THIỆN PHÚC
MỤC LỤC:
Lời đầu sách
Chương 1: Tổng quan và ý nghĩa của Bát Thánh Đạo
Chương 2: Chánh Kiến
Chương 3: Chánh Tư Duy
Chương 4: Chánh Ngữ
Chương 5: Chánh Nghiệp
Chương 6: Chánh Mạng
Chương 7: Chánh Tinh Tấn
Chương 8: Chánh Niệm
Chương 9: Chánh Định
Chương 10: Lợi ích trong việc tu tập Bát Thánh Đạo
Chương 11: Dự bị tu tập Bát Thánh Đạo
Chương 12: Vai trò của Bát Thánh Đạo trong Tu tập
Chương 13: Tu tập Thiền là cố gắng đạt được Chánh Định
Chương 14: Chánh Định giúp hành giả thấy được mặt mũi của thực tại
Chương 15: Chánh Định giúp hành giả thanh tịnh thân tâm
Chương 16: Thanh tịnh giới đức trong tu tập sẽ dẫn tới Chánh Niệm và Chánh Định
Chương 17: Chánh Định giúp hành giả biết được bản chất của chính mình
Chương 18: Chánh Định giúp hành giả nhận chân được bản chất vô thường của vạn hữu
Chương 19: Chánh Niệm và Chánh Định giúp hành giả nhận chân được trạng thái vô minh của chính mình
Chương 20: Vai Trò của Chánh Kiến và Chánh Tư Duy trong tu tập
Chương 21: Bát Thánh Đạo giúp hành giả duy trì được kham nhẫn và điều hòa trong cuộc sống hằng ngày
Chương 22: Bát Thánh Đạo giúp hành giả điều phục vọng tâm
Chương 23: Vai trò của Chánh Niệm và Chánh Định trong việc phát triển trí tuệ
Chương 24: Chánh Định và Tam Muội
Chương 25: Tu tập Bát Thánh Đạo là tu tập kỷ luật tâm linh
Chương 26: Tâm định tĩnh giúp hành giả thấy được chân tướng của những khảo đảo trong tu tập
Chương 27: Kinh Nhập tức Xuất tức Niệm và tu tập Chánh Niệm-Chánh Định
Chương 28: Chánh Niệm và Chánh Định giúp điều phục năm thứ vọng tưởng
Chương 29: Chánh Định giúp hành giả nghe được vạn vật thuyết pháp
Chương 30: Chánh Niệm và Chánh Định giúp hành giả đạt đến giác ngộ và giải thoát
Chương 31: Chánh Niệm và Chánh Định giúp hành giả hiểu được tâm tướng
Chương 32: Hành giả tu Thiền và Bát Thánh Đạo
Phụ lục A: Tu tập định trong Thiền
Phụ lục B: Tiến trình đi đến Chánh Định
Tài liệu tham khảo
LỜI ĐẦU SÁCH
Bát Thánh Đạo bao gồm trong chân lý thứ tư trong Tứ Diệu Đế, là chân lý về con đường của sự diệt khổ. Đức Phật đã dạy rằng: “Bất cứ ai chấp nhận Tứ Diệu Đế và chịu hành trì Bát Thánh Đạo, người ấy sẽ hết khổ và chấm dứt luân hồi sanh tử.” Bát Thánh Đạo chính là diệu đế thứ tư trong tứ diệu đế có thể giúp cho chúng ta ngăn ngừa những trở ngại trong cuộc sống hằng ngày. Đây là con đường đưa đến chấm dứt khổ đau phiền não. Nếu chúng ta đi theo Bát Thánh Đạo thì cuộc sống của chúng ta sẽ ít khổ đau và nhiều hạnh phúc hơn. Nói một cách tóm lược, chánh kiến cũng có nghĩa là nhìn thấy được bản tánh của Pháp Thân Phật. Chánh kiến nói đến thái độ của chính mình về sự vật, cái nhìn của mình bằng tinh thần và ý kiến của chính mình, chứ không phải là thứ mà mình nhìn thấy bằng mắt thường. Chánh tư duy là nghĩ đúng là ý nghĩ từ bỏ mọi dục vọng tham sân si. Nghĩ đúng là luôn nghĩ về lòng khoan dung và nhân từ với mọi loài. Chánh tư duy là nghĩ đúng là ý nghĩ từ bỏ mọi dục vọng tham sân si. Nghĩ đúng là luôn nghĩ về lòng khoan dung và nhân từ với mọi loài. Chánh ngữ là nói lời thành thật và sáng suốt, nói hợp lý, nói không thiên vị, nói thẳng chứ không nói xéo hay xuyên tạc, nói lời thận trọng và hòa nhã; nói lời không tổn hại và có lợi