TỲ KHEO NGUYÊN TUỆ
MỤC LỤC
Dẫn nhập
CHƯƠNG 1: MỤC ĐÍCH CUỘC SỐNG
- Mục đích của cuộc đời là hết khổ.
- Gánh nặng hai đầu.
- Kết luận.
CHƯƠNG 2: DUYÊN KHỞI.
I. Định lý Duyên khởi.
- Sự thật hiện tại.
- Nội dung chữ “pháp”.
- Sự phát sinh các Sắc pháp theo lộ trình nhân quả.
- Tính Vô thường và Vô ngã của các pháp.
- Quán sát lý Duyên khởi thô và tế.
- Thấy Biết đúng sự thật hay Tuệ tri.
- Không Thấy Biết như thật hay không Tuệ tri.
II. Mười hai Duyên khởi
- Tổng quan
- Quán sát thô
CHƯƠNG 3: TÂM BIẾT TRỰC TIẾP
- Sáu Căn và Sáu Trần (lục nhập)
- Tâm biết trực tiếp.
- Phân biệt các Cảm giác được biết với những Trần cảnh.
- Giải thích chữ Xúc trong kinh điển.
CHƯƠNG 4: TÂM BIẾT Ý THỨC.
- Lộ trình phát sinh.
- Đặc điểm của tâm biết ý thức.
- Lộ trình Duyên khởi tiếp theo tâm biết ý thức nhị nguyên.
- Sự phát sinh toàn bộ khối đau khổ.
- Bốn giai đoạn của lộ trình tâm Bát Tà Đạo.
CHƯƠNG 5: TÍNH CHẤT CỦA LỘ TRÌNH TÂM BÁT TÀ ĐẠO.
- Vô thường.
- Vô ngã.
- Tâm biết Tưởng và Thức.
- Kho chứa.
- Giải thích lộ trình tâm biết Ý thức về các Danh pháp.
- Năm Uẩn và Năm Thủ Uẩn.
- Sự thật về Khổ và nguyên nhân của Khổ (Khổ đế và Tập đế).
- Một số nhận thức không đúng (Vô minh) về khổ.
CHƯƠNG 6: TÍNH CHẤT CỦA LỘ TRÌNH TÂM BÁT CHÁNH ĐẠO.
- Chánh Niệm.
- Chánh Tinh tấn.
- Chánh Định.
- Chánh Tư duy.
- Chánh Tri kiến - Tâm biết Ý thức đúng như thực.
- Chánh ngữ, Chánh nghiệp, Chánh mạng.
- Ba giải thoát: Không - Vô tướng - Vô tác.
CHƯƠNG 7: TU TẬP CHÁNHNIỆM.
- Tà Niệm và Chánh Niệm.
- Lộ trình tu tập.
CHƯƠNG 8: PHƯƠNG PHÁP TU TẬP.
I. Tọa thiền.
- Tư thế.
- Thực hành chú tâm.
- Tu tập Định.
- Tu tập Tuệ.
- Tu tập Chỉ và Quán.
II. Thực hành tu tập trong cuộc sống.
- Thiền hành (thực hành khi đi).
- Mọi hành vi khác.
- Khi toạ thiền.
CHƯƠNG 9: GIẢI THÍCH MỘT SỐ BÀI KINH.
Kinh Pháp Môn Căn Bản.
Tiểu kinh Đoạn Tận Ái.
Kinh Nhất Dạ Hiền Giả.
Kinh Niệm Xứ.
Phụ lục.
