Sư Sán Nhiên biên soạn (1988)
và hiệu đính (2011)
Hết lòng trân quí và ghi nhớ ân đức sâu dầy của sư Sán Nhiên đã biên soạn và hiệu đính tập sách này, cũng như đã hoan hỷ cho phép Hội Thiện Đức ấn tống nhằm góp phần vào công cuộc hoằng hóa Phật pháp đem đến lợi lạc cho nhiều người.
Hội Thiện Đức xin biết ơn sự ủng hộ tinh thần và tán thán sự phát tâm đóng góp tịnh tài của quý Phật tử và ân nhân cho công trình ấn tống này. Xin tri ân chị Thân Thục & anh Thân Phúc đánh máy tập sách; anh Thân Hòa trình bày sách bao gồm thiết kế bìa sách; anh Chúc Giới, anh Thiện Tánh, cùng anh Chúc Tùng cung cấp tài liệu và hình ảnh; Tâm Hân Huệ thỉnh ý sư Sán Nhiên; chị Tâm Thiện, chị Chơn Hạnh Bạch, chị Diệu Âm, Thân Hồng, cùng anh chị Lê Lộc (Lancaster, PA) phụ giúp sổ sách, liên lạc, và kêu gọi cho quỹ ấn tống.
Đặc biệt cảm tạ chú Phan Thanh Thu, cô Quỳnh Trâm, Sonny, cùng nhà in CT Printing & Graphics (Silver Spring, MD) tận tâm yểm trợ việc ấn loát tập sách này.
Kính xin đức Phật cùng chư thiên gia hộ và xin nguyện hồi hướng công đức ấn tống tập sách này đến hết thảy chúng sanh đều được sống an vui và có nhiều duyên lành tinh tấn thực tập thiện pháp.
MỤC LỤC
A. Kinh Pháp Cú (Dhammapada) trong kinh tạng Pālī
B. Ý nghĩa của từ ngữ “Dhammapada”
C. Nội dung tổng quát của Kinh Pháp Cú
Phẩm thứ nhất - Phẩm Song Yếu
Phẩm thứ hai - Phẩm Không Phóng Dật
Phẩm thứ ba - Phẩm Tâm
Phẩm thứ tư - Phẩm Hoa
Phẩm thứ năm - Phẩm Người Ngu
Phẩm thứ sáu - Phẩm Hiền Trí
Phẩm thứ bảy - Phẩm A La Hán
Phẩm thứ tám - Phẩm Ngàn
Phẩm thứ chín - Phẩm Ác
Phẩm thứ mười - Phẩm Hình Phạt
Phẩm thứ mười một - Phẩm Già
Phẩm thứ mười hai - Phẩm Tự Ngã
Phẩm thứ mười ba - Phẩm Thế Gian
Phẩm thứ mười bốn - Phẩm Phật
Phẩm thứ mười lăm - Phẩm An Lạc
Phẩm thứ mười sáu - Phẩm Hỷ Ái
Phẩm thứ mười bảy - Phẩm Phẫn Nộ
Phẩm thứ mười tám - Phẩm Cấu Uế
Phẩm thứ mười chín - Phẩm Pháp Trụ
Phẩm thứ hai mươi - Phẩm Đạo
Phẩm thứ hai mươi mốt - Phẩm Tạp Lục
Phẩm thứ hai mươi hai - Phẩm Địa Ngục
Phẩm thứ hai mươi ba - Phẩm Voi
Phẩm thứ hai mươi bốn - Phẩm Ái Dục
Phẩm thứ hai mươi lăm - Phẩm Tỳ Khưu
Phẩm thứ hai mươi sáu - Phẩm Bà La Môn
A. KINH PHÁP CÚ (DHAMMAPADA) TRONG KINH TẠNG PĀLĪ
