chuabuuchau.com.vn,chuabuuchau, chua buu chau, chùa bửu châu, chua buu chau cu chi

TIỂU SỬ HÒA THƯỢNG Thượng THIỆN Hạ KỶ - KHAI SƠN CHÙA BỬU CHÂU.

Trên cương vị nào Người cũng tận tụy hết lòng hoàn thành xuất sắc các công việc được giao phó, cùng chung xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân, khéo vận dụng phương tiện đưa đạo vào đời, góp phần xây dựng đất nước thanh bình thịnh vượng, làm sáng đạo trong đời, phát huy truyền thống yêu nước ngàn đời của Phật Giáo Việt Nam.


Di ảnh Cố Hòa Thượng Khai Sơn


Hòa Thượng lúc sanh thời

I -  THÂN THẾ VÀ GIA TỘC

Hòa thượng Thích Thiện Kỷ thế danh Nguyễn Văn Ê, sinh vào lúc 08 giờ sáng, ngày mùng 08 tháng 08 năm Ất Sửu (1924) tại Ấp 4A, Xã Bình Mỹ, Huyện Củ Chi, Thành Phố Hồ Chí Minh.

Thân sinh là Cụ Ông Đinh Văn Kè, Thân mẫu là Cụ Bà Trần Thị Sóc. Được sinh trưởng trong một gia đình nho giáo trung lưu, anh em gồm 06 người: 05 nam và 01 nữ. Thầy là con út trong gia đình, được theo học chữ nho tại trường làng. Với mẫu mực của người đạo đức và căn lành đã gieo trồng nhiều đời, được Song Thân nuôi dưỡng rèn đúc nên danh phận, cho nên từ thuở nhỏ được Thầy giáo khen là thông minh xuất chúng.
 
II -  THỜI KỲ TRUNG NIÊN.

Thuở thiếu niên, vừa học chữ nho vừa theo đời, tuy cuộc sống trong gia đình có nhiều hệ phược, nhưng Thầy thích vân du khắp nơi cho thỏa chí bình sinh và làm nhiều việc từ thiện giúp đời. Mặc dù chí đạo hằng mong nhưng hiếu đạo cũng phải chu toàn, vâng chỉ tộc đường và gia môn hiếu lễ, Thầy phải lập gia đình với Bà Nguyễn Thị Tư, thứ nữ của Cụ Ông Nguyễn Văn Trực và Cụ Bà Bùi Thị Hược, cũng là một gia đình đạo đức thuần lương ở Xã Bình Mỹ lúc bấy giờ, Thầy có 06 người con và sau khi tu hành đã tiếp độ được những người trong gia đình, thân bằng quyến thuộc và những người cùng quê hương của Thầy đều tín tâm quy y với Phật Pháp. Một Trưởng nữ đã xuất gia, hiện là Ni Trưởng Thích nữ Diệu Tường Trụ trì Chùa Bửu Quang, và một người cháu hiện là Đại Đức Thích Bửu Thành Trụ trì Chùa Bửu Châu đang nối gót Thầy trên đường hoằng dương Chánh Pháp.

Năm 1940 với một kiến thức quãng bác, một đức tánh ôn hòa kiên nhẫn, và một tầm mắt thấy xa trông rộng, Thầy rất đau lòng trước cảnh nước mất nhà tan, một tình huống thịnh suy của Dân Tộc, mặc dù bận rộn với đồng áng và gia bề bối rối, lại nặng gánh song đường. nhưng nhiệm vụ thiêng liêng với non sông cũng lắm trọng đại:

“Quốc gia hưng vong - thất phu hữu trách”       


Vì tiếng gọi của Tổ Quốc và Dân Tộc, quân Pháp xâm lấn cõi bờ, nhân dân trong cảnh thống ách lầm than. Do đó với tuổi đời vừa bước vào trung niên, Người giả biệt gia đình thi hành nghĩa vụ thiêng liêng, làm người con trung kiên của đất nước, Người đứng ra lãng trọng trách giúp đỡ Trung đoàn chủ lực tại Đồng Nai, tức Tỉnh Biên Hòa lúc bấy giờ.

Trong quá trình tập hội kết đoàn, đánh giặc giữ nước, đem lại sự bằng an cho mọi người, cũng có lúc vui lúc buồn, sướng khổ, anh em bộ đội cũng có kẻ nhiệt tâm, người thối thác, có kẻ chống báng, người hết tình … Trong suốt quá trình chiến đấu, Người vẫn kiên tâm bền chí không hề chán nản, chính nhờ đó mà được Hội Đồng Bộ Trưởng Phạm Văn Đồng trao tặng bằng khen “ANH HÙNG CỨU NƯỚC”.
 
III -  XUẤT GIA TU HỌC.

Sứ mệnh của một người thanh niên đã chu toàn, Người lui gót về làng, trở lại cùng tộc tự gia môn.

Nhưng tâm đạo hằng mong vẫn còn nuôi chí, nên một hôm xin phép Song Thân vân du đây đó.

Nhân duyên cơ cảm, thiện căn phát khởi đã đưa Thầy đến với sơn môn hùng vĩ của cảnh núi Bồng Lai, thánh địa Tây Phương Bồng Đảo, tức Tổ Đình Linh Sơn (Núi Dinh) là nơi huân tập những khí thiêng sông núi hữu tình để cho lòng người lắng đọng bao nhiêu phiền lụy trắc ẩn trong cuộc đời, chính nơi đây là chỗ chôn nhau cắt rốn trong việc xuất gia tu học và hành đạo của Thầy, nơi đây “Tông Môn Liên Tông Tịnh Độ Non Bồng” Thầy dã gặp.

Đức Tôn Sư thượng Thiện hạ Phước, húy Nhựt Ý, một Bậc Đạo Sư khả kính chứng minh, sau một thời gian tu học, Thầy được Đức Thầy thượng Huệ hạ Giác tiếp độ Quy y Tam Bảo ban cho Pháp danh Thiện Kỷ, đồng thời dạy Thầy sang cầu pháp với Hòa Thượng thượng Huệ hạ Tâm, Trụ trì Long Sơn Cổ Tự. (Ngày nay là Xã Thái Hòa, Huyện Tân Uyên, Tỉnh Bình Dương).

Long Sơn Cổ Tự nằm ven Thị trấn Tân Ba, trên một ngọn đồi đá đỏ xinh xắn có truyền thống trên 200 năm, là một thắng cảnh thanh tú cạnh dòng sông Đồng Nai trìu mến. Thiện duyên đã đến nơi đây, gặp Hòa Thượng Thích Huệ Tâm, sau khi đảnh lễ và trình bày cuộc đời của mình. Hòa Thượng bảo Thầy đến Chánh Điện lễ Phật, đối trước Tổ Đường, lòng cảm kích tự tâm phát nguyện:

“Tôi nguyện suốt cuộc đời này và mãi mãi những kiếp sau, xin theo Phật lập chí tu hành, khi nên đạo, với những ai hữu duyên kể cả âm và dương, Tôi nguyện độ những ai khó độ”

Ngày 08 tháng 02 năm 1954 Thầy xuất gia tu học với một chí nguyện:

“Tông Phong Vĩnh Trấn - Tổ Ấn Trùng Quang”


Được sự dạy dỗ của Hòa Thượng Long Sơn, Thầy đi lập công bồi đức, họp đoàn họp chúng với những Tăng Ni trong Tông Môn, trùng tu Nhứt Nguyên Bửu Tự (Vĩnh Phú), Đạo tràng Huệ Tâm (Lái Thiêu) và nhiều Tự viện lớn của Tổ Thầy.

Trong những năm hầu cận Hòa Thượng Long Sơn, ngày thì chấp lao phục dịch công quả Thiền Môn. Đêm đến được Hòa Thượng dạy pháp môn tu: Pháp môn Niệm Phật, một trong những pháp môn cơ bản của Chánh Pháp và cũng là Tông Yếu có truyền thống 75 năm từ Đức Ông thượng Bửu hạ Đức, đến đức Tôn Sư Hòa Thượng Thiện Phước trong Tông Môn. Những lúc tư duy quá nhiều, Hòa Thượng Long Sơn bảo Thầy nấu nước pha trà đậm uống cho tỉnh và thường dạy đến 2, 3 giờ sáng.

