Thiền Sư Siêu Minh viết
Thượng Tọa Thích Nhật Quang thuật
LỜI ĐẦU SÁCH
Ban ngày ban mặt lại có vấn đề ma mị sao? Không nên ngủ mê nói mớ làm cho thiên hạ một phen chạy loạn lăng xăng. Thực ra ma với không ma cũng tại ta. Một niệm không dừng được là ma dẫn ta vào luân hồi sanh tử, một niệm ta làm chủ được hoàn toàn thì đất nước ta thanh bình. Thế thì có ma gì? Chẳng qua tất cả tự ta mà ra.
Còn như thuật trị ma xưa nay trong thiền đường thường dùng là "Ðiều được tâm lăng xăng của mình, dừng được vọng tưởng điên đảo của mình". Tương đối ổn định được vọng tưởng của mình, ông chủ đã nắm quyền làm chủ được, còn nói gì là ma với không ma? Nói cho cùng ma hay không ma cũng chỉ một cách nói thôi. Chỉ xin là trên lộ trình Phật Ðạo ta không nên dừng lại ở bất cứ nơi nào, mà phải tiến và khắc tiến đến cùng mới tới nhà. Cũng lại không có một chút gì để cho ta nắm bắt đâu, mà phải buông và buông cho thật sạch mới ổn.
Do vậy xin cũng phải ghé mắt qua, tạm thời để thấy cách trị ma và gì là ma, mà người xưa muốn chỉ. Quả thực điều này sẽ rất bổ ích cho ta, nếu là "Con ngỗng chúa biết bỏ nước uống sữa", và cũng sẽ không ích lợi gì với những ai chỉ chuyên nắm đông bắt tây, quàng xiên xuôi ngược cả đời để mất toi một thời thuận lợi của mình.
Dám khuyên kẻ đồng chí trong tông môn hãy gắng ghi nhận lời này.
Thiền viện Thường Chiếu
Xuân Ất Hợi 1995
T.K Thích Nhật Quang
Kính ghi
Xuất Xứ: Ðây là Lời Ðầu Sách do Thượng Tọa Thích Nhật Quang viết.
Nguyên là trước khi ấn tống quyển Những bước tu thiền tập 5 này, chúng tôi có xin phép và đề nghị ngài viết cho "Lời Ðầu Sách" để chúng tôi ấn tống, nên có Lời Ðầu Sách này.
Suối Trắc Bá
(Ðịa chỉ liên lạc: RR # 3 Lanark, Ontario - K0G 1K0 Canada)
LỜI NÓI ĐẦU
Ðáp ứng nhu cầu tình hình mới, Viện đặt ra kế hoạch sản xuất. Luôn mấy năm (1975-1981), tôi về Thường Chiếu, cùng đại chúng ở đây làm ruộng rẫy. Thường Chiếu trơ trọi giữa khung trời nắng gió và đầy cỏ gai.
Kế hoạch của Viện trong những năm đầu quá nhọc, mấy năm sau lại thiếu thốn kinh nghiệm, thành thử kinh tế của Viện tương đối có phần khó khăn. Số chúng từ 20 giảm dần chỉ còn 1/3 thôi. Trong số 1/3 còn lại này, phần nhiều sức khỏe suy sụp, công phu tu hành cũng theo đà đó mà thấp dần và có thể đưa đến bế tắc.
Ðầu năm 81, trong phương án chỉnh đốn lại sinh hoạt của Viện, tôi một Thiền sinh được ban lãnh đạo Thiền Viện cho phép nghỉ sinh hoạt theo chúng một năm và được nhập thất để chấn chỉnh công phu đồng thời bồi dưỡng sức khỏe đã bị tổn thương trong mấy năm qua.
Chương trình một năm này, tôi tự xếp thành từng chu kỳ, mỗi chu kỳ là ba tháng công phu. Số ngày còn lại, tôi dùng vào việc tự kiểm ưu khuyết điểm của mình để chẩn bị cho chu kỳ tới. Cũng trong thời gian này, nhân đọc lại các sách Thầy Viện Chủ giảng, tôi thấy phần nói về mười thứ ma trong tập "Vạn Pháp Qui Tâm" của ngài Tổ Nguyên Siêu Minh rất bổ ích cho người mới vào thiền. Tự xét đến công phu của mình, rồi nghĩ đến những kẻ đến sau, tôi mạo muội thuật lại và thêm phần chú dưới mỗi đoạn.
