạng sai biệt, khi duyên hết thì ly tán, bởi có tụ tán mà gọi là vô thường, thành thử vô thường là lẽ thường nhiên của các pháp, nên kinh nói: “Tất cả pháp đều là bất định pháp”.
Trong đạo Phật người đạt niềm tin là khi đã có trí tuệ nhận xét đúng lẽ thật các pháp, sau khi tin rồi mới thực hành. Hoặc là theo tiến trình của sự học hỏi thì trong nhà Phật có dạy “Tam huệ học” (văn huệ, tư huệ, tu huệ).
Văn là nương nơi văn tự kinh luận hay nghe những lời dạy bảo của các vị đã thực dụng nghiệm chứng qua lời Phật dạy, rồi tự tư duy, ngẫm xét (tư) xem có đúng với chân lý và thực tế hay không? Nếu thấy đúng rồi khi ấy ứng dụng thực hành theo (tu) thì mới nếm được hương vị an lạc qua sự chứng nghiệm, mới thấy lời của Phật dạy rất thiết thực. Nếu nghe đâu tin đó chẳng chịu tìm hiểu suy xét kỹ lưỡng thì sẽ dễ lầm lạc không có lợi cho ta sau này, đôi khi còn bị rơi vào mê tín. Vì vậy, một trong tám phương pháp của Phật dạy (Bát Chánh đạo) Chánh kiến là bước đầu.
Chánh kiến là cái thấy chân chánh, cái thấy đúng lẽ thật các pháp, thấy không lệch lạc nên cũng gọi là trí tuệ. Cho nên trí tuệ là bước đầu khi ta đến với đạo Phật. Nếu không có trí tuệ thì sẽ dễ bị lầm lạc không thể nào đi đúng đường đến an vui giải thoát, có khi phải bị rơi đọa vào chốn tối tăm nữa.
Con người sở dĩ hơn các loài động vật khác là vì có trí tuệ biết trở về với con người thật chính mình (Bổn tâm). Nhưng muốn vậy phải biết quay về giáp mặt một sự thật đang ngổn ngang trong lòng (những vọng niệm, vọng tình đang lưu chuyển) mà hóa giải chúng. Còn nếu không dám nhìn lại để chuyển mọi ngổn ngang ấy là do chúng ta cam nhận nó là mình mà quên đi cái linh tri huyền diệu, tức cố nhiên ta đã chấp nhận một cuộc sống chồng chất đầy kiến thức với những cố chấp sâu dầy đa dạng, thì con người mình cũng như mọi động vật khác, chỉ khác hơn chúng một chút về tri thức mà thôi. Cho nên khi con người không biết trở về với chính mình thì so với các loài vật khác đôi khi còn ác độc hơn chúng nhiều. Ví như, con thú dữ khi đói chỉ biết đi kiếm bắt lấy con vật nào đó cấu xé mà ăn, khi ăn no rồi thôi, chừng nào đói mới đi tìm giết nữa. Còn con người đôi khi vì tham vọng, hoặc sân si họ giết cả trăm đến ngàn người. Hay chỉ có con người mới dám đạp chân đè đầu con vật cắt cổ làm thịt rồi ngụy biện nói rằng: “Con gà con vịt ăn dơ ở dáy đầu thai kiếp khác làm ăn”. Còn loài vật thì không có cái kiểu đó. Cho nên sự hoạt động của ý thức khôn ngoan lanh lợi quá mà ta không biết trở về với con người thật chính mình thì chẳng khác chi những động vật hạ cấp. Nhưng động vật dưới một hình thức ngụy trang mới mẻ, nhìn thấy bề ngoài cũng đẹp đẽ lắm, mà đôi khi bên trong ẩn chứa đầy những ác độc và man rợ. Nên trong dân gian người ta hay châm biếm bằng một câu: “Thân người mà dạ thú”. Chúng ta phải biết cái tâm lăng xăng suy tư nghĩ tưởng vốn cũng là tướng hiện tượng như bao nhiêu hiện tượng vật chất khác. Nó là một thứ tướng tế nhị cũng do hội đủ ba yếu tố hợp lại thành. Như căn tiếp xúc cảnh bất giác thức sanh dính mắc duyên theo trần cảnh, rồi khởi tưởng suy nghĩ tiếp tục, nên thấy nó liên tục như một chuỗi dài do từng niệm từng niệm nối tiếp cho đó là mình thì quả thật mê lầm, mà chẳng biết tất cả căn cảnh trong ngoài đều do thức biến hiện, bản chất chúng vốn huyễn sanh, huyễn diệt; không tự tánh, không thực thể, thảy đều do vọng tưởng chấp trước mà thấy có các pháp. Nếu không vọng động thì các pháp trong ngoài vốn dĩ như nhiên, nên kinh Pháp Hoa nói: “Pháp nhĩ như thị” là vậy.