ích chung. Chánh nghiệp là hành động chân chánh, đúng với lẽ phải, có ích lợi chung. Luôn luôn hành động trong sự tôn trọng hạnh phúc chung; tôn trọng lương tâm nghề nghiệp của mình; không làm tổn hại đến quyền lợi, nghề nghiệp, địa vị, danh dự, và tính mạng của người khác; giữ gìn thân khẩu ý bằng cách luôn tu tập mười nghiệp lành và nhổ dứt mười nghiệp dữ. Chánh mạng có nghĩa là sinh sống chân chính và lương thiện; không làm giàu trên mồ hôi nước mắt của người khác; không đối xử tệ bạc với người khác; không sống bám vào người khác; không mê tín dị đoan; không sống bằng miệng lưỡi mối lái để kiếm lợi. Chánh mạng còn có nghĩa là mưu sinh đúng là tránh những nghề gây phương hại cho những chúng sanh khác. Mưu sinh đúng còn có nghĩa là chối bỏ mọi lối sống tà vạy. Chánh tinh tấn là tất cả những nỗ lực đều dành cho sự giác ngộ. Chánh tinh tấn có nghĩa là là tinh tấn cải thiện tự thân. Thí dụ như ở trường và ở sở thì cố gắng học hành chăm chỉ, làm việc siêng năng và loại bỏ tánh xấu như lười biếng, nóng nảy, hút thuốc và sì ke ma túy. Còn ở nhà, cố gắng là một người chồng tốt, vợ tốt, con trai, con gái tốt, vân vân. Chánh tinh tấn có nghĩa là tâm thái luôn hướng về mục tiêu giải thoát khỏi vòng luân hồi sanh tử và vì thế mà tự thân luôn nỗ lực tu tập theo đúng với chánh pháp. Chánh niệm là nhớ đúng, nghĩ đúng là giai đoạn thứ bảy trong Bát Thánh đạo. Nhìn vào hay quán vào thân tâm để luôn tỉnh thức. Chánh niệm có nghĩa là lìa mọi phân biệt mà niệm thực tính của chư pháp. Theo Bát Chánh Đạo, chánh niệm là “Nhất Tâm.” Chánh định là tập trung tư tưởng đúng là tập trung vào việc từ bỏ những điều bất thiện và tập trung tinh thần được hoàn tất trong thiền định.
Vào khoảng năm 2009, Thiện Phúc đã biên soạn bộ Phật Pháp Căn Bản, gồm 8 tập. Tuy nhiên, quả là rất khó đặc biệt là người tại gia với nhiều gia vụ đọc hay nghiên cứu một bộ sách với khoảng 6184 trang giấy khổ lớn. Vì vậy mà Thiện Phúc đã trích chương 20 trong tập II ra, cố gắng biên soạn gọn lại và in thành tập sách nhỏ có nhan đề là Bát Thánh Đạo. Quyển sách nhỏ này không phải là một nghiên cứu thâm sâu về Phật giáo, mà nó chỉ đơn thuần trình bày ý nghĩa cốt lõi về Tám Con Đường Thánh của đức Phật, một bậc giác ngộ vĩ đại trong lịch sử nhân loại. Phật tử chân thuần nên luôn nhớ rằng tu Phật không hẳn là phải xuất gia vào chùa làm Tăng hay Ni, mà nó có nghĩa là bước vào việc thực tập đúng theo những lời dạy của đức Phật dạy và áp dụng những lời dạy ấy trong cuộc sống hằng ngày của mình, làm cho đời sống của chúng ta trở nên yên bình, tỉnh thức và hạnh phúc hơn. Đức Như Lai đã giải thích rõ về con đường diệt khổ mà Ngài đã tìm ra và trên con đường đó Ngài đã tiến tới quả vị Phật. Cuộc hành trình “Tiến Tới Giác Ngộ và Giải Thoát” còn đòi hỏi nhiều cố gắng và hiểu biết liên tục. Chính vì thế mà mặc dù hiện tại đã có quá nhiều sách viết về Phật giáo, tôi cũng mạo muội biên soạn tập sách “Bát Thánh Đạo” song ngữ Việt Anh nhằm giới thiệu giáo lý nhà Phật cho Phật tử ở mọi trình độ, đặc biệt là những người sơ cơ. Những mong sự đóng góp nhoi nầy sẽ mang lại lợi lạc cho những ai mong cầu có được cuộc sống an bình, tỉnh thức, và hạnh phúc.
Thiện Phúc