Mong rằng: Việc làm tuy cỏn con này, nhưng có thể bổ túc cho chỗ thiếu sót của các đồng đạo mới vào Thiền Viện, còn xa lạ và ngại ngùng đối với pháp tu mà hoàn cảnh và thời gian chưa cho phép nghiên tầm sâu rộng hơn trong các giáo điển. Mười loại ma chướng này thật ra cũng không ngoài tâm mà có. Bởi tâm chưa an, hạnh chưa thuần lại thiếu kinh nghiệm, nên khi đối duyên xúc cảnh liền bị chướng ngại tác động, chưa sống được với cái bất động chân thật của mình.
Mà đã bị ngoại cảnh chi phối, tất nhiên mắt huệ chư sáng. Bởi mắt huệ chưa sáng, nên bị ngoại cảnh làm lầm. Ðã lầm chạy theo, thì tạo nghiệp rồi nối tiếp ngược suôi trong các nẻo.
Thuật giả hy vọng qua mười thứ ma chướng này, sẽ làm sáng tỏ đường lối dụng công tu hành cho các hành giả còn sơ cơ. Trông mong các bậc Ðạo nhãn chỉ điểm cho những chỗ chưa hợp với tông môn. Ngoài ra, nếu việc làm này hợp với tâm tông của Phật Tổ, con xin dâng lên và hồi hướng cho tất cả Thiện Tri Thức tương lai, nhân đây, rút kinh nghiệm hạ thủ đắc lực hơn, ngay đời này phá vỡ khối si mê nhiều kiếp cho xong.
Mùa thu Tân Dậu 1981
Tỳ Kheo Nhật Quang
Kính ghi
NGƯỜI DỤNG CÔNG TU THIỀN PHẢI BIỆN RÀNH MƯỜI THỨ MA
Người ngộ đạo tu thiền, bởi chẳng phải là việc tầm thường, nên dễ bị các thứ ma trong ngoài làm não loạn chánh định. Nếu tự mình không làm chủ được, liền sinh ái trước các cảnh. Nhân cảnh tâm động, kẹt vào rọ ma. Thế thì, vốn là nhân lành, trái lại gặt quả chẳng lành. Kẻ sơ cơ đời sau phải nên thận trọng đó.
Ở đây, nêu ra mười điều biện ma, tự phải gẫm xét. Gặp tâm ma và thiên ma nên dùng trí tuệ quán chiếu, ma nghiệt liền tiêu. Tâm nhơ nếu sạch thì các chướng tự bặt, cái gì lại sợ thiên ma? Nó làm gì mê hoặc được người chân chánh? Nay mười thứ ma này sẽ thuật rõ sau đây. Đồng thời thuật giả nêu dẫn luôn nguyên tác để người đọc tiện việc khảo cứu.
1. Ma oan nghiệt nhiều đời.
2. Ma bên ngoài đến làm mê hoặc.
3. Ma phiền não.
4. Ma sở tri.
5. Ma tà kiến.
6. Ma vọng tưởng.
7. Ma khẩu nghiệp.
8. Ma bệnh khổ.
9. Ma ngủ.
10. Thiên ma.
Bởi mười thứ ma vừa nêu nó hay làm nhiễu loạn kẻ mộ đạo tu hành, nhất là người tu thiền chân chánh, nên các hành giả luôn phải đề phòng cẩn mật.
MA THỨ NHẤT: MA OAN NGHIỆT NHIỀU ĐỜI
CHÁNH VĂN:
Loại ma này chính là nghiệp chướng nhiều đời của ta. Bởi từ nhiều kiếp đến nay, chúng ta bị luân hồi, quanh quẩn ở trong phàm vị, lầm tạo những nghiệp chẳng trung, chẳng hiếu, chẳng nhân, chẳng nghĩa. Sát, đạo, dâm, vọng, tham, sân, si, ái kết chặt những oan gia. Đời nay, chúng ta muốn học đại đạo lại gặp gỡ nó. Nó luôn quấy nhiễu chẳng an, làm chướng ngăn việc tu hành, khiến chẳng thành tựu được. Chúng ta phải hổ thẹn khẩn thiết cầu sám hối. Trông mong uy lực Tam bảo gia hộ khiến những oan nghiệt nhiều đời đó, tự sẽ tiêu diệt, tự nó thối tan.
Lại, chúng ta phải phát nguyện lớn làm lợi ích tất cả chúng sanh, để mau được quả vô lậu, chứng đạo Bồ-đề.
Là kẻ mới học tu Thiền phải tự sám hối và mãnh tỉnh lấy.