Kinh Pháp Cú thuộc thành phần Kinh Tạng Pālī. Theo một phân loại, Kinh Pháp Cú thuộc Bộ Kinh thứ năm là Tiểu Bộ Kinh (Khuddakanikāya), đứng thứ hai trong mười lăm tập kinh, thuộc Tiểu Bộ Kinh như sau:
Khuddakapātha (Tiểu Tụng Kinh)
Dhammapada (Pháp Cú)
Udāna (Tự Thuyết Kinh)
Itivuttaka (Như Thị Ngữ Kinh)
Suttanipāta (Kinh Tập)
Vimānavatthu (Thiên Cung Sự Kinh)
Petavatthu (Ngạ Quỷ Sự Kinh)
Theragāthā (Trưởng Lão Tăng Kệ)
Therīgāthā (Trưởng Lão Ni Kệ)
Jātaka (Bổn Sanh)
Niddesa (Nghĩa Tích)
Patisambhidāmagga (Vô Ngại Giải Đạo)
Apadāna (Thí Dụ Kinh)
Buddhavaṃsa (Phật Sự)
Carīyāpitaka (Tiểu Nghĩa Kinh)
Theo một phân loại khác, phân loại tất cả kinh điển Pālī thành năm Nikāya là:
Dīghanikāya (Trường Bộ Kinh)
Majjhimanikāya (Trung Bộ Kinh)
Sampayuttanikāya (Tương Ưng Bộ Kinh)
Aṅguttaranikāya (Tăng Chi Bộ Kinh)
Khuddakanikāya (Tiểu Bộ Kinh)
Tiểu Bộ Kinh này gồm cả Vinayapiṭaka (Luật Tạng) và Vô Tỷ Pháp Tạng (Abhidhammapiṭaka) cùng với mười lăm tập kinh được đề cập ở trên, và như thế Kinh Pháp Cú thuộc vào Tiểu Bộ Kinh.
Thứ tự và con số 15 tập kinh thuộc Tiểu Bộ Kinh cũng không được thống nhất.
Các vị thọ trì Trường Bộ Kinh không chấp nhận các kinh Khuddakapātha, Cariyapiṭaka và Apadāna, và phân loại các kinh khác vào Vô Tỷ Pháp Tạng.
Các vị thọ trì Trung Bộ Kinh không chấp nhận tập Khuddakapātha, nhưng chấp nhận các kinh còn lại và phân loại chúng vào Kinh Tạng.
Thay thế tập Cūlaniddha vào Tiểu Bộ Kinh, nên vẫn có mười lăm tập Kinh, nhưng với thứ tự có sai khác như sau:
Jātaka (Bổn Sanh)
Mahāniddesa (Đại Nghĩa Tích)
Cūlaniddesa (Tiểu Nghĩa Tích)
Patisambhidāmagga (Vô Ngại Giải Đạo)
Suttanipāta (Kinh Tập)
Dhammapada (Pháp Cú)
Udāna (Tự Thuyết Kinh)
Itivuttaka (Như Thị Ngữ Kinh)
Vimānavatthu (Thiên Cung Sự Kinh)
Petavatthu (Ngạ Quỷ Sự Kinh)
Theragāthā (Trưởng Lão Tăng Kệ)
Therīgāthā (Trưởng Lão Ni Kệ)
Carīyāpitaka (Tiểu Nghĩa Kinh)
Apadāna (Thí Dụ Kinh)
Buddhavaṃsa (Phật Sử Kinh)
B. Ý NGHĨA CỦA TỪ NGỮ “DHAMMAPADA”
Dhammapada bao gồm có có hai chữ là “Dhamma” và “Pada.” Dhamma dịch là Pháp, Pada dịch là câu, cú.
“Dhamma” theo Pālī và “Dharma” theo Sanskrit, là một danh từ rất khó phiên dịch ra ngôn ngữ khác bởi vì có rất nhiều ý nghĩa.
Pháp là chi? Chi cũng là Pháp.
Tại sao gọi là Pháp? Do có trạng thái nên gọi là Pháp.
Trạng thái ra sao? Ra sao cũng là trạng thái.
