THIỆN PHÚC
MỤC LỤC
Lời đầu sách
PHẦN I: TỔNG QUAN VỀ ĐẠO PHẬT
Chương 1: Thời kỳ trước khi có Phật giáo
Chương 2: Nguồn gốc phát sinh Phật giáo
Chương 3: Sự thành hình Phật giáo
Chương 4: Tổng quan về Đạo Phật
Chương 5: Ý nghĩa của Đạo Phật
Chương 6: Tóm lược về những phần cốt lõi nhất trong Đạo Phật
Chương 7: Vũ trụ quan Phật giáo
Chương 8: Nhân sinh quan của Đạo Phật
Chương 9: Đạo Phật-Tôn giáo của Chân lý và Triết lý sống động
Chương 10: Những Chân lý cao thượng trong giáo thuyết nhà Phật
PHẦN II: BƯỚC VÀO VƯỜN HOA GIÁC NGỘ & GIẢI THOÁT
Chương 11: Sự giác ngộ của Đức Phật-Khai mở khu vườn hoa Giác ngộ & Giải thoát
Chương 12: Những đóa hoa Giác ngộ trong Phật giáo
Chương 13: Những đóa hoa Giải thoát trong Phật giáo
Chương 14: Trung đạo-Khu vườn đầy hoa Giác ngộ & Giải thoát
Chương 15: Đạo Phật-Vườn hoa Giác ngộ & Giải thoát
Chương 16: Đạo Phật-Nguyên lý Giải thoát hoàn hảo
Chương 17: Đạo Phật-Giải thoát ngay trong kiếp nầy
Chương 18: Đạo Phật-Dòng suối đưa chúng sanh qua bờ bên kia
Chương 19: Tu hành đóng vai trò then chốt tiến đến cửa Giác ngộ & Giải thoát trong Phật giáo
Chương 20: Thiền tập-Con đường dẫn vào khu vườn đầy hoa Giác ngộ & Giải thoát
Chương 21: Tu tập Chánh niệm là đang bước vào vườn hoa Giác ngộ & Giải thoát
Chương 22: Tu tập niệm Phật có nghĩa là đang bước vào khu vườn đầy hoa Giác ngộ & Giải Thoát
Chương 23: Thông đạt Phật đạo là đang mở đường để bước vào khu vườn đầy hoa Giác ngộ & Giải thoát
Chương 24: Sống tỉnh thức có nghĩa là đang dạo bước trong khu vườn đầy hoa Giác ngộ & Giải thoát
Chương 25: Muốn hái những đóa hoa Giác ngộ & Giải thoát hành giả phải chăn Tâm như chăn trâu
Chương 26: Những lời dạy cuối cùng của Đức Phật đến chư Đệ tử về Giác ngộ & Giải thoát
Chương 27: Điểm đến tối hậu-Niết bàn
Tài liệu tham khảo
LỜI ĐẦU SÁCH
Theo Phật giáo, Giác Ngộ, tiếng Phạn là Bồ Đề có nghĩa là giác sát hay giác ngộ. Giác có nghĩa là sự biết và cái có thể biết được. Giác ngộ là nhận biết các chướng ngại che lấp trí tuệ hay các hôn ám của vô minh như giấc ngủ (như đang ngủ say chợt tỉnh). Giác ngộ cũng là nhận ra các chướng ngại phiền não gây hại cho thiện nghiệp, hay trực ngộ về bản tánh thật của vạn pháp. Theo Phật giáo, giác ngộ chính là đại lộ đưa hành giả đi đến Niết Bàn. Khái niệm về từ Bodhi trong Phạn ngữ không có tương đương trong Việt và Anh ngữ, chỉ có danh từ “Lóe sáng,” “Bừng sáng,” hay “Enlightenment” là thích hợp. Một người thấy được bản tánh thật sự của vạn hữu là giác ngộ cái hư không hiện tại. Cái hư không mà người ta thấy được trong khoảnh khắc ấy không phải là hư vô, mà là cái không thể nắm bắt được, không thể hiểu được bằng cảm giác hay tư duy vì nó vô hạn và vượt ra ngoài sự tồn tại và không tồn tại. Cái hư không được giác ngộ không phải là một đối tượng cho chủ thể suy gẫm, mà chủ thể phải hòa tan trong đó mới hiểu được nó. Trong Phật giáo thật, ngoài thể nghiệm đại giác ra, không có Phật giáo. Giác Ngộ là kinh nghiệm riêng tư thân thiết nhất của cá nhân, nên không thể nói bằng lời hay tả bằng bút được. Theo Kinh Sa Môn Quả, Đức Phật dạy về kinh nghiệm giác ngộ như sau: “Với cái tâm an định, trong sạch, linh mẫn, điều chế, xả hết ác nghiệp, nhu thuận, tùy ứng, kiên cố, không nao núng, thầy Tỳ Kheo phát tâm diệt trừ phiền não. Thấy biết đúng như thực: ‘đây là khổ’, ‘đây là nguyên nhân của khổ’, ‘đây là sự diệt khổ’, và ‘đây là con đường diệt khổ.’ Thấy biết đúng như thực: ‘đây là phiền não’, ‘đây là nguyên nhân của phiền não’, ‘đây là sự diệt trừ phiền não’, và ‘đây là con đường đưa tới sự diệt trừ phiền não’. Biết như vậy, thấy như vậy, tâm thấy được giải thoát các phiền não lậu hoặc của dục ái, hữu ái, vô minh, và được trí tuệ giải thoát. Thầy Tỳ Kheo biết: ‘nghiệp tái sanh đã xả trừ, phạm hạnh đã tròn, việc gì phải làm nay đã làm xong, sau kiếp này không còn thọ thân nào khác.’ Tuy nhiên, giáo pháp mà Như Lai chứng ngộ, quả thực thâm diệu, khó hiểu, khó nhận, vắng lặng tuyệt đối, không nằm trong phạm vi lý luận, tế nhị, chỉ có bậc Thánh nhân mới hiểu nổi. Chúng sanh còn luyến ái trong nhục dục ngũ trần. Giáo lý tương quan Duyên Khởi là một đề mục rất khó lãnh hội, và Niết Bàn, là sự chấm dứt mọi hiện tượng phát sinh có điều kiện, sự từ bỏ khát vọng, sự đoạn trừ tham ái, sự không tham ái và sự chấm dứt cũng là một vấn đề không dễ lãnh hội.” Thật rõ rệt rằng ngộ là sự thành tựu chân thực, trạng thái viên mãn của cái tâm bình thường trong đó mình sẽ cảm thấy thỏa mãn hơn, bình thản hơn, đầy niềm vui hơn bất cứ thứ gì mình từng thể nghiệm trước đây. Vì vậy ngộ là một trạng thái trong ấy con người hoàn toàn hòa hợp với thực tại bên ngoài và bên trong, một trạng thái trong ấy hành giả hoàn toàn ý thức được nó và nắm được nó một cách trọn vẹn. Hành giả nhận thức được nó, nghĩa là không phải bằng óc não hay bất cứ thành phần nào của cơ thể của hành giả, mà là con người toàn diện. Hành giả nhận thức được nó; không như một đối tượng đằng kia mà hành giả nắm giữ nó bằng tư tưởng, mà nó, bông hoa, con chó, hay con người trong thực tại trọn vẹn của nó hay của hành giả. Kẻ thức tỉnh thì cởi mở và mẫn cảm đối với thế giới, và hành giả có thể cởi mở và mẫn cảm vì anh ta không còn chấp trước vào mình như một vật, do đó đã trở thành trống không và sẵn sàng tiếp nhận. Ngộ có nghĩa là “sự thức tỉnh trọn vẹn của toàn thể cá tính đối với thực tại.” Trong khi đó, giải thoát có nghĩa là thoát khỏi vòng luân hồi sanh tử. Mục tiêu của mọi Phật tử và mục đích của mọi tông phái dựa vào thiền định. Trong thiền, giải thoát đồng nghĩa với đại giác. Giải thoát khỏi vòng luân hồi sanh tử lại có nghĩa là giải thoát khỏi mọi trở ngại của cuộc sống, những hệ lụy của dục vọng và tái sanh. Giải thoát tối hậu, giải thoát vĩnh viễn, giải thoát khỏi sự tái sanh trong vòng luân hồi sanh tử. Giải thoát là lìa bỏ mọi trói buộc để được tự tại, giải thoát khỏi vòng luân hồi sanh tử, cởi bỏ trói buộc của nghiệp hoặc, thoát ra khỏi những khổ đau phiền não của nhà lửa tam giới. Trong Phật giáo, Phật không phải là người giải thoát cho chúng sanh, mà Ngài chỉ dạy họ cách tự giải thoát. Trên hết, đối với hành giả tu Phật, giải thoát có nghĩa là Niết Bàn. Giải thoát khỏi những khổ đau phiền não do hiểu được nguyên nhân của chúng, xuyên qua thực hành Tứ diệu đế mà xóa bỏ hay làm biến mất những nhơ bẩn ấy. "Giải thoát" đánh dấu sự loại bỏ những ảo ảnh và đam mê, vượt thoát sinh tử và đạt tới cứu cánh Niết bàn.
Nói rằng đạo Phật là vườn hoa giác ngộ và giải thoát không phải là quá đáng bởi vì trong số các tôn giáo trên thế giới, dầu tôn giáo nào cũng muốn con người hướng thượng, nhưng chỉ đạo Phật là con đường duy nhất đưa con người từ hung ác đến thiện lành, từ phàm đến Thánh, từ mê sang giác, và từ khổ đau phiền não đến giải thoát rốt ráo. Bên cạnh đó, sức mạnh của việc tu tập giáo pháp Phật giáo là không thể nghĩ bàn. Công dụng sức mạnh của việc tu tập giáo pháp Phật giáo sẽ khiến cho hành giả dầu chưa đạt được giải thoát rốt ráo, nhưng cũng giác ngộ được rằng nếu chịu tu hành thiện pháp cũng được tái sanh làm người hay được sanh lên cõi trời sống đời xứng đáng đầy an lạc và hạnh phúc. Theo quan điểm của Phật giáo Đại Thừa, một cuộc sống xứng đáng của người chân Phật tử, không phải là chỉ trải qua một cuộc sống bình an, tỉnh lặng mà chính là sự sáng tạo một cái gì tốt đẹp. Khi một người nỗ lực trở thành một người tốt hơn do tu tập thì sự tận lực này là sự sáng tạo về điều tốt. Khi người ấy làm điều gì vì lợi ích của người khác thì đây là sự sáng tạo một tiêu chuẩn cao hơn của sự thiện lành. Các nghệ thuật là sự sáng tạo về cái đẹp, và tất cả các nghiệp vụ lương thiện đều là sự sáng tạo nhiều loại năng lực có ích lợi cho xã hội. Sự sáng tạo chắc chắn cũng mang theo với nó sự đau khổ, khó khăn. Tuy nhiên, người ta nhận thấy cuộc đời đáng sống khi con người dùng sức mạnh của chính mình để nỗ lực vì điều gì thiện lành. Một người nỗ lực để trở nên một người tốt hơn một chút và làm lợi ích cho người khác nhiều hơn một chút, nhờ sự nỗ lực tích cực như thế chúng ta có thể cảm thấy niềm vui sâu xa trong đời người.
