chuabuuchau.com.vn,chuabuuchau, chua buu chau, chùa bửu châu, chua buu chau cu chi

Nguồn gốc loài Người

MỤC LỤC

 

Toàn Không Đỗ Đăng Tiến

LỜI DẪN

Trong sách này được góp nhặt những việc liên quan đến đức Phật cùng một số đệ-tử của Ngài thời ấy và mãi về sau, bây giờ đọc những câu chuyện ấy, người đọc có cảm tưởng như những huyền thoại hoang đường, nhưng sự thực chẳng phải vậy.

Một điểm được nêu ra liên quan đến tổ tiên chúng ta, con người đầu tiên trên trái đất này từ đâu mà có? Vấn đề này đã được Đức Phật nói đến từ trên 2500 nay rồi, nhưng phần lớn người Phật tử chưa được nghe hay đọc qua; mặc dù bài viết về nguồn gốc loài người không chiếm nhiều trong cuốn sách, nhưng vì tính cách quan trọng của nó nên tên “Nguồn gốc Loài Người” được chọn làm tựa đề cho sách này. 

Lại nữa, có nhiều vấn đề liên quan tới khoa học cũng được đề cập đến, vì chính những lời nói của Đức Phật lại là những việc mà khoa học đã, đang và sẽ tìm hiểu chứng minh; ví như vi sinh vật trong nước, vi trần (nguyên tử), cõi Phật (giải Ngân hà), thế giới nhiều hơn cát sông Hằng v.v...

Hy vọng: Những câu chuyện trong sách sẽ đem lại những giờ phút thoải mái cho đọc-giả, cũng mong ước rằng nó sẽ gây nhân và vun bồi thêm cho hạt giống trí-tuệ của người đọc. 

Sự trình bày: Còn thiếu sót, cách diễn đạt văn tự có nhiều khuyết điểm, mong đọc giả miễn chấp và chỉ cho, tác giả cảm tạ vô cùng. 

Nam mô Thích Ca Mâu Ni Phật
Phật Lịch năm thứ 2550, ngày 02-12-2006
TOÀN KHÔNG ĐỖ ĐĂNG TIẾN
 
Ý KIẾN NHẬN XÉT
VỀ QUYỂN NGUỒN GỐC LOÀI NGƯỜI

 
 1)  Một nhà Giáo-Dục:

Tôi có vài suy nghĩ về quyển sách “Nguồn Gốc Loài Người” của Toàn-Không Đỗ-Đăng-Tiến, tóm tắt như sau:

Thứ nhất: Thêm một lý giải về nguồn gốc loài Người, ngoài Kinh Thánh và Darwin; một cách nêu vấn đề và cắt nghĩa khác (Hóa sinh, Noãn sinh, Thai sinh, và Thấp sinh).

Thứ hai: Những suy nghiệm về sự sống, với khung quy chiếu khác, có thể làm tỉnh ngộ, thoát ra khỏi những thói quen, tập quán, những tù ngục do chính mình tạo ra.

Thứ ba: Những chuyện kể trong quyển sách do tác giả góp nhặt từ những việc liên quan đến Đức Phật, đệ tử của Ngài thời đó và mãi về sau, giúp đánh thức con người ra khỏi lo toan, vô minh, phiền não, giúp hướng tới cõi khác an lạc hơn; nhất là đối với những người đã trải qua ít nhiều kinh nghiệm sống, đã đọc Kinh Thánh và Lamarck, Darwin.

Thứ tư: Tác giả là người có công đọc góp nhặt sắp xếp, công trình hẳn đòi hỏi nhiều thì giờ, tâm trí; nhưng chắc cũng đã mang lại cho người biên soạn niềm vui sâu xa, thấm thía. Niềm vui ấy đã truyền sang người đọc.   

Nguyễn Hữu Khánh.
 
2) Một nhà Quản-Trị:

Nếu cứ nhìn bề dày và nhan đề của cuốn sách thì người đọc thông thường sẽ tưởng đây là sách về khoa học, tuy nhiên đây lại là một quyển sách bao gồm những mẩu chuyện về/của đạo Phật và có một số chuyện liên quan với khoa học; ba mươi mốt mẩu chuyện trong sách này, tuy được lựa chọn theo ý cá nhân, nhưng tất cả đều cho người đọc những ý tưởng để mà suy ngẫm, và từ đó rút ra được những bài học để tu thân. Từ bài ngắn nhất là Vị Trời Học Đạo  cho ta biết được cái gì nặng, cái gì cao, cái gì nhanh và cái gì nhiều, để tự gẫm vào bản thân; đến bài dài nhất về sự tích đức Lục Tổ Huệ-Năng, ta cũng nhờ vào truyện đó mà biết được “Chân tánh”, và nếu thông suốt được (Kiến tánh) thì sẽ thành Phật. Ngay cả bài có tên giống chuyện về khoa học là Nguồn Gốc Loài Người cho ta thấy được sự liên hệ giữa suy nghĩ và hành động để tự rèn luyện, kiềm chế và tu thân. Có thể những chuyện này đã xưa, ý tưởng dễ hiểu, nhưng liệu có được bao nhiêu người “Tu thân”, hay tất cả mọi người vẫn còn chìm đắm trong Tham Sân Si (Khổ não), vẫn còn bị “Cơm, Áo, Gạo, Tiền” (Vinh Hoa Phú Quý) làm khổ; khi nào còn những người bị khổ vì những lẽ đó thì việc đọc và suy gẫm, rồi thực hành theo những điều rút ra từ cuốn sách này, vẫn là điều nên làm và phải làm. Riêng về cá nhân tôi cũng phải theo đây làm khuôn mẫu.   

Hoàng Sinh Tài.
 
3) Một Cư-Sĩ:

Phải nói là quá may mắn chúng tôi được đọc tập “Nguồn Gốc Loài Người” do Toàn-Không Đỗ-Đăng-Tiến sưu tầm và sáng tác những bài ngắn nói về Tam Bảo, những bài viết trân quý, chung quy nói nhiều về Đức Phật. Tác giả khéo lồng vào những cốt truyện thật vô cùng dễ thương, nên đọc thật hấp dẫn. Quả thật, nhiều người đã là Phật tử nhưng chưa chắc đã hiểu những điều căn bản nhất của Tứ Thánh Đế và cũng chưa biết Tam Bảo có tự bao giờ, nên tác giả đã không ngần ngại dẫn người đọc đi từ Tứ Thánh Đế, rồi Ngũ Uẩn, qua Nhân Quả ...

Tác giả từ từ diễn giải bằng những truyện sưu tầm thật công phu, chẳng hạn như tại bài “Tôn-Giả Lại-Tra Hòa-La” Khi Tôn Giả đã được Đức Phật nhận hiện diện trong tu đoàn của Người, có đoạn như sau:

“- Mẹ nên bỏ hết số tiền này vào một bao vải dùng xe chở đến sông Hằng bỏ xuống chỗ thật sâu, vì sao? Vì do tiền của này làm cho con người đau khổ sầu thảm, không được an vui.”

Câu chuyện thật thâm thúy, chúng ta đã hiểu Tứ Thánh Đế bài học vỡ lòng cho hàng Phật tử: Khổ đau, nguyên nhân gây ra khổ đau, sự chấm dứt khổ đau, con đường đi ra khỏi khổ đau. Qủa vậy, khổ là một chân lý, mà đã là chân lý thì từ Đông sang Tây ai cũng công nhận như nhau, cũng như không khí cần cho đời sống con người vậy. Vì vậy Tứ Thánh Đế chuyển hóa con người, nhờ Tứ Thánh Đế chúng ta hiểu được Sinh, Lão, Bệnh, Tử, tác giả dẫn dắt cách ra khỏi biển khổ thật nhẹ nhàng.

Cả nửa đời tác giả say mê với Phật sự, cho nên chúng ta không lạ gì khi thấy tác giả yêu thích trong công tác truyền bá Phật Pháp, có công mài sắt có ngày nên kim, gieo nhân ắt phải gặt quả. 

Miền Cực lạc hay Địa ngục cũng đều do tại tâm mà có, sự chấm dứt mọi khổ đau chính là Diệt Đế, vậy phải diệt cái gì? Phải diệt ngay Tham, Sân, Si... Con người ai cũng muốn sống vui hạnh phúc và đạt đến chân lý của cuộc đời. Nhưng không bao giờ chúng ta cầu xin mà có được, chúng ta phải tự theo con đường mà Pháp đã vạch ra; bởi vậy các nhà bác học Tây phương đều phải công nhận đạo Phật là đạo Tỉnh Thức.

Trong mỗi cốt truyện mà tác giả chọn lọc đều bàng bạc pha vào nhẹ nhàng những bản nhạc tự tu, tự sửa; xin hãy đọc chậm và suy tư từng bài, từng dòng, từng chỗ trong mỗi bài, tưởng không cần dẫn chứng vì đâu đâu chúng ta cũng nhận thấy. 

Sự sáng suốt của người con Phật cần có là: Văn, Tư, Tác... Văn có nghĩa là chúng ta nghe lời Phật, nghe lời các vị Bồ Tát, nghe lời các Tăng Ni thuyết pháp. Nhưng chúng ta phải có Tư duy của chúng ta, chúng ta phải phân tích những lời này, chúng ta phải suy tư, so sánh tìm ra sự thật có đúng đắn, có sát thực cho chúng ta nghe theo hay không, vì không bao giờ Đức Phật ban phước hay giáng họa cho thiện nhân hay ác nhân, mà do gieo nhân nào thì gặt qủa đó. Khi chúng ta đã suy tư xong rồi chúng ta phải Tác, có nghĩa là chúng ta phải hành động, con đường sáng sủa trước mắt, nếu chúng ta không chịu đi thì không bao giờ tới đích được.

Cuốn sách này chỉ là Văn cho chúng ta đọc, kể cũng là qúy hóa lắm vậy. Sau khi đọc chúng ta mới có Ý được, mà Ý đứng đầu các Pháp, Ý chỉ đạo mỗi điều nghe được, mỗi suy tư, mỗi tác động; chúng ta có tới được Niết-Bàn hay không, chúng ta có thoát khỏi vòng sinh tử hay không? Là do Ý chúng ta có muốn hành động hay không. Cũng vậy, chúng ta không thể cầu xin trăng sao hiện về trong ao của chúng ta để chúng ta ngắm cảnh hữu tình vào mùa trăng sáng nếu chúng ta không chịu đào ao, hay trong ao không có nước. Muốn có nước chúng ta phải đào ao cho sâu, xong chúng ta phải bơm nước vào ao cho đầy, đến mùa trăng sáng, ánh trăng sao sẽ tự nhiên chan hòa trong ao xinh đẹp của chúng ta. Cũng vậy chúng ta xả thân vì người, xả thân vì Phật Pháp, thì Niết-Bàn đến với chúng ta ngay lúc còn sinh tiền chứ không đợi tới lúc qúa vãng; bởi vì Niết Bàn hay Địa ngục ở ngay trong đời sống hàng ngày, Đức Phật đã từng nói: “Muốn tới Niết-Bàn phải đi vào đường sinh tử” là vậy.

Nguồn gốc của Ngũ Uẩn cũng xuất hiện trong các bài viết của tác giả, chúng ta chịu khó đọc sẽ nhận ra ngay Sắc, Thọ, Tưởng, Hành, Thức luôn luôn hiện diện trong mỗi bài; kẻ gánh nặng cuộc đời chính là con người, nếu để Chấp chế ngự, chúng ta sẽ phải mang gánh nặng cuộc đời. Có khả năng tháo bỏ Ngũ Uẩn canh cánh bên ta, thì cuộc đời mới thênh thang bước tới được, vì Thọ chính là thức ăn của tâm thức vậy. 