DẪN NHẬP
Quyển sách này được viết ra nhằm mục đích cho những người đã được nghe giảng và tu tập theo pháp này, dùng làm tài liệu hướng dẫn và đối chiếu khi tu tập Tứ Thánh Đế. So với bài giảng trực tiếp, nó cô đọng hơn, ít thí dụ minh họa hơn, nên có thể khó hiểu đối với những người mới đọc lần đầu. Trong quyển sách này, có rất nhiều thuật ngữ Phật học, cũng là một khó khăn cho người đọc. Do vậy, cho dù là một người am hiểu các thuật ngữ Phật học thì vẫn cần phải khéo quán sát các ngôn từ này với trí tuệ. Ngôn từ là phương tiện truyền thông, dùng để ám chỉ các sự vật hoặc hiện tượng
(các pháp). Mỗi một ngôn từ có thể ám chỉ một hoặc rất nhiều pháp khác nhau. Phải quán sát ngữ cảnh mà ngôn từ ấy được sử dụng mới có thể thấy được cái sự vật hoặc hiện tượng mà ngôn từ ấy chỉ bày. Có thể có rất nhiều cách hiểu khác nhau, thậm chí là trái ngược nhau đối với một số thuật ngữ Phật học, vì vậy trong quyển sách này các thuật ngữ Phật học phải được hiểu trong ngữ cảnh của quyển sách này. Thí dụ:
* Tưởng là một thuật ngữ Phật học, có rất nhiều cách hiểu khác nhau, thậm chí trái ngược nhau nhưng ở đây, Tưởng được dùng trong ngữ cảnh là lộ trình: Xúc - Thọ - Tưởng dùng để chỉ tâm biết trực tiếp. Tâm biết trực tiếp xảy ra theo sáu trường hợp
(sáu Căn tiếp xúc với sáu Trần) gồm: Nhãn thức, Nhĩ thức, Tỉ thức, Thiệt thức, Thân thức và Tưởng thức. Tâm biết trực tiếp được gọi là Tưởng
(trong triết học và tâm lý học gọi là Nhận thức cảm tính).
* Niệm cũng là một thuật ngữ có rất nhiều cách dùng khác nhau, nhưng ở đây, Niệm được dùng trong ngữ cảnh là lộ trình: Xúc - Thọ - Tưởng - Niệm - Tư duy - Ý thức. Với ngữ cảnh này, Niệm vừa có chức năng là
(trí) nhớ đến, vừa có chức năng kích hoạt các thông tin trong kho chứa, tạo một nhân cho Tư duy sinh khởi. Niệm không phải là tâm biết mà nội dung của Niệm
(trí nhớ) được khởi lên, được biết ở tâm biết ý thức.
* Trí tuệ là một từ được dùng trong Phật học cũng như đời sống thường ngày thường thiên về nghĩa “biết nhiều hiểu rộng”, nhưng từ Trí tuệ được dùng trong ngữ cảnh của Kinh Tạng Nikāya và trong sách này là chỉ những hiểu biết đúng sự thật
(như thật). Hiểu biết đúng sự thật gọi là Trí tuệ hay Minh đạt được ở ba cấp độ gồm: Văn tuệ
(có được hiểu biết đúng sự thật do nghe giảng, tụng kinh điển), Tư tuệ
(do tư duy), và Tu tuệ
(do tu tập). “Hiểu nhiều biết rộng” bao nhiêu đi nữa nhưng vẫn là cái biết ý thức nhị nguyên, thì không phải là Trí tuệ, không phải là Minh mà chỉ là Vô minh.