Nói chung, giáo pháp nhà Phật đều nhắm vào việc giúp con người giác ngộ và giải thoát những khổ đau phiền não của họ ngay trong kiếp này. Nói cách khác, bước vào tu tập với giáo pháp nhà Phật cũng đồng nghĩa với bước vào vườn hoa giác ngộ và giải thoát. Các lời dạy này đều có cùng một chức năng giúp đỡ cá nhân hiểu rõ phương cách khơi dậy thiện tâm và từ bỏ ác tâm. Phật tử chân thuần muốn đạt đến cảnh giới an vui hạnh phúc như Đức Phật, không có con đường nào khác hơn con đường tu tập theo đúng những sự thật nầy. Nghĩa là, chúng ta phải học các sự thât nây và phải đi theo con đường mà Đức Phật đã chỉ bày. Nói về giác ngộ và giải thoát, đức Phật đã từng khẳng định với chúng đệ tử: “Tất cả những gì Ta làm, các ngươi đều có thể làm được; các ngươi có thể chứng đắc Niết Bàn, đi vào cảnh an vui hạnh phúc khi nào các ngươi bỏ được cái ‘ngã’ sai lầm và diệt hết vô minh trong tâm mình.” Nói tóm lại, giác ngộ là sự tỉnh thức và nhận biết về Phật và làm sao để đạt đến Phật quả. Giác ngộ trong Phật giáo là đạt được sự chứng ngộ thâm sâu của cái có nghĩa là Phật và làm sao để đạt đến Phật quả. Còn giải thoát là lìa bỏ mọi trói buộc để được tự tại, giải thoát khỏi vòng luân hồi sanh tử, cởi bỏ trói buộc của nghiệp hoặc, thoát ra khỏi những khổ đau phiền não của nhà lửa tam giới. Trong Phật giáo, đức Phật không phải là người giải thoát cho chúng sanh, mà Ngài chỉ dạy họ cách tự giải thoát. Trên hết, đối với hành giả tu Phật, giải thoát có nghĩa là Niết Bàn. Giải thoát khỏi những khổ đau phiền não do hiểu được nguyên nhân của chúng, xuyên qua thực hành Tứ diệu đế mà xóa bỏ hay làm biến mất những nhơ bẩn ấy. "Giải thoát" đánh dấu sự loại bỏ những ảo ảnh và đam mê, vượt thoát sinh tử và đạt tới cứu cánh Niết bàn. Người Phật tử thuần thành nên luôn nhớ rằng đức Phật đã nhiều lần nhắc nhở chúng ta rằng Ngài chỉ nêu gương cho hàng đệ tử noi theo và là người dẫn đường, Pháp của Ngài mới đóng vai trò làm Thầy và Tăng già chân chánh là những người thực sự dẫn đường cho chúng ta trên bước đường tu tập hiện tại của mình. Cuối cùng, trước khi nhập diệt, Đức Phật nhấn mạnh với chư Tăng những lời dạy cuối cùng của Ngài: “Tất cả vạn vật đều đi đến hoại diệt. Bây giờ các con hãy nỗ lực tinh tấn.” Sau đó Ngài nằm nghiêng về phía bên phải giữa hai cây Song Thọ, Ngài bắt đầu nhập sâu vào các tầng thiền rồi cuối cùng nhập vào Niết Bàn, không bao giờ còn tái sanh trở lại nữa. Nhục thân của Ngài được hỏa táng, theo ước nguyện của Ngài xá lợi được chia cho loài người và chư Thiên; và các bảo tháp được dựng lên để lưu giữ xá lợi của Ngài. Đức Như Lai đã bày ra một cách rõ ràng những hướng dẫn cho cuộc tu tập của người chân Phật tử. Bây giờ là trách nhiệm của chính chúng ta là có tu tập hay không mà thôi. Cuộc hành trình triệt tiêu nghiệp chướng để đi từ khổ đau phiền não tới giác ngộ và giải thoát, từ người lên Phật đòi hỏi nhiều cố gắng và hiểu biết liên tục. Chính vì thế mà mặc dù hiện tại đã có quá nhiều sách viết về Phật giáo, tôi cũng mạo muội biên soạn tập sách nhỏ mang tựa đề “Bước Vào Vườn Hoa Giác Ngộ & Giải Thoát” song ngữ Việt Anh nhằm phổ biến giáo lý nhà Phật cho Phật tử ở mọi trình độ, đặc biệt là những người sơ cơ. Những mong sự đóng góp nhỏ nhoi nầy sẽ mang lại lợi lạc cho những ai mong cầu có được cuộc sống an bình, tỉnh thức và hạnh phúc.
Thiện Phúc