Nếu quên không có cuốn Nguồn Gốc Loài Người trong tủ sách gia đình, qủa thật tâm thức chưa có cơ hội vươn lên...    

Bùi Đức Lạc

4)- Một nhà Văn kiêm nhà Thơ.

Tôi vừa được Toàn-Không Đỗ-Đăng-Tiến đưa cho bản thảo cuốn sách “Nguồn Gốc Loài Người” mà ông vừa viết xong, nói muốn tôi có vài ý kiến trước khi đem đi in; Đạo hữu Toàn-Không là người rất nhiệt tâm với Phật pháp, và đã đọc nhiều Kinh sách Phật. Trong cuốn sách dự tính mang in kỳ này, ông muốn chia sẻ với người đọc những kiến thức mà ông đã thâu thập khi đọc các Kinh sách Phật với những chi tiết về hiện tượng giới mà chúng ta có thể kiểm chứng. 

Chúng ta đều biết tôn giáo có ảnh hưởng lớn thế nào đối với con người, ngay những năm đầu của thiên niên kỷ thứ ba này, các cuộc xung đột lớn đang xẩy ra ở Trung-Đông cho ta thấy điều đó. Con người vẫn có khuynh hướng bám chặt vào những tà kiến do nhiều tôn-giáo lập ngôn trên thế giới đưa ra và ép buộc tín đồ phải triệt để tuân theo hầu có thể lên “Thiên Đàng” của họ sau khi từ giã cõi trần! 

Đương nhiên nói chuyện tôn-giáo là rất dễ đụng chạm, và đưa tới những mâu thuẫn đáng tiếc, nhưng nếu nói chuyện khoa-học thì không ai có thể dùng định kiến của mình; mọi sự đều phải có cơ sở lý luận, và phải chứng nghiệm trong thực tế. 

Trong các tôn-giáo hiện nay của loài người, chỉ có Phật giáo là đặc biệt đưa ra những lời dạy mà khoa-học sau này có thể kiểm chứng được; nhiều lời Phật dạy về chúng-sinh trong thế giới vi mô và vĩ mô (vi trùng và vũ trụ) đã được khoa học chứng minh. Nhà khoa học Trịnh-Xuân-Thuận, trong bài viết “Khoa Học và Phật Giáo: Nơi gặp gỡ của hai con đường” (Science et Buddhisme: A la croissée des chemins) cho thấy những lời trong Kinh Phật đã đi gần thế nào đối với những lý thuyết của Einstein, cũng như những khám phá mới nhất trong Khoa học lượng tử và thiên văn học. Dù Phật giáo và khoa học đi theo hai hướng khác nhau, nhưng tương hợp mà không đối lập, trong việc tiếp cận hiện tượng giới. 

Tuy nhiên, còn rất nhiều lời dạy huyền bí của Phật Thích-Ca mà cho đến ngày nay vẫn chưa có lời giải đáp trong khoa học, Toàn-Không đã tập trung những lời đó trong cuốn sách này để mọi người cùng có thể nghiền ngẫm, và từ đó, đối với nhiều nhà khoa học trong tương lai, có thể đưa tới việc kiến lập những giả thuyết rất hữu ích cho khoa học sau này. 

Tôi xin nhiệt liệt tán thán công đức của Toàn-Không trong công việc đầy khó khăn này, cuốn sách dày gần 500 trang của ông là một đóng góp lớn cho các thế hệ tương lai, cũng như cho tất cả những ai muốn phát triển lòng tin vững chắc, lâu bền đối với tôn giáo của mình.   

Kim Vũ

5)- Một nhà Tu-Hành:

Thấm thoát đã trải qua mười mùa xuân, chúng tôi có duyên được quen biết đạo hữu Phúc-Toàn, hiệu Toàn-Không, Đỗ-Đăng-Tiến tại chùa Giác-Minh,  thành phố Palo Alto miền Bắc California, Hoa-Kỳ. Đạo hữu không những là một Phật tử thuần thành, mà còn là một hành giả học Phật rất tinh tấn. Gần đây, đạo hữu đã đến thỉnh Đại-Lão Hòa-Thượng Thích-Thanh-Cát, Tăng-Thống Liên Tông Phật-Giáo Việt-Nam tại Hoa-Kỳ để xin lời tựa cho quyển sách “Nguồn Gốc Loài Người”; được sự giáo sắc của đức Tăng-Thống, chúng tôi được hân hạnh đọc quyển sách này. 