Ta phải hiểu theo đoạn văn ở đây, từ ngữ “Dhammapada” là Pháp Cú như thường được dịch, tức là những câu nói về Pháp. Chữ “Dhamma” dịch là Pháp, có nhiều nghĩa là Giáo lý Phật dạy, hay chân thiện, tốt đẹp. “Dhamma” cũng có nghĩa là nguyên nhân hay năng lực đưa đến giải thoát, giác ngộ. Cuối cùng “Dhamma” có nghĩa là Pháp theo nghĩa các sự kiện xảy ra.
“Pada” có nghĩa là bàn chân hay bước chân, cũng bao hàm ý nghĩa tiết mục, đoạn, phần hay đường lối câu.
Vậy “Dhammapada” có nghĩa là những bước chân đưa đến giác ngộ; những đoạn, những phần của giáo pháp, đường lối của Giáo Pháp đưa đến giải thoát.
“Dhammapada” được giải thích là Pháp Cú, tức là câu nói về Chánh Pháp.
C. NỘI DUNG TỔNG QUÁT CỦA KINH PHÁP CÚ
Không có kinh nào được dịch ra nhiều thứ tiếng như tập Kinh Pháp Cú này. Hầu hết các ngôn ngữ quan trọng trên thế giới đều đã dịch tập Kinh Pháp Cú này, và nhiều tác giả đã xem tập này như một Thánh Thư (Bible) của Đạo Phật. Tại các nước thuộc Phật Giáo Nam Tông, tập kinh này đã được các vị Sa Di học thuộc lòng.
Kinh Pháp Cú gồm có 423 câu kệ đã được đức Phật đọc lên trong khoảng 300 trường hợp trên đường hoằng pháp kéo dài trọn 45 năm, thích hợp với những tâm tánh khác nhau của người nghe. Chân lý cao thượng nằm trong những kệ Pháp Cú thể hiện rõ ràng giáo huấn có tánh cách luân lý và triết học của đức Phật.
Đức Phật không giảng Kinh Pháp Cú dưới hình thức ta thấy ngày nay. Ba tháng sau khi Ngài viên tịch Níp Bàn, chư Thinh Văn A La Hán tụ hợp lại trong kỳ triệu tập đầu tiên để nghe đọc lại những lời giáo huấn cuả Ngài, rồi kết tập lại thành hai mươi sáu phẩm như sau:
1. Phẩm Song Yếu (Yamaka vagga): Có 20 câu song đối với nhau. Bao hàm các nội dung đối lập nhau, giữa tốt và xấu, thiện và bất thiện xuyên qua các hành động của chính mình đã tạo và gặt lãnh kết quả từ những hành động tạo tác ấy.
2. Phẩm Không Phóng Dật (Appamāda vagga - Bất Khinh Suất): Có 12 câu, gồm những câu khuyến thiện, nhắc nhở làm việc thiện, tạo thiện nghiệp, luôn luôn giữ tâm ghi nhớ lấy mình, thận trọng hay nên biết mình đang làm việc gì.
3. Phẩm Tâm (Citta vagga): Có 11 câu, gồm những câu khuyên dạy chúng ta nên giữ vững tâm, khắc phục tư tưởng xấu, khuyên chúng ta nên hướng tâm về điều thiện và xa lánh những điều bất thiện, hầu đem lại sự an vui cho chính mình.
4. Phẩm Hoa (Puppha vagga): Có 16 câu, lấy hoa làm chủ đề với ngụ ý so sánh hoa với đời sống chánh hạnh của người đệ tử Phật.
5. Phẩm Người Ngu (Bāla vagga): Có 16 câu, nêu lên tính chất của người ngu dại. Theo chú giải, danh từ này có liên quan đến phẩm hạnh cao thượng, Tuệ Minh Sát, Đạo Quả. Như vậy không nên hiểu ngu dại theo định nghĩa thông thường. Ngu dại là nghịch nghĩa với phẩm hạnh cao thượng, Tuệ Minh Sát, không đi trên Đạo Quả giải thoát, ẩn chứa trong mình ba căn bất thiện là Tham, Sân, Si hằng liên hệ với những việc làm sai lỗi và gặt hái những kết quả không an lành. Với người ngu dại do Vô Minh che án, đức Phật cho biết không thể biết được chân lý cao siêu; do vậy chịu khổ thật lâu dài trong vòng sanh tử luân hồi.
6. Phẩm Hiền Trí (Pandita vagga): Có 14 câu, nêu lên tính chất cao quí của người hiền trí, rất có ích cho chúng ta khi được gần gũi học hỏi với những người ấy, trái ngược với người ngu dại.
7. Phẩm A La Hán (Arahanta vagga): Có 10 câu, gồm những câu nêu lên những đức hạnh của những bậc đã đoạn tận mọi lậu hoặc, đó là bậc “Ứng Cúng - đáng cúng dường”, “Vô Sinh - diệt trừ mọi thằng thúc trói buộc trí tuệ và chứng ngộ Níp Bàn không còn tái sanh nữa.”
Bậc Tứ Quả A La Hán bao gồm tất cả các bậc Chánh Đẳng Chánh Giác, Độc Giác, Chí Thượng Thinh Văn, Đại Thinh Văn và Thinh Văn tầm thường.
8. Phẩm Ngàn (Sahassa vagga): Có 16 câu với nội dung chánh yếu cần nắm bắt là đức Phật khuyến khích chúng ta nên tầm cầu chất lượng tu tập hơn là số lượng trau giồi về phần phẩm tu hơn lượng tu.
9. Phẩm Ác (Pāpa vagga): Có 13 câu, nêu lên lợi ích trong việc gìn giữ tâm cho được thiện lành và nên xa lánh điều ác xấu. Hãy tránh xa điều ác, như chúng ta lánh xa một con đường nguy hiểm, không nên xem thường điều ác.
10. Phẩm Hình Phạt (Danta vagga): Có 17 câu, gồm những câu khuyến khích chúng ta tuyệt đối ôn hòa, không nên gây tổn hại bất luận một chúng sanh nào. Tầm cầu hạnh phúc cho mình và cho người không qua gậy gộc và hình phạt gây tổn hại người. Người Phật tử phải biết, trước hết phải giữ lấy hạnh khiêm tốn, tự chế lấy mình, nghiêm trì trau giồi giới đức, và tiêu trừ mọi khổ đau.
11. Phẩm Già (Jarā vagga): Có 11 câu, nêu lên những lời cảnh giác chúng ta là lúc nào ta cũng sẵn có sự già ở trong ta, chớ buông mình phóng túng mà gặp nhiều khó khăn, và sẽ phải hối hận ăn năn khi nhớ lại những gì đã đánh mất đi của dĩ vãng trẻ trung.
12. Phẩm Tự Ngã (Atta vagga): Có 10 câu, nêu tầm quan trọng của tự ngã, tinh thần trách nhiệm về hành động của chính tự ngã của mình. Đức Phật đã hết sức nhấn mạnh đến con người và những năng lực của con người. Tự ngã của con người là sản phẩm của một chuỗi các hành động không ngừng biến dịch. Vì vậy, tự ngã của con người thì không trường cửu và không có chi bí ẩn.
13. Phẩm Thế Gian (Loka vagga): Có 12 câu, nêu đủ cả hai mặt nghĩa đen và nghĩa bóng của từ ngữ “Thế Gian.” Theo nghĩa đen, đức Phật chỉ cho chúng ta về mặt thời gian của đời sống, bao gồm kiếp quá khứ - hiện tại - vị lai, và thế gian của Tam Giới (Dục Giới - Sắc Giới - Vô Sắc Giới) về mặt không gian. Theo nghĩa bóng, đức Phật dùng để chỉ về thân ngũ uẩn của chúng ta.
14. Phẩm Phật (Buddha vagga): Có 18 câu. Đấng Giác Ngộ chân chánh, đã tỉnh giác vô minh, thông suốt lý Tứ Đế, và đem ra giáo hóa chúng sinh cùng hiểu biết. Đức Phật tự xác chứng vị trí của mình khi Ngài nói với tôn giả Sariputta, “Những ai nói về Ta một cách chân chánh sẽ nói như sau: Một vị hữu tình không bị ai chi phối, đã sanh ra ở đời vì lợi ích, vì hạnh phúc cho chúng sanh, vì lòng thương tưởng cho đời, vì lợi ích, vì an lạc cho chư thiên và nhân loại.”
Nói đến Phật, chúng ta phải nghĩ đến ba ân đức vô cùng to lớn đó là Tịnh đức, Bi đức và Trí đức.
15. Phẩm An Lạc (Sukha vagga): Có 12 câu. An lạc trong Phật giáo có hai loại là:
a. An Lạc về vật chất (nặng về thế tục).
b. An Lạc về tinh thần (phi vật chất, an lạc tinh túy).
An lạc hạnh phúc là cái vui trong sạch không nương vào các cảnh, vật, người, là cái vui yên lặng khỏi phiền não. An lạc ngoài thế tục là an lạc chân thực vì đã đoạn tuyệt phiền não. An lạc của thế tục là cái vui phát sanh do sự hỗn hợp với cảnh, vật, người và phiền não, là cái vui tạm bợ, nhất thời, xen lẫn nhiều khổ đau.
16. Phẩm Hỷ Ái (Piya vagga): Có 12 câu, nêu lên 2 khía cạnh của hỷ ái. Hỷ ái thông thường là xuôi theo pháp thế gian, hiện thân của những căn gốc tham sân si, thì những hỷ ái đó đáng ghê sợ và xa lánh. Hỷ ái khước từ thế gian, vun bồi chánh kiến tri, thành đạt chứng ngộ chân lý, xứng đáng cho mọi người ái kính, kiên cố trong Giáo Pháp, đó là chín trạng thái siêu thế, gồm Bốn Đạo, Bốn Quả và Níp Bàn. Chứng ngộ chân lý tối thượng và Tứ Thánh Đế (Khổ - Tập - Diệt - Đạo). Tự hoàn thành nhiệm vụ, viên mãn mọi hạnh nguyện là thực hành đầy đủ Giới - Định - Tuệ. Bậc như vậy gọi là đáng ái kính trong thế gian này.
17. Phẩm Phẫn Nộ (Kodha vagga): Có 14 câu, gồm những lời đức Phật khuyên dạy chúng ta cố gắng dứt bỏ tâm sân hận, chế ngự tâm phẫn nộ, và cố gắng trau giồi đời sống cao thượng. Giữ hạnh chân thật, nhẫn nại, và bố thí sẽ nâng đỡ con người chúng ta đến chỗ thanh cao siêu thoát.
18. Phẩm Cấu Uế (Mala vagga): Có 21 câu, nêu lên những uế trược, làm cho tâm bị dơ đục, gây ra những hành động tội lỗi, và trình bày con đường chánh hạnh, làm tiêu trừ các ô nhiễm, uế hạnh. Bao gồm năm pháp triền cái, mười sáu pháp tùy phiền não, tám pháp cấu uế, và chín pháp ô trược.
19. Phẩm Pháp Trụ (Dhammattha vagga): Có 17 câu, nói về đời sống chánh hạnh, công bằng, nương vào giới luật tìm thấy hạnh phúc vững bền. Một Phật tử chân chính phải cố tránh những điều không nên làm, phải khép mình trong giới luật để sống đời sống lý tưởng. Giới luật là nền tảng của Phật giáo, là nền tảng của tất cả đức hạnh. Muốn được hoàn toàn trong sạch, người Phật tử phải biết khép mình vào giới luật.
20. Phẩm Đạo (Magga vagga): Có 17 câu, nêu lên con đường của bậc thánh nhân có tám ngành, là con đường duy nhất để dẫn đến Níp Bàn, là con đường thanh tịnh dẫn đến chứng ngộ Tam Tướng (vô thường, khổ não, vô ngã) của thế gian, xa rời mọi phiền não, tuệ tri Tứ Thánh Đế.
21. Phẩm Tạp Lục (Pakinnaka vagga): Có 16 câu, gồm có nhiều ý nghĩa về mọi mặt, thích hợp trong việc suy niệm và hoạch định cho mình một hướng đi an lành.