Giảng:
Loại thứ nhất là ma oan nghiệt. Ta thường nghe nói “Oan oan tương trái”, tức những nợ nần với nhau nhiều đời. Chữ nghiệt là nghiệt ngã, làm cho mình đau khổ. Ma oan nghiệt nhiều đời chính là nghiệp chướng nhiều đời của ta. Nghiệp chướng thì ai cũng có. Nhưng nghiệp là gì? Là năng lực do thân khẩu ý của mình tác động, khi đối duyên xúc cảnh nó bị bó buộc lại thành năng lực gọi là nghiệp. Từ đó, nó hướng dẫn mình đi trong luân hồi sanh tử. Nói nghiệp chướng nhiều đời của ta tức là loại ma oan nghiệt này.
Chúng sanh bị lẩn quẩn trong luân hồi là do loại ma oan nghiệt này dẫn. Lầm tạo những nghiệp chẳng trung, chẳng hiếu, chẳng nhân, chẳng nghĩa, sát, đạo, dâm, vọng, tham, sân, si, ái mà kết thành những oan gia. Loại ma oan nghiệt này tất cả chỉ do hành động tạo tác của chúng ta. Cũng từ tâm không sáng suốt, cho nên khi tiếp duyên xúc cảnh khởi những niệm lăng xăng điên đảo, rồi tạo nghiệp tiếp nối, nhân quả trả vay. Từ thân, miệng, ý không làm chủ được, nên bị nó tác động gây thành nghiệp, dẫn đi mãi trong luân hồi. Nguyên nhân chính là do mình cố chấp. Trong cuộc sống hàng ngày khi đối duyên tiếp cảnh, gặp những chuyện bực bội, nóng nảy khởi lên, ngay lúc đó ta cần phải tỉnh táo, buông bỏ đừng lao theo thì sẽ làm chủ được loại ma này. Nếu lúc ấy mình giữ được tâm bình lặng như như, thì những tác động từ bên ngoài sẽ không làm gì được.
Nếu tâm đã yên thì cảnh bên ngoài không làm gì được. Đó là mình đã làm chủ.
Nếu mình làm chủ được tức là đang tu thiền. Bởi vì thiền căn cứ từ tâm, nên nói thiền là nói tâm. Tâm vốn thanh tịnh, lặng lẽ như như. Khi chúng ta sống được với tâm, thì dù thiên ma, vạn quỷ cũng chẳng làm gì được mình. Một niệm khởi lên mà buông được thì tỉnh táo, sáng suốt. Một trăm, một ngàn hình ảnh bên ngoài khởi lên thì bên trong mình có cả trăm ngàn lực để buông, mà những lực đó cũng không có hình thức gì cả. Đó là năng lực từ sức tỉnh do sống được với tâm. Tóm lại ma này cũng từ tâm mình chưa sáng, là loại oan nghiệt của chính mình chứ không từ bên ngoài. Từ chỗ chính mình không thật sự nhận ra, chưa sáng thì nói ma là một cách nói, vì nó làm trở ngại việc tu của mình nên nói nó là ma.
Từ đây mà biết rằng, nếu mình bất trung thì đó chính là loại ma oan nghiệt của mình. Do chưa làm chủ được mà gây nên. Nó không phải là cái gì của mình, không phải là cái gì của ai. Khi hiểu rồi thì không còn đổ thừa nữa, lúc ấy có cơ hội nhắm thẳng vào gốc của nó mà bổ. Ví dụ như mình lờ mờ, chưa nhận ra được vọng tưởng cho nên mình tạo khẩu nghiệp. Bây giờ tỉnh táo sáng suốt, không chạy theo vọng tưởng cho nên mình muốn nói gì là đã làm chủ được khẩu nghiệp, do đó ma về khẩu nghiệp không có.
Đây là cách tu trực chỉ, rất giản dị. Ví dụ lâu nay chúng ta nóng nảy nhưng xem kỹ thì đâu có gì là nóng đối với mình. Chúng ta nghiệm đối với loại ma này, quay về pháp tu thiền tông theo sự chỉ dạy của Hòa thượng, một niệm dấy khởi mình phải buông cho được. Tức là tập trung làm sao để mình không bị dẫn dắt ngược xuôi bên ngoài và cũng không có những tăm tối, lầm lẫn bên trong. Không có những cái đó thì tuệ giác hiện tiền.
Tuệ giác hiện tiền thì định lực sung mãn. Đây là pháