Theo tương truyền Hoa Ưu đàm hay Linh Thoại Hoa không có trên thế gian, nhưng loài cây có hoa, quả, mang tên Udumbara cũng có nhiều huyền thoại và công dụng y học trong dương gian này.
Loài hoa thiên mang điềm lành chiêu cảm, thế gian không có. Nếu Đức Phật ra đời hay có bậc Luân vương xuất thế, thì lọai hoa này xuất hiện như một điềm báo trước, mà Pháp hoa văn cú có ghi: "Ưu đàm là loại hoa linh thiêng, ba ngàn năm mới nở một lần, mỗi lần hoa nở thì có Đức Phật ra đời". Từ những đặc điểm này, người ta lấy hình ảnh của hoa Ưu đàm để làm biểu trưng cho một điềm xuất thế hiếm có của Bậc thánh nhân hay Hiền triết đã đạt được sự giác ngộ, trong Văn học và kinh điển Phật giáo.
Thời gian được thể hiện trên nhiều cấp độ trong những chu kỳ được phân tầng với các mức khác nhau, từ những năm của nhân loại cho đến những năm của Phạm thiên. Quá trình chuyển động sáng tạo và suy tàn của từng chu kỳ trong vũ trũ, chỉ là một trạng thái tổng thể của: Thành, Trụ, Hoại, Không, được kết lại từ những yếu tố khác nhau của chính nó. Trong sự thay đổi vô thường này mà luật nhân duyên đã được hình thành và chỉ rõ mọi hiện tượng tâm lý và vật lý tạo nên đời sống, đều nằm trong một mối liên hệ với nhau. Cái này tồn tại thì cái kia hình thành. Cái này phát sinh thì cái kia phát sinh. Cái này không tồn tại thì cái kia không hình thành. Cái này diệt thì cái kia diệt.
Các yếu tố này có thể tạo cho nhân loại những chu kỳ có liên quan đến cuộc cách mạng của toàn bộ hệ thống để bắt đầu làm lại kỷ nguyên của sự thật một lần nữa. Trong Kinh Pháp Diệt Tận cũng có ghi những lời cung thỉnh Đức Phật của Ngài A Nan như sau:
"Bạch Thế tôn, từ trước đến nay bất lúc kỳ khi nào Thế tôn thuyết pháp, ánh sáng oai nghi của Thế tôn đều tự nhiên xuất hiện, nhưng hôm nay trong đại chúng, không thấy ánh hào quang ấy từ Thế tôn tỏa ra nữa, chắc hẳn có nhân duyên gì, chúng con mong muốn nghe Đức Thế tôn giảng giải."
Đức Phật vẫn im lặng không trả lời, cho đến khi A Nan cầu thỉnh đến ba lần, lúc đó Đức Phật mới bảo A Nan: "Sau khi Như Lai nhập niết bàn, khi giáo pháp bắt đầu suy yếu, trong đời ngũ trược ác thế, ma đạo sẽ rất thịnh hành, ma quỷ biến thành sa môn, xuyên tạc phá hoại giáo pháp của ta. Chúng mặc y phục thế tục, ưa thích y phục đẹp đẽ, cà sa sặc sỡ, uống rượu, ăn thịt, giết hại sinh vật tham đắm mùi vị, không có lòng từ, thường mang sân hận, đố kỵ lẫn nhau…
Khi giáo pháp của ta sắp biến mất, cũng giống như ngọn đèn dầu tỏa sáng lên trong chốc lát trước khi tàn lụi, chánh pháp cũng bừng sáng rồi suy tàn, Từ đó về sau khó nói chắc được điều gì sẽ xảy ra.
Thời kỳ này sẽ kéo dài và khi Đức Di Lặc sắp thị hiện ở thế gian để thành vị Phật tiếp theo, các cõi nước đều được hoàn toàn an vui. Khí độc sẽ bị tiêu tán, mưa nhiều và đều đặn, năm thứ cốc loại tươi tốt, cây cối sum suê cao lớn, và loài người sẽ cao hơn, tuổi thọ trung bình của con người sẽ tâng thêm…"
Ngài A Nan cung thỉnh Đức Phật: "Bạch Thế tôn, chúng con nên gọi Kinh này là gì, và làm thế nào để phụng trì kinh ấy?"
Đức Phật bảo: "Này A Nan, kinh này gọi là Pháp Diệt Tận. Hãy dạy cho mọi người truyền bá rộng rãi kinh này. Những ai truyền bá kinh nầy, công đức của những người ấy không thể nghĩ bàn, không thể nào tính đếm được."
Mạt pháp là thời kỳ cuối cùng của một nền tôn giáo đang bị suy thoái. Người tu lầm lạc, khó đạt thành qủa. Sống trong thời đại suy thoái về mặt tinh thần đạo đức. Sự sợ hãi đã trở thành một vấn đề cụ thể mà người ta thường xuyên lo lắng. Tuyệt vọng và hy vọng cho cuộc sống tiếp theo trong tình trạng bất ổn xã hội, là những chủ đề quan trọng làm cho con người luôn suy nghĩ đến.
Vì sợ sự hành đạo và sống đạo của người con Phật bị thoái hoá tinh thần, và phải chịu thiêu diệt dưới những lữa ác độc trong thời kỳ sắp kết thúc của mạt pháp. Đức Phật đã có trình bày ý niệm này rất đầy đủ chi tiết trong Kinh A Di Đà.
Qua những lời cung thỉnh Đức Phật của Ngài A Nan và những câu trả lời của Đức Phật là điềm ứng hiệu cho sự sắp ra đời của Đức Di Lặc ở thế gian để thành vị Phật tiếp theo. Hoa Vô ưu hằng năm vẫn nở, Thái tử Tất Đạt Đa đản sanh dưới cội Vô ưu trong vườn Lâm Tỳ Ni lịch sử đã ghi. Một bậc Giác ngộ đã xuất hiện đã để lại cho đời những bộ kinh điển, thì việc Hoa Ưu đàm nở, sẽ trở thành đại sự nhân duyên gắn liền với những trang Phật học mới qua sự hướng dẫn của Đức Phật tương lai.
Ưu đàm ba la, Ô đàm bát la, Uất đàm, Ưu đàm… là những âm Hán Việt, được phiên âm từ Udumbara trong Phạn ngữ, viết theo mẫu devanāgarī: उदुम्बर. Theo tương truyền Hoa Ưu đàm hay Linh Thoại Hoa không có trên thế gian, nhưng loài cây có hoa, quả, mang tên Udumbara cũng có nhiều huyền thoại và công dụng y học trong dương gian này. Sự tương đồng với biểu tượng của một vị thần đặc biệt hoặc tên của một nhà hiền triết hay một bậc đã đạt được quả vị Phật thường được liên kết với tên của những cây thiêng liêng, trong nền văn hóa cổ của Ấn Độ.
Thí dụ như: Cây Assattha (Ficus religiosa) là cây gắn liền với tên của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni. Cây Nyagrodha (Ficus bengalensis) là cây nói lên, nơi đạt được sự giác ngộ của Đức Phật Kasyapa. Cây Ưu Đàm (Ficus glomerata) là cây, mà Đức Phật Kanakamuni (còn gọi là Konagamana) đã thành đạo dưới gốc của nó. Cây Sirisa (Albizzia labbek) là cây, nơi mà Đức Phật Krakuchhanda đã thành tựu Phật quả. Cây Pātalī là cây, nơi mà Ðức Phật Vipassī đã đắc đạo…
Udumbara có danh pháp khoa học: Ficus racemosa, đồng nghĩa Ficus glomerata Roxb. Việt dịch là cây sung hay Ưu đàm thụ. Cây sung là loại cây có thân gỗ lớn, mọc nhanh, thuộc họ Dâu tằm (Moraceae). Cây mọc hoang dại ở các vùng nhiệt đới và cận nhiệt đới và những nơi đất ẩm như bìa rừng, ven các bờ, ao, hồ, sông, suối…
Kính bút
(Còn tiếp)
TS Huệ Dân