* Trong sự thật Duyên khởi, hiển nhiên không tồn tại một thế giới thuần túy tinh thần được quan niệm như: Một Đấng sáng tạo, Một Đại ngã, Một Thượng đế toàn năng, Một Chân tâm thường trụ, mà từ đó phát sinh ra tất cả các sự vật và hiện tượng. Điều này phủ nhận hoàn toàn quan điểm của Triết học Duy tâm: Tinh thần có trước, vật chất có sau. Nhưng sự thật Duyên khởi cũng hiển nhiên: Căn - Trần là thế giới vật chất tiếp xúc với nhau mà phát sinh thế giới tinh thần. Phải chăng sự thật Duyên khởi phù hợp với quan điểm của Triết học Duy vật: Vật chất có trước, tinh thần có sau? Sự thật Duyên khởi, y cứ nơi sự thật đang xảy ra trong hiện tại, quán sát các sự vật và hiện tượng đang xảy ra trong hiện tại không những phủ nhận quan điểm của Triết học Duy tâm mà phủ nhận cả quan điểm của Triết học Duy vật. Triết học Duy vật quan niệm có một phạm trù vật chất hay một thế giới thuần vật chất có trước. Nhưng sự thật không phải như vậy. Không có một sự vật, một hiện tượng nào thuần túy vật chất. Phạm trù tinh thần hay Danh pháp
(Danh pháp là thuật ngữ Phật học chỉ phạm trù tinh thần) không những bao gồm các hành vi thuộc phạm trù tâm thức, mà còn bao gồm các thông tin được lưu giữ. Bất kỳ một sự vật và hiện tượng nào được quan niệm là vật chất, thì trong nó đều lưu giữ một lượng thông tin nào đó. Lượng thông tin này thuộc phạm trù tinh thần hay Danh pháp. Ví dụ: Một trang sách có các dòng chữ là vật chất, là Sắc pháp nhưng nội dung các dòng chữ này thuộc tinh thần, thuộc Danh pháp. Một cuộn băng từ, một đĩa DVD, một thẻ nhớ có cả phần vật chất
(Sắc pháp) và có các thông tin được lưu giữ trong đó thuộc tinh thần
(Danh pháp). Các loại sóng điện từ, sóng ánh sáng truyền dẫn thông tin, là vật chất nhưng mang trong nó lượng thông tin truyền đi, chính là tinh thần là danh pháp. Bất kỳ một sự vật, một hiện tượng nào là vật chất đều mang trong nó một lượng thông tin nào đó. Một căn nhà, một cái bàn, một viên kim cương, một hạt điện tử, một Photon v.v... đều mang trong nó một lượng thông tin. Khi nghiên cứu một sự vật, một hiện tượng có nghĩa là khám phá lượng thông tin được lưu giữ trong đó. Với các loại vật chất vô cơ, có một lượng thông tin nào đó nhưng với các loại vật chất hữu cơ, các tế bào sống có thêm loại thông tin được lưu giữ trong ADN. Chính loại thông tin được lưu giữ trong ADN là một trong những nhân tố phát sinh tâm biết. Tùy theo các loại thực vật và động vật khác nhau mà lượng thông tin trong ADN sẽ khác nhau đưa đến tâm biết phát sinh sẽ có kiểu cách và mức độ khác nhau. Người Ấn Độ cổ đại đã từng quan niệm: Cây cỏ là sinh vật có một giác quan. Cây cỏ khi “tiếp xúc” với ngoại cảnh sẽ phát sinh tâm biết theo mức độ và kiểu cách của nó đưa đến phản ứng của nó với ngoại cảnh. Vào mùa khô hạn, ở vùng đồi núi có một số hầm cầu bị tắc nghẽn. Khi sửa chữa người ta phát hiện những chùm rễ cây nhỏ xíu đã xâm nhập để hút nước. Những rễ cây này đã biết “tìm nước” từ những khoảng cách rất xa có thể đến hàng trăm mét.
Căn và Trần tiếp xúc với nhau làm phát sinh các hành vi thuộc phạm trù tâm thức, không đồng nghĩa với quan điểm Duy vật, bởi Căn - Trần không phải thuần túy vật chất mà còn có cả lượng thông tin được lưu giữ trong đó. Chính lượng thông tin chứa trong ADN của các tế bào thần kinh là một trong những nhân tố làm phát sinh tâm biết và các hành vi khác thuộc tâm thức. Thức tái sanh được đề cập trong phần phụ lục được xem là Hoá sanh với hai phần: Danh và Sắc. Sắc pháp là phần vật chất vi tế lưu giữ được các thông tin về “tâm” của người chết, không phải là phần vật chất vô cơ như photon hay các hạt cơ bản mà nó phát sinh do đột biến ADN trong tế bào thần kinh não bộ. Vì vậy, phần vật chất vi tế này mang một số đặc tính của loại vật chất tế bào não bộ, nên khi tiếp xúc với lượng thông tin
(về tâm) sẽ phát sinh cái biết của Hoá sanh.