Qua những câu chuyện mà đọc giả lần lượt thưởng thức, những pháp vị vi diệu của tiền nhân, đồng thời cũng rút ra nhiều kinh nghiệm tu hành của chư Phật và chư Tổ để làm tư lương cho đời sống tâm linh của chúng ta. Càng đọc, chúng ta lại càng cảm động về những công hạnh cao cả và chí nguyện sâu xa của chư Phật, chư Tổ. Càng xem, chúng ta lại càng cảm kích về đạo hữu Phúc-Toàn đã dành ra một quãng thời gian không ít để nghiên cứu, biên soạn ra quyển sách qúy báu này ngõ hầu cống hiến đến qúy đọc giả và hậu nhân có nhân duyên thưởng thức pháp vị đề hồ của Tam-Bảo. 

Nếu tâm hồn chúng ta có thể lắng đọng lại khi đọc những câu chuyện về đức Phật và Chư Tổ, cũng như chúng ta thật sự rung động khi biết các Ngài đã hy sinh cả cuộc đời cho nhân loại chúng sanh thì chắc chắn rằng Phật tính đã hiện trong trái tim chúng ta. Khi chúng ta đã có sẵn Phật tính cộng thêm với tín tâm đối với các Ngài và nỗ lực hành trì không ngừng, thì một ngày nào đó chúng ta sẽ được khai ngộ cũng như các Ngài vậy; chúng ta sẽ  hưởng Niết-Bàn ngay tại thế giới Ta-Bà này, chứ không cần đợi chờ đến khi chết đi mới xin cầu nguyện để được sinh về nơi an lạc. 

Con đường dẫn tới Niết-Bàn có nhiều lối khác nhau, tựu trung chỉ có một cứu cánh duy nhất, đó là Giải thoát. Nhưng đi theo đường nào thì tùy thuộc vào nguyện vọng và sở thích của mỗi cá nhân, vì mỗi người sống trong những gia đình khác nhau, có trình độ học vấn khác nhau, nghề nghiệp khác nhau, tâm lý khác nhau v.v... 

Quyển sách này giới thiệu đến qúy vị đọc giả nhiều hạnh nguyện khác nhau của Chư Phật và Chư Tổ. Nếu chúng ta cảm thấy thích hợp với hạnh nguyện nào thì tu theo hạnh nguyện đó, nhất định hành giả sẽ thành tựu khi dấn thân học đạo và hành trì kiên cố. Dĩ nhiên: Trên bước đường hành trì, chúng ta sẽ gặp những khó khăn, thử thách, trở ngại; nhưng nếu chúng ta đích thực quyết tâm và được thiện tri-thức hoặc thiện hữu giúp đỡ thì sớm muộn gì cũng gặt hái được kết quả.

Chúng tôi xin mạn phép đại mệnh Lão Hòa-Thượng Tăng-Thống Thích-Thanh-Cát, trân trọng giới thiệu quyển sách qúy báu này của đạo hữu Phúc-Toàn, hiệu Toàn-Không, Đỗ-Đăng-Tiến, đến qúy đọc giả xa gần duyệt lãm như một món quà mùa Xuân đượm nồng nàn hương vị Giải thoát.

Cẩn chí.
Thượng Tọa Thích Đức Tuấn

Giảng sư

Kết nối

Tổng số truy cập
Thông tin: 23.140
Pháp Âm: 25.729
Đang truy cập
Hôm qua: 15959
Tổng truy cập: 8.691.236
Số người đang online: 524

Các tin khác

PHÁP ÂM NỔI BẬT
Đang tải...

Giảng sư Xem tất cả