THIỆN PHÚC
MỤC LỤC
Lời đầu sách
Chương 1: Bốn chân lý trong bài pháp đầu tiên
Chương 2: Tổng quan và ý nghĩa của Bốn chân lý cao thượng
Chương 3: Chân lý về Khổ
Chương 4: Chân lý về sự vân tập của Khổ
Chương 5: Chân lý về Diệt Khổ
Chương 6: Chân lý về con đường Diệt Khổ
Chương 7: Vô số khổ đau trong cõi ta bà
Chương 8: Những lời Phật dạy về Bốn chân lý cao thượng
Chương 9: Đạo Phật-Đạo lộ diệt Khổ
Chương 10: Hành giả tu Thiền và Bốn chân lý cao thượng
Phụ lục A: Đời người trầm luân với Ưu tư và Khổ sở
Phụ lục B: Khổ đau và Nghịch cảnh
Phụ lục C: Khổ đau phiền não
Phụ lục D: Thiền Quán về khổ đau
Phụ lục E: Lấy khổ đau làm đối tượng tu tập Thiền quán
Phụ lục F: Tập khí
Phụ lục G: Chuyển hóa “Nội kết”
Phụ lục H: Thế giới Ta bà & Ba cõi luân hồi
Phụ lục I: Niết bàn giải thoát
Tài liệu tham khảo
LỜI ĐẦU SÁCH
Ngay sau khi Phật đạt được đại giác tại Bồ đề đạo tràng, ngài đã đi vào vườn Lộc uyển tại thành Ba La Nại, để giảng bài pháp đầu tiên về Trung Đạo, Tứ Thánh Đế và Bát Thánh Đạo. Tại Vườn Lộc Uyển trong thành Ba La Nại, thoạt đầu Đức Phật bị năm anh em Kiều Trần Như lãng tránh, nhưng khi Đức Phật tiến lại gần họ, họ cảm nhận từ nơi Ngài có những tướng hảo rất đặc biệt, nên tất cả đều tự động đứng dậy nghênh tiếp Ngài. Sau đó năm vị đạo sĩ thỉnh cầu Đức Thế Tôn chỉ giáo những điều Ngài đã giác ngộ. Đức Phật nhân đó đã thuyết Bài Pháp Đầu Tiên: Chuyển Bánh Xe Pháp. Ngài bắt đầu thuyết giảng: “Này các Sa Môn! Các ông nên biết rằng có bốn Chân Lý. Một là Chân Lý về Khổ. Cuộc sống đầy dẫy những khổ đau phiền não như già, bệnh, bất hạnh và chết chóc. Con người luôn chạy theo các dục lạc, nhưng cuối cùng chỉ tìm thấy khổ đau. Mà ngay khi có được thú vui thì họ cũng nhanh chóng cảm thấy mệt mỏi vì những lạc thú nầy. Không có nơi nào mà con người tìm thấy được sự thỏa mãn thật sự hay an lạc hoàn toàn cả. Thứ hai là Chân Lý về Nguyên Nhân của Khổ. Khi tâm chúng ta chứa đầy lòng tham dục và vọng tưởng chúng ta sẽ gặp mọi điều đau khổ. Thứ ba là Chân Lý về sự Chấm dứt Khổ. Khi tâm chúng ta tháo gỡ hết tham dục và vọng tưởng thì sự khổ đau sẽ chấm dứt. Chúng ta sẽ cảm nghiệm được niềm hạnh phúc không diễn tả được bằng lời. Cuối cùng là Chân Lý về Đạo Diệt Khổ, con đường giúp chúng ta đạt được trí tuệ tối thượng.” Bài pháp đầu tiên này của đức Phật đã trở thành cốt lõi của giáo pháp nhà Phật.
Vào khoảng năm 2009, Thiện Phúc đã biên soạn bộ Phật Pháp Căn Bản, gồm 8 tập. Tuy nhiên, quả là rất khó đặc biệt là người tại gia với nhiều gia vụ đọc hay nghiên cứu một bộ sách với khoảng 6184 trang giấy khổ lớn. Vì vậy mà Thiện Phúc đã trích chương 20 trong tập II ra, cố gắng biên soạn gọn lại và in thành tập sách nhỏ có nhan đề là Bốn Chân Lý Cao Thượng. Quyển sách nhỏ có tựa đề “Bốn Chân Lý Cao Thượng” này không phải là một nghiên cứu về triết lý sống, mà nó chỉ đơn thuần trình bày bài pháp đầu tiên của đức Phật, một bậc giác ngộ vĩ đại trong lịch sử nhân loại. Phật tử chân thuần nên luôn nhớ rằng tu Phật không hẳn là phải xuất gia vào chùa làm Tăng hay Ni, mà nó có nghĩa là bước vào việc thực tập những bài tập được liên kết để thiết lập những mẫu mực sống hằng ngày của mình, làm cho đời sống của chúng ta trở nên yên bình hơn. Đức Như Lai đã giải thích rõ về con đường diệt khổ mà Ngài đã tìm ra và trên con đường đó Ngài đã tiến tới quả vị Phật. Đường tu tập còn đòi hỏi nhiều cố gắng và hiểu biết liên tục. Chính vì thế mà mặc dù hiện tại đã có quá nhiều sách viết về Phật giáo, tôi cũng mạo muội biên soạn tập sách “Bốn Chân Lý Cao Thượng” song ngữ Việt Anh nhằm giới thiệu giáo lý nhà Phật cho Phật tử ở mọi trình độ, đặc biệt là những người sơ cơ. Những mong sự đóng góp nhoi nầy sẽ mang lại lợi lạc cho những ai mong cầu có được cuộc sống an bình, tỉnh thức và hạnh phúc.
Thiện Phúc