Ngày nay khoa học đã đạt đến rất nhiều đỉnh cao, tuy vậy những kết quả mà khoa học khám phá chỉ gần đúng với sự thật chứ không phải là sự thật, bởi cái hiểu biết ấy là ý thức nhị nguyên, đặt nền tảng trên cái thấy một nhân sinh quả, một cái thấy thường kiến. Thí dụ quang năng biến đổi thành nhiệt năng. Với quan điểm thường kiến này, năng lượng nằm sẵn trong ánh sáng là của ánh sáng. Sự thật không phải như vậy. Chỉ khi nào ánh sáng tiếp xúc với một vật nào đó, thì lúc đó do “xúc” này mà phát sinh nhiệt năng. Nếu ánh sáng đi qua một vùng chân không, không tiếp xúc với bất kỳ một vật nào thì chẳng có quang năng nào biến đổi thành nhiệt năng cả. Nếu con người quán sát nơi sự thật là: “Hai nhân tiếp xúc với nhau rồi cùng diệt mà phát sinh nhiều quả thì mới có thể chấm dứt được cái thế giới quan thường kiến, một thế giới quan không đúng sự thật và có được một thế giới quan đúng với sự thật vô thường và vô ngã.
Trong quyển sách này cũng có nhiều nhận thức mới về triết học, tâm lý học, thần kinh học, và sinh học trên nền tảng sự thật duyên khởi. Tuy những nhận thức này có thô và tế khác nhau nhưng không với mục đích quán sát sâu xa, vì thế các lĩnh vực này chỉ ở mức độ vừa đủ để cho người học có thể chấm dứt được: “Thân kiến, nghi, giới cấm thủ” để trở thành “người thấy đường”.
Bát Chánh Đạo được giới thiệu ở đây gọi là Bát Chánh Đạo Siêu thế
(vượt khỏi thế gian) chính là lộ trình tâm của một vị vô học đạo
(A La Hán) và một vị hữu học đạo đang ở trong Chánh Định mà Đại Kinh Bốn Mươi thuộc Trung Bộ Kinh gọi là: “Vô lậu, Siêu thế thuộc Đạo chi”. Có Bát Chánh Đạo hiệp thế tức là Bát Chánh Đạo: “Thuộc Hữu lậu, thuộc Phước báo, đưa đến quả Sanh y” mà nội dung của Minh được lưu giữ trong “kho chứa” và những nội dung này được khởi lên theo lộ trình Bát Tà Đạo, nghĩa là vẫn còn có một cái “Ta” tu tập, một cái “Ta” thành tựu. Trong ba loại trí tuệ: Văn tuệ, Tư tuệ thuộc về Bát Chánh Đạo hiệp thế và Tu tuệ do chỉ quán song hành phát sinh thuộc về Bát Chánh Đạo Siêu thế. Trí tuệ này là tâm biết ý thức như thật gọi là Chánh Kiến thuộc vô lậu, thuộc siêu thế, thuộc đạo chi. Vì thế việc học và tư duy này là để thực hành đưa đến đoạn tận khổ đau. Nếu chỉ dừng lại việc học lý thuyết Duyên khởi, tri thức này được lưu vào “kho chứa”, không thực hành thiền quán thì lộ trình tâm vẫn là Bát Tà Đạo và tâm biết khởi lên vẫn là: “Ngã kiến, Ngã sở kiến, Ngã mạn tùy miên”. Nghĩa là vẫn còn thấy Ta hơn, Ta kém, Ta bằng và dĩ nhiên sẽ đưa đến khen mình chê người là đặc điểm của tâm phàm phu.