22. Phẩm Địa Ngục (Niraya vagga): Có 14 câu, diễn tả những cảnh khổ đau do người tạo ác nghiệp phải gặt lãnh, rất hữu ích cho chúng ta trong đời sống hằng ngày dẫy đầy những cám dỗ. Nhắc nhở chúng ta luôn thức tỉnh với mỗi hành động của mình vì cảnh khổ luôn chực chờ với người thất niệm, dể duôi buông lung.
23. Phẩm Voi (Nāga vagga): Có 14 câu, với biểu tượng voi là loài thú to lớn, có nhiều năng lực phi thường, chịu đựng được bao điều khó khăn. Ngụ ý nói lên đức hạnh nhẫn nại phi thường, trọng điểm để thành đạt chân lý siêu thoát.
24. Phẩm Ái Dục (Tanhā vagga): Có 26 câu, nêu những tính nguy hại của ái dục và khuyên chúng ta mau cố gắng đoạn tận mọi phiền não của ái dục.
25. Phẩm Tỳ Khưu (Bhikkhu vagga): Có 23 câu, trình bày đời sống phạm hạnh cao thượng chân chánh của một người đệ tử Phật. Sống hạnh khước từ mọi cuộc vui thú thế gian để chọn lấy đời sống tu sĩ, tự chế các hành động, điều ngự các căn để chỉ nhằm một mục đích duy nhứt là giải thoát Níp Bàn.
26. Phẩm Ba La Môn (Brahmaṇa vagga): Có 41 câu, với đầy đủ ý nghĩa nêu lên tính hạnh của một vị Bà La Môn, không vì sanh trưởng trong gia đình ở giai cấp Bà La Môn mà trở thành vị Bà La Môn, nhưng vì họ thành đạt mục tiêu tối thượng, chứng đắc quả A La Hán - Níp Bàn giải thoát, thành đạt chân lý và đầy đủ chánh hạnh.
Ngay hai câu đầu tiên đã vắn tắt trình bày hệ thống luân lý triết học của Phật giáo. Tầm quan trọng của Tâm, lấy Tâm làm khuôn vàng thước ngọc để đo lường giá trị luân lý. Định luật nhân quả (nghiệp báo) trong Phật giáo, vấn đề đau khổ và hạnh phúc, trách nhiệm cá nhân v.v… cùng với hai thí dụ lấy ngay trong đời sống quen thuộc hằng ngày, tất cả bấy nhiêu được diễn đạt trong hai câu đầu của Phẩm Song Yếu.
Những câu có liên quan đến tâm sân và sự dập tắt lòng sân hận có một ý nghĩa đặc biệt giữa thời đại nguyên tử này, sức mạnh chắc chắn phải đương đầu với sức mạnh, bom đạn sẽ gặp bom đạn, hận thù sẽ đối diện hận thù. Báo oán, trả thù không bao giờ đi đến hòa bình, an tịnh. Lời Đức Phật khuyên dạy hàng tín đồ bất bạo động của Ngài là: Sân hận không bao giờ dập tắt sân hận, chỉ có tình thương mới diệt sân hận. Mettā, tâm từ ái là giải đáp duy nhất trước bom đạn của thời hiện đại.
Trình độ luân lý cao thượng mà Đức Phật ước mong những tín đồ lý tưởng của Ngài sẽ đạt đến cũng được mô tả trong vài câu. Hai câu cuối cùng của Phẩm đầu cho thấy rõ thái độ của đức Phật đối với cách học từ chương và pháp hành thực tiễn. Như vậy, giáo pháp được ví dụ như chiếc thuyền để độ chúng sanh vượt qua đại dương của vòng luân hồi. Chỉ riêng câu cuối cùng cũng đủ cho trọn vẹn một đời sống thầy tỳ khưu lý tưởng.
Câu chuyện hoàng tử Nanda, người em cùng cha khác mẹ với đức Phật, hiển nhiên cho thấy làm cách nào đức Phật dùng oai lực thần thông để biến đổi một thầy tỳ khưu có tinh thần ươn yếu, đang ôm ấp tham dục tai hại trở thành một cá tánh trong sạch, một tinh thần tráng kiện.