Thành thử chúng ta phải biết trở về con người thật chính mình là vấn đề trọng đại, mỗi người phải tự lo liệu lấy, chớ không ai làm thay cho. Hãy tự thắp đuốc lên mà đi, nhưng thắp lên đúng chân lý chánh pháp thì mới dứt khổ được vui.
Tất cả chúng ta ai ai cũng luôn luôn đề cao và tôn trọng sự thật, nhưng đa số rất khó chấp nhận sự thật ngay lòng mình thì đối với kẻ khác làm gì ta có sự thật tâm với họ? Cho nên việc quan trọng là phải khám phá thấy biết sự thật nơi mình để chỉnh đốn chuyển hóa những thói hư tật xấu (tham sân si chủ động), những cố chấp dính mắc trở thành chân thật, lành mạnh tốt đẹp cho cuộc sống bản thân và nhân loại.
Nếu ai ai cũng biết quay về nhìn sự thật cõi lòng để chuyển hóa thì ở thế gian này sẽ trở thành cõi an vui hạnh phúc, vì không có những tâm ấu trĩ, ích kỷ và si mê v.v... Còn nếu chúng ta sợ không dám nhìn nhận sự thật ở lòng thì chẳng khác nào mình như yêu tinh quỷ quái, hay đang núp bóng dưới dạng Tề Thiên Đại Thánh luôn ngã mạn, lúc nào cũng lăng xăng không an ổn, cái gì cũng ta là trên hết. Hay giống Trư Ngộ Năng gặp thứ chi cũng tham đắm vướng mắc để rồi phải rơi lụy khốn khổ. Mỗi người hãy nhìn lại chính mình thì mới thấy lẽ thật đó, nên nghiệm kỹ chớ bỏ qua.
Đường đến chùa Lôi Âm (Phật quả) xa hay gần nên hỏi lại chính mình, vì mình quyết định cho đoạn đường đó chớ không phải xa mười muôn tám ngàn dặm. Đến mau hay chậm là do ta chứ thầy bạn chỉ trợ duyên thúc đẩy cho ta tinh tiến trên lộ trình. Có đi ắt có ngày đến, hoặc sớm hoặc muộn vậy thôi.
Khi trí tuệ phát sanh thì ta sẽ có niềm vui ngay trong cuộc sống làm cho thân tâm vững mạnh hơn và tăng thêm ý chí, nghị lực vượt qua chướng ngại. Bởi có yếu tố trí tuệ chúng ta tự biết chuyển hóa những nỗi khổ và niềm đau buồn một cách mầu nhiệm linh hoạt không cứng nhắc cố chấp, nên được an lạc. Đó là một thức ăn mà người hành đạo chân chính phải có thưởng thức thì mới nếm được hương vị của Phật pháp hay hương vị giải thoát, mà trong đạo Phật gọi là “Thiền duyệt vi thực”.
Nếu người hành đạo mà không thưởng thức được hương vị của đạo thì dễ nản lòng thối chí sa ngã qua nếm hương vị tạm bợ của dục lạc. Hương vị của dục lạc là nhất thời chẳng khác nào một miếng ăn ngon khi nuốt qua khỏi cổ. Trong lúc thưởng thức tuy thấy có vui mà không biết cái vui đó chỉ là một chuỗi dài đau khổ (vì vui không được tồn tại nên ta luôn nuối tiếc). Muốn tìm lại hương vị đó ta chỉ thấy qua sự tưởng tượng chứ không thật có, nên nó là trá hình của đau khổ; lại duy trì tư tưởng đó để nối tiếp khổ đau ở vị lai. Đó là điều mà hầu như chúng ta hay mắc phải. Còn hương vị của đạo lúc nào cũng vui, khi đói hay no, khi lạnh lúc ấm đều cảm nhận vui, cho đến lúc bệnh hay sắp lìa bỏ cõi đời cũng thấy an vui nhẹ nhàng chớ không như người thế tục. Vì sao? Vì đã sáng suốt rõ ra con người thật chính mình và lẽ thật trên các pháp mà được an lạc.
Tuy nhiên, dù đã thức tỉnh giác ngộ có trí tuệ nhưng trong tâm còn nhiều tập khí sâu dầy, phải luôn giữ vững ý chí lập trường, dũng mãnh tinh tiến để hóa giải chúng. Rồi một ngày nào đó tâm không còn trụ bám vướng mắc các pháp, lòng thanh thoát thảnh thơi an nhiên trên muôn cảnh mới không hổ thẹn.
Phật thân hiện ẩn ngay lòng người
Hồi tâm phản tỉnh gắng tiến tu
Giải bao vướng mắc phiền lụy hết
Sáng tỏ đạo mầu dứt khổ đau.
* * *
Những lời lẽ trong đây xin quí vị hãy xem như là một giọt nước thấm qua cổ người đang ở giữa sa mạc.