chuabuuchau.com.vn,chuabuuchau, chua buu chau, chùa bửu châu, chua buu chau cu chi

Bồ đề quyến thuộc của hành giả tu Phật

MỤC LỤC



THIỆN PHÚC

MỤC LỤC
LỜI ĐẦU SÁCH
 
PHẦN I: SƠ LƯỢC VỀ ĐẠO PHẬT & HÀNH GIẢ TU PHẬT

Chương 1: Sơ lược về đạo Phật
Chương 2: Tất cả Tứ chúng đều là hành giả tu Phật
Chương 3: Bốn chúng Phật tử xuất gia
Chương 4: Hai chúng Phật tử tại gia
 
PHẦN II: BỒ ĐỀ QUYẾN THUỘC CỦA HÀNH GIẢ TU PHẬT
Chương 5: Tổng quan về Bồ đề quyến thuộc của hành giả tu Phật
Chương 6: Giáo pháp của Đức Như Lai sẽ luôn là Thầy của hành giả tu Phật
Chương 7: Bát nhã là Mẹ của hành giả tu Phật
Chương 8: Bố thí là Người nuôi nấng hành giả tu Phật
Chương 9: Phương tiện là Cha của hành giả tu Phật
Chương 10: Gìn giữ giới luật là Người hộ trì của hành giả tu Phật
Chương 11: Nhẫn nhục là Chiếc phao cần thiết có thể giúp hành giả tu Phật qua bờ bên kia
Chương 12: Tinh tấn là Người thủ hộ của hành giả tu Phật
Chương 13: Thiền định là Người tẩy rửa hành giả tu Phật
Chương 14: Thiện hữu đồng tu là Những người dạy dỗ hành giả tu Phật
Chương 15: Các bồ đề phần là Những người bạn đồng hành của hành giả tu Phật
Chương 16: Chư Bồ tát là Anh em của hành giả tu tập Phật
Chương 17: Bồ đề tâm là Nhà cửa của hành giả tu Phật
Chương 18: Đi đúng theo Chánh đạo là cách hành xử tại nhà của hành giả tu Phật
Chương 19: Các trụ địa là Chỗ ở của hành giả tu Phật
Chương 20: Các pháp nhẫn là Gia tộc của hành giả tu Phật
Chương 21: Các nguyện là Gia giáo của hành giả tu Phật
Chương 22: Thực  hành công  hạnh là Gia nghiệp của hành giả tu Phật
Chương 23: Khiến người khác chấp nhận Đại thừa là Gia vụ của hành giả tu Phật
Chương 24: Được thọ ký trong một đời nữa thôi là số phận của một Bậc Hoàng thái tử trong Vương quốc pháp của hành giả tu Phật
Chương 25: Các Ba la mật là Pháp lữ của hành giả tu Phật
Chương 26: Thành tựu trí tuệ viên mãn là Nền tảng gia quyến của hành giả tu Phật
Chương 27: Niềm vui với Pháp chính là Vợ trong gia quyến thanh tịnh của hành giả tu Phật
Chương 28: Từ bi tâm là Con gái của hành giả tu Phật
Chương 29: Giới hạnh & Tâm thành thực là Con trai của hành giả tu Phật
Chương 30: Sự rốt ráo tĩnh lặng là Ngôi nhà yên tĩnh của hành giả tu Phật
Chương 31: Trần lao và phiền não là Đệ tử của hành giả tu Phật
Chương 32: Đạo phẩm là Bạn lành của hành giả tu Phật
Chương 33: Tứ nhiếp pháp là Kỹ nữ của hành giả tu Phật
Chương 34: Tứ thiền làm Giường ghế của hành giả tu Phật
Chương 35: Bát giải thoát là Ao tắm của hành giả tu Phật
Chương 36: Thần thông là Voi ngựa chạy của hành giả tu Phật
Chương 37: Đại thừa là Xe cộ của hành giả tu Phật
Chương 38: Bảy của báu là Sự giàu có của hành giả tu Phật
Chương 39: Pháp cam lồ là Món ăn của hành giả tu Phật
Chương 40: Hảo tướng là Sự trang nghiêm của hành giả tu Phật
Chương 41: Bồ đề quyến thuộc của hành giả theo Giáo điển Phật giáo & Thiền tông
Chương 42: Giới luật mãi mãi là Thầy
Chương 43: Những chỗ Y nương của hành giả tu Phật
Tài liệu tham khảo

LỜI ĐẦU SÁCH

Thông thường mà nói, hành giả tu Phật thường là người Phật tử; tuy nhiên, đối với Phật giáo, bất cứ ai tu tập đúng theo giáo pháp nhà Phật, người ấy được xem là một Phật tử. Các bạn không cần phải tuyên bố các bạn là người Phật tử, một khi bạn tin nơi Bốn Chân Lý Cao Thượng, luật nhân quả, lý duyên sanh, hoặc bạn gặt những gì bạn gieo, và tu tập theo sáu Ba La Mật hay Ba Mươi Bảy Phẩm Trợ Đạo, vân vân, bạn đích thị là người Phật tử. Người Phật tử tỏ lòng rất tôn kính đối với những con người siêu việt, những con người vĩ đại, những con người đã quét sạch vô minh và bứng gốc mọi phiền não do nơi chính mình thấu triệt chân lý. Song người Phật tử không cầu nguyện sự cứu rỗi nơi những bậc ấy. Người Phật tử chỉ tôn kính các bậc đã khai thị chân lý cho mình, các bậc đã chỉ ra con đường đi đến chân hạnh phúc và giải thoát tối thượng. Hạnh phúc là thứ mà mỗi người phải tự mình thành tựu cho chính mình, không ai có thể làm cho ta cao quý hơn hoặc thấp hèn hơn, như lời Đức Phật đã dạy trong kinh Pháp Cú câu 16: “Tự mình làm điều ác; tự mình không làm ác; tịnh, không tịnh tự mình; tự mình làm ô nhiễm; tự mình làm thanh tịnh; không ai thanh tịnh ai." Theo Phật giáo, tín đồ Phật giáo là người tin nơi Phật giáo, tu học và thọ trì những giới luật Phật pháp căn bản. Muốn trở thành một Phật tử phải làm những điều sau đây:

- Thứ nhất là Quy-Y Tam Bảo.

- Thứ nhì là biết cứu cánh chính của Đạo Phật, bao gồm: Chư ác mạc tác, chúng thiện phụng hành, và tự tịnh kỳ ý. Đó là những lời chư Phật dạy.

- Thứ ba là thật hiểu con đường đưa đến cứu cánh nầy.

- Thứ tư là thực hành đúng đắn những lời dạy của Đức Phật.

- Thứ năm là người Phật tử có lỗi phải biết sám hối, có tội phải biết dứt trừ; phải bỏ sự dong ruổi nơi tình trần; phải quay tâm về hướng giác; và phải y theo lời Phật dạy mà tu hành.

Thời nay muốn tu hành đúng đắn phải nương nơi bậc thiện tri thức thông kinh điển, đã có kinh nghiệm tu thiền nhiều năm để nhờ sự hướng dẫn. Đây là một trong năm điều kiện cần thiết cho bất cứ hành giả tu thiền nào. Nếu vị tu thiền nào không hội đủ năm điều kiện trên rất dễ bị ma chướng làm tổn hại. Theo Kinh Kalyana-mitra, Đức Phật dạy, “Thời nay muốn tìm minh sư, hay thiện hữu tri thức để gần gũi theo học, còn có chăng trong sách vở hay gương Thánh hiền, chứ còn trong vòng nhân tình đời nay, quả là hiếm có vô cùng.” Tuy nhiên, bên cạnh những yếu tố vừa kể trên, trên bước đường tu hành, còn một yếu cực kỳ quan trọng nữa cho cuộc tu tập giải thoát là Bồ Đề Quyến Thuộc.

Theo kinh Duy Ma Cật, Chương 8, Phẩm Phật Đạo, trong chúng hội có Bồ Tát tên Phổ Hiện Sắc Thân hỏi ông Duy Ma Cật rằng: “Cư sĩ! Cha mẹ, vợ con, thân bằng quyến thuộc, những người trí thức là ai? Tôi tớ, trai bạn, voi ngựa, xe cộ ở đâu?” Duy Ma Cật dùng bài kệ đáp rằng: “Trí độ mẹ Bồ Tát, phương tiện ấy là cha, Đạo sư tất cả chúng, đều do đấy sinh ra. Pháp hỷ chính là vợ, tâm từ bi là gái, tâm thành thực là trai, rốt ráo vắng lặng nhà. Trần lao là đệ tử, tùy ý mà sai xử, đạo phẩm vốn bạn lành, do đấy thành Chánh giác. Các độ là pháp lữ, tứ nhiếp là kỹ nữ, ca ngâm tụng lời pháp, lấy đó làm âm nhạc, vườn tược ấy tổng trì, cây rừng pháp vô lậu, hoa giác ý sạch mầu, trái giải thoát trí tuệ. Bát giải thoát là ao tắm, nước định lặng trong đầy, rải bảy thứ tịnh hoa, để tắm người không nhơ. Ngũ thông voi ngựa chạy, Đại thừa là xe cộ, cầm cương là nhất tâm, dạo chơi đường bát chánh. Tướng đủ nghiêm mặt mày, các tốt trau hình dáng, hổ thẹn làm thượng phục, thâm tâm làm tràng hoa. Giàu có bảy của báu, dạy bảo để thêm lợi, như lời nói tu hành, hồi hướng làm lợi lớn. Tứ thiền làm giường ghế, từ tịnh mạng sanh ra, học rộng thêm trí tuệ, đó là tiếng tự giác. Món ăn pháp cam lồ, nước uống vị giải thoát, tắm rửa sạch tịnh tâm, hương hoa là giới phẩm. Trừ dẹp giặc phiền não, mạnh mẽ không ai hơn, hàng phục bốn thứ ma, phướn tốt dựng đạo tràng.” Tuy biết không sanh diệt, vì dạy chúng có sanh, khắp hiện vào các cõi, như mặt nhựt đều thấy. Cúng dường khắp mười phương, không lường ức Như Lai, chư Phật và thân mình, không có tưởng phân biệt. Dầu biết các cõi Phật, với chúng sanh đều không, mà thường tu Tịnh Độ, dạy dỗ cho quần sanh. Bao nhiêu loài hữu tình, oai nghi cùng hình tiếng, Bồ Tát lực vô úy, đồng thời đều khắp hiện. Rõ biết các việc ma, mà hiện theo hạnh nó. Dùng trí phương tiện khéo, tùy ý đều hay hiện, hoặc hiện già, bệnh, chết; thành tựu cho chúng sanh. Rõ biết như huyễn hóa, thông suốt không ngăn ngại. Hoặc hiện kiếp cháy tan, đại địa đều trống rỗng, những người có ‘tưởng’ thường, soi thấy rõ vô thường. Vô số ức chúng sanh, đều đến thỉnh Bồ Tát, đồng thời đến nhà kia, dạy cho về Phật đạo, kinh sách cấm chú thuật. Các nghề nghiệp khéo léo, đều hiện làm việc ấy, lợi ích cho quần sanh. Các đạo pháp thế gian, nương đấy mà xuất gia, để giải mê cho người, mà chẳng đọa tà kiến, làm nhựt nguyệt thiên tử, làm Phạm vương, chủ, chúa; hoặc khi làm đất nước, hoặc lại làm gió lửa. Vào kiếp có tật dịch, hiện làm các cây thuốc, nếu người nào uống đến, các bệnh ác tiêu trừ. Vào kiếp có đói khát, hiện làm đồ ăn uống, trước là cứu đói khát, sau giảng dạy chánh pháp. Vào kiếp có đao binh, duyên khởi lòng từ bi, giáo hóa cho chúng sanh, tâm đừng còn tranh đấu. Nếu có chiến trận lớn, làm cho sức ngang nhau, Bồ Tát hiện oai thế, hàng phục để yên hòa. Trong tất cả cõi nước, chỗ nào có địa ngục, đi ngay đến nơi ấy, cứu vớt người khổ não. Trong tất cả cõi nước, súc sanh ăn lẫn nhau, đều hiện sanh ra nó, làm cho được lợi ích. Thị hiện trong ngũ dục, lại cũng hiện tu thiền, để tâm ma rối loạn, không thừa dịp hại được. Hoa sen sanh trong lửa, thật đáng gọi ít có, cõi dục mà tu thiền, ít có cũng như thế. Hoặc hiện làm dâm nữ, dẫn dắt kẻ háo sắc, trước lấy dục dụ người, sau khiến vào Phật trí. Hoặc làm chủ trong ấp, hoặc làm thầy khách buôn, quốc sư và đại thần, để lợi ích chúng sanh. Các chỗ có kẻ nghèo, hiện làm kho vô tận, nhân đó khuyến dạy người, cho phát tâm vô thượng. Kẻ kiêu căng ngã mạn, hiện làm những lực sĩ, tiêu phục lòng cống cao, quay về đạo Vô thượng. Những người hay sợ sệt, đến nơi để an ủi, trước thí pháp không sợ, sau dạy phát đạo tâm. Hoặc hiện lìa dâm dục, làm vị Tiên ngũ thông, chỉ dạy cho chúng sanh, để được giới nhẫn từ. Thấy người cần hầu hạ, hiện làm kẻ tôi tớ, vừa đẹp ý người kia, vừa phát được đạo tâm. Tùy theo việc cần dùng, mà vào trong Phật đạo, dùng sức phương tiện khéo, đều giúp cho đầy đủ. Đạo pháp nhiều không lường, việc làm không bờ mé, trí tuệ không hạn lượng, độ thoát vô số chúng. Dầu cho tất cả Phật, trong vô số ức kiếp, khen ngợi công đức kia, cũng không thể hết được. Ai nghe pháp như thế, chẳng phát tâm Bồ Đề, trừ những người bất tiếu, ngu si không trí tuệ.

Trong khi đó, theo Thiền Sư D.T. Suzuki trong Thiền Luận Tập III, chư Bồ Tát có hai mươi cha mẹ và quyến thuộc:
 
  • Thứ nhất, Bát Nhã là mẹ.
  • Thứ nhì, phương tiện là cha.
  • Thứ ba, bố thí là người nuôi nấng.
  • Thứ tư, trì giới là người trông nom hộ trì.
  • Thứ năm, nhẫn nhục là đồ trang sức.
  • Thứ sáu, tinh tấn là người thủ hộ.
  • Thứ bảy, thiền định là người tắm rữa.
  • Thứ tám, thiện hữu tri thức là người dạy dỗ.
  • Thứ chín, các Bồ Đề phần là bạn đồng hành.
  • Thứ mười, chư Bồ Tát là anh em.
  • Thứ mười một, Bồ Đề tâm là nhà cửa.
  • Thứ mười hai, đi đúng theo chánh đạo là cách hành xử tại nhà.
  • Thứ mười ba, các trụ địa là chỗ ở.
  • Thứ mười bốn, các pháp nhẫn là gia tộc.
  • Thứ mười lăm, các nguyện là gia giáo.
  • Thứ mười sáu, thực hành công hạnh là gia nghiệp.
  • Thứ mười bảy, khiến kẻ khác chấp nhận Đại Thừa là gia vụ.
  • Thứ mười tám, được thọ ký trong một đời nữa là số phận của ngài như vị thái tử nối nghiệp trong vương quốc chánh pháp.
  • Thứ mười chín, các Ba La Mật là con thuyền Bát Nhã đưa ngài đáo bỉ ngạn Giác Ngộ.
  • Thứ hai mươi, thành tựu trí tuệ viên mãn của Như Lai là nền tảng của gia quyến thanh tịnh của ngài.

Quyển sách nhỏ có tựa đề “Bồ Đề Quyến Thuộc Của Hành Giả Tu Phật” này không phải là một nghiên cứu thâm sâu về giáo lý nhà Phật, mà nó chỉ đơn thuần trình bày Bồ Đề Quyến Thuộc của hành giả tu tập theo đúng trong kinh điển Phật giáo cho hàng Phật tử chúng ta noi theo. Phật tử thuần thành nên luôn nhớ rằng mục đích của người tu Phật là tự giác, nghĩa là tự mình tu tập và tự quán sát bằng cái trí của chính mình chứ không dựa vào kẻ khác; giác tha (sau khi tự mình đã giác ngộ lại thuyết pháp để giác ngộ cho người khác, khiến họ được khai ngộ và giúp họ rời bỏ mọi mê lầm và khổ não trong vòng luân hồi) rồi cuối cùng mới đi đến giác hạnh viên mãn, thoát ra khỏi vòng luân hồi sanh tử, đó chính là Niết Bàn đạt được ngay trong kiếp này. Cuộc hành trình từ người lên Phật còn đòi hỏi nhiều cố gắng và hiểu biết liên tục. Chính vì thế mà mặc dù hiện tại đã có quá nhiều sách viết về Phật giáo, tôi cũng mạo muội biên soạn tập sách “Bồ Đề Quyến Thuộc Của Hành Giả Tu Phật” song ngữ Việt Anh nhằm phổ biến giáo lý nhà Phật cho Phật tử ở mọi trình độ, đặc biệt là những người sơ cơ. Những mong sự đóng góp nhoi nầy sẽ mang lại lợi lạc cho những ai mong cầu có được cuộc sống an bình, tỉnh thức và hạnh phúc.

Thiện Phúc

Giảng sư

Kết nối

Tổng số truy cập
Thông tin: 23.959
Pháp Âm: 26.142
Đang truy cập
Hôm qua: 18713
Tổng truy cập: 10.082.723
Số người đang online: 603

Các tin khác

PHÁP ÂM NỔI BẬT
Đang tải...

Giảng sư Xem tất cả