Vì nặng lòng tôn kính đức Phật, mặc dù không vui, Hoàng Tử thọ lễ xuất gia ngay trong ngày lễ cưới của mình, nhưng tỳ khưu Nanda luôn luôn tưởng nhớ vị tân nương của mình và không cố gắng tu hành. Thay vì áp dụng phương pháp răn dạy trực tiếp, đức Phật sắp đặt một phương kế thực tiễn và hữu hiệu để đưa sự chú tâm của tỳ khưu Nanda về một đối tượng tương tợ, thoáng qua hình như đáng ưa thích hơn, và thành công làm cho vị này đắc quả A La Hán (xem câu 13 và 14).
Hai Phẩm đầu đề cập đến phần luân lý trong Phật giáo và được xem là đồng quan trọng cho cả hai đời sống, xuất gia và tại gia.
Phẩm thứ hai là câu giải đáp hùng biện những lời chỉ trích Phật giáo là một tôn giáo thụ động, tiêu cực. “Appamāda Không Phóng Dật” là một phạn ngữ bao hàm ý nghĩa chú tâm, cẩn mật, thận trọng, trang nghiêm chuyên cần, giác tỉnh v.v… là tựa của phẩm thứ hai.
Chính câu đầu tiên của phẩm này đã đổi hẳn tâm tánh của vua Asoka, vị minh quân, trước kia có tên là Asoka con người tội lỗi vì những hành động tàn bạo và ác độc của ông khi chưa biết Phật pháp.
Đôi khi chỉ một câu nói giản dị như vừa kể trên hay một hàng chữ đơn độc như “không nên tìm thỏa thích trong hương vị của thế gian mà phải trau giồi đời sống ẩn dật,” hay chỉ vỏn vẹn của một chữ có nhiều ý nghĩa như “chuyên cần” cũng đủ cho trọn một kiếp sống.
Câu 24 đề cập đến những nguyên nhân tạo nên tiến bộ vật chất, cho thấy rằng Phật giáo không hoàn toàn xuất thế, không đứng ngoài thế gian vật chất, như có vài lời chỉ trích vội vã có khuynh hướng làm cho người ta nghĩ như vậy.
Phẩm thứ ba có một ý nghĩa đặc biệt giúp ta thấu hiểu quan niệm của Phật giáo về Tâm và tầm quan trọng của việc kiểm soát Tâm.
Những phẩm Hoa, Người Ngu, Hiền Trí, Ác, Thế Gian, An Lạc, Hỷ Ái, Địa Ngục, Ái Dục tỏ ra rất hữu ích cho những ai còn say đắm dục lạc. Bản chất vô thường tạm bợ của khoái lạc vật chất và nếp sống phải có của ta trong một thế gian tương tợ cũng được chỉ dẫn trong những phẩm này.
Những phẩm Phật, A La Hán, Bà La Môn sẽ thích hợp đặc biệt với những người có trình độ tư tưởng cao. Các phẩm này diễn tả tâm trạng của những nhân vật thật sự giác ngộ. Tất cả những ngôn từ của Kinh Pháp Cú đều được đức Phật dùng rất giản dị để cho mọi người đều hiểu được. Như thí dụ cái bánh xe lăn theo vật kéo xe, bóng theo người, mái nhà khéo lợp, một làng đang say ngủ, ao hồ sâu thẳm và trong veo, hoa có hương thơm, ong hút mật v.v… Trí tuệ của đức Phật đã tỏ rạng trong cách trình bày chân lý cao thâm với những danh từ thông thường, dễ hiểu, không rườm rà và phiền phức.
Đọc những bài kệ trong Kinh Pháp Cú, chúng ta cảm thấy như thân nghe chính lời Phật dạy từ hơn hai ngàn năm vọng lại trở thành bất hủ với mọi thời gian.
Những Phật ngôn này rất có lợi ích, áp dụng thật sự vào đời sống hằng ngày và chắc hẳn được hạnh phúc như trong Pháp Cú: “Người thấm nhuần Giáo Pháp sống hạnh phúc.”