“Tam thường bất túc” Thầy và Trò ăn cơm mễ với muối cục, ăn rau củ thay cơm là chuyện thường tình, những khi leo núi vượt đèo. Thầy đi trước, Trò nối gót theo sau, một người dạy, một người nghe, lúc mỏi gối, hai thầy trò dừng chân bên phiến đá nghỉ ngơi, rồi tiếp tục cuộc hành trình, với cảnh núi non thanh lãnh và Pháp nhũ của Hòa Thượng Huệ Tâm. Thầy rất hân hoan như đang tận hưởng những giọt đề hồ mát dịu.

Đến năm 1968, sau một thời gian học đạo. Hòa Thượng đã vì phương tiện cho Thầy rời khỏi Long Sơn.

Lúc đầu Thầy trở lại Thành Phố và gặp những người Phật tử quen biết cùng nhau nương tựa để tu hành.

Ngày 17 tháng 11 năm Kỷ Dậu (1969) khởi lập ngôi Bửu Quang Tự bằng tranh tre vách lá với muôn ngàn khó khăn. Ngày 28 tháng 11 năm Kỷ Dậu (1969) ngôi Đạo Tràng đã hoàn thành.

Năm 1979 Thầy trở lại nơi chôn nhau cắt rốn của mình, thiết lập một Đạo Tràng nho nhỏ, đơn giản vì thiếu thốn mọi bề cho Bà con Phật tử nơi quê hương mình có nơi chiêm bái, tu hành, đó là Chùa Bửu Châu toạ lạc tại Ấp 4A, Xã Bình Mỹ, Huyện Củ Chi, TP. Hồ Chí Minh ngày hôm nay.

Rồi từ đó chiếc thuyền Bửu Châu từ từ lướt sóng ra khơi, trãi qua bao phong ba bão tố của thời gian. Thầy vẫn vững vàn tay lái, tron một niềm trung hiếu với Tổ Thầy và Tông Môn, không dám chểnh mãn sai lạc. Nhất là qua các mặt Phật sự, Thầy đều trở về Quan Âm Tu Viện hay Long Sơn Cổ Tự để cẩn bạch, sau khi Tổ Thầy dạy bảo cặn kẽ Thầy mới thi hành. Do đó hạnh nguyện thượng cầu hạ hóa của Thầy đạ toại nguyện mỹ mãn.
 
IV -  SỰ NGHIỆP HOẰNG PHÁP VÀ NHIẾP HÓA ĐỒ CHÚNG.

Là một Thành viên của Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam cũng là Thành viên Trong Hội Đồng Chứng Minh Phật Giáo Quận 8.

Thầy thường bảo chúng Đệ tử rằng: “Người tu nên nhớ kỹ, lập hạnh vị tha, hãy quên mình để cho Chánh Pháp được tỏ rạng …” là Tăng Ni, Phật tử phải lấy câu: “Đại trung, đại hiếu, đại nhẫn đại hòa” làm phương châm để lập thân hành đạo vinh danh hậu thế. Người tu không những học giáo suông, mà còn phải thể hiện qua thực tế cuộc sống đạo. Các con nên ôn hòa nhã nhặn, thương yêu lẫn nhau, đừng vì một chút sân hận mà thiêu đốt cả rừng công đức, thất bại là mẹ thành công, các con không nên thối chí nản lòng.

Ân Sư cũng thường giáo chúng, kiểm chúng trong những giờ giấc quy định. Cũng vì thế mà Tăng, Ni, Phật tử sống rất sinh động, tinh tấn tu hành, thừa hành Phật sự không nhàm trễ và hòa họp chúng. Người tiếp độ được nhiều đệ tử, đến nay các đệ tử của Người đều đã trưởng thành, Trụ trì tại các Chùa trong Thành Phố Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Long An. Các vị đều là những Tu sĩ có đạo hạnh có trình độ học vấn Thế học và Phật học nhất định, làm tốt công tác Phật sự tại địa phương. Nổi bậc có những vị như:

  •  Thượng tọa Thích Thiện Nghiêm, Trụ trì Chùa Vạn Phước (Cần Đước)

  • Thượng tọa Thích Thiện Tài, Trụ trì Chùa Linh Bửu (Quận 8)

  •  Thượng tọa Thích Thiện Minh, thường xuyên đi xây dựng, trùng tu các Tự viện trong Tông môn.

  • Thượng tọa Thích Thiện Duyên, Trụ trì Chùa Thiền An (Long Thành, Đồng Nai)

  • Thượng tọa Thích Thiện Đức, Trụ trì Tịnh Thất Phước Bửu (Long Thành, Đồng Nai)

  • Thượng tọa Thích Thiện Nghĩa, Trụ trì Tịnh Thất Long Thủy (Long Thành, Đồng Nai)

  • Đại đức Thích Bửu Thành, Trụ trì Chùa Bửu Châu (Bình Mỹ, Củ Chi)

  • Ni trưởng Thích nữ Diệu Tường, Trụ trì Chùa Bửu Quang (Quận 8)

  • Ni sư Thích nữ Diệu Trí, Trụ trì Tịnh Thất Bửu Chánh (Quận 12)

  • Ni sư Thích nữ Diệu Chí, Trụ trì Chùa Hòa Ngọc (Quận 12)

Những nơi Ân Sư đã từng giáo hóa như: Cần Đước, Bình Dương, Long Thành, Tam An, Phước Thái, Rạch Đỉa, Thủ Thiêm, Tiền Giang …

Lòng trung hiếu hiếu của Thầy được thể hiện qua 2 câu:

“Ân Phụ Mẫu phối đồng thiên địa,
Nghĩa Tổ Thầy tỉ tợ núi sông”


Được đặt nơi thuận tiện ra vào phòng liêu của Thầy để nhắc nhở cho chính mình và các môn đệ.

Kim chỉ nam của Thầy là bài kệ:

"Nhờ công dạy bảo đạo làm nên,
Chạm cốt muôn đời nghãi chẳng quên,
Bàn chánh hiểu thông gìn dạ chặt,
Giả chơn phân tỏ trí tâm bền,
Kim lăng dìu dắt trong muôn chúng,
Hùng vĩ công thành tạc tuổi tên.
Nhớ lại Ngư Ông qua bỉ ngạn,
Ghi lòng tạc dạ ráng lo đền …”


Một đạo hạnh khiêm cung, một đức tánh từ hòa hoan hỷ. Ân Sư rất được Chư Đại Lão Hòa Thượng và những Bậc đồng giới hạnh thương mến. Đặt biệt là hành nam nữ Phật tử, những gia đình nghèo đều qui về lễ kính và thọ phái quy y.

V - THAM GIA CÔNG TÁC XÃ HỘI:

Là một Tu sĩ giàu lòng yêu nước, thực hiện lời dạy của chư Tổ “Phật Pháp tại thế gian, bất ly thế gian giác” và phương châm “Đạo Pháp - Dân Tộc - Chủ Nghĩa Xã Hội” của Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam. Tuy Phật sự đa đoan, nhưng Người vẫn giành nhiều thời gian tham gia công tác xã hội, đấu tranh giành độc lập xây dựng đất nước.

Trên cương vị nào Người cũng tận tụy hết lòng hoàn thành xuất sắc các công việc được giao phó, cùng chung sức xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân, khéo vận dụng phương tiện đưa đạo vào đời, góp phần xây dựng đất nước thanh bình thịnh vượng, làm sáng đạo trong đời, phát huy truyền thống yêu nước ngàn đời của Phật Giáo Việt Nam.

Do công đức đóng góp to lớn, nên Người đã được Nhà nước các cấp Chính Quyền Mặt Trận, Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam trao tặng những phần thưởng cao quý.
 
VI -  THỜI KỲ VIÊN TỊCH.

Suốt cuộc đời hiến dâng cho Đạo Pháp và Dân Tộc, không kể gian lao khó nhọc, không màn danh lợi, quyền tước của thế gian như bọt nước đầu ghềnh.

Năm 1986 sau cơn đột biến trọng bệnh, Thầy đi điều dưỡng tại các bệnh viện trong Thành Phố, cơ thể đã yếu dần, Ân Sư vẫn bảo:

“Nhất tâm hành Chánh đạo,
Vương danh lưu hậu thế”


Ngày 29 thánh 05, Ân Sư được chuyển qua điều trị bằng phương pháp châm cứu trong 15 ngày, sức khỏe có phần bình phục. Ân Sư đã tự đi lại một mình.

Đêm 24 tháng năm năm 1990 (Canh Ngọ), Ân Sư trở bệnh, sáng ngày 25. 05 môn đệ thỉnh ý và chuyển Ân Sư về Chùa Bửu Quang, Quận 8. Ngày 26. 05. 1990 được đưa vào bệnh viện cấp cứu.

Trong lúc niên lạp đã gần thất tuần, sắp dừng chân trên đường Phật sự, khoảng 2 giờ sáng ngày mùng 02 tháng 06. Canh Ngọ (Nhằm 22 tháng 07 năm 1990) trong giây phút cuối cùng Ân Sư dặn dò hậu sự. Thầy dạy:

"Các con! Nếu mai đây thầy không còn bên các con nữa, các con hãy “Tấn đạo nghiêm thân” biết cuộc đời này là giả thì chấp làm gì:

Bèo hợp để rồi tan,
Hoa nở để rồi tàn.
Trăng tròn để rồi khuyết,
Người sống để biệt ly.

 

Bồ Tát với công hạnh: Bố thí, Trì giới, Nhẫn nhục, Tinh tấn, Thiền định và Trí huệ, sau khi đã viên mãn thì gọi là Ba la mật.

Do đó, việc hành đạo độ chúng sanh không phải là việc đơn giản, các con phải ôn hòa với tất cả chúng sanh dù là một bé nhỏ. Khi có khách thập phương đến đông, các con nên nhường nhịn phần ăn của mình cho bá tánh, mình ăn cháo rau cũng được ….”


Khoảng 10 giờ cùng ngày Chư Tôn Đức Trưởng Lão với một tấm lòng Linh Sơn Pháp Lữ đã làm lễ nguyện cầu và vấn an cho Ân Sư, đối trước Phật đường Ân Sư chí tâm niệm:

Nam  … mô … A … Di … Đà .. Phật.


Những giây phút cuối cùng trong đời, từng tiếng một Ân Sư cất tiếng: “Con cúi đầu .. đảnh lễ … Phật Phương Tây. Đạo sư tiếp dẫn chúng sanh này … Nay con phát nguyện về Lạc Quốc … Xin Phật thương con  .. độ vãng sanh … Nam mô A Di Đà Phật …”

Buổi tiệc nào rồi cũng phải tàn, cuộc vui nào rồi cũng phải tan. Lúc 17 giờ 15 phút ngày 12 tháng 06 năm Canh Ngọ (Nhằm ngày 02 tháng 08 năm 1990). Ân Sư đã giông buồm ra khơi, thả thuyền về nơi Phật cảnh, nơi cõi Niết Bàn ưu du bất diệt.

Ân Sư đã thâu thần nhập định với một nụ cười mãn nguyện.

Ân Sư ra đi trong muôn vàn tình thương của Môn đồ tứ chúng.

Bảo tháp của Ân Sư được Môn đồ tứ chúng tôn trí tại Chùa Bửu Châu. Ấp 4A, Xã Bình Mỹ, Huyện Củ Chi, TP. Hồ Chí Minh. 




Bảo tháp Cố Hòa Thượng Khai Sơn

Ban Biên Tập

Giảng sư

Kết nối

Tổng số truy cập
Thông tin: 23.490
Pháp Âm: 26.007
Đang truy cập
Hôm qua: 18791
Tổng truy cập: 9.676.088
Số người đang online: 528
PHÁP ÂM NỔI BẬT
Đang tải...

Giảng sư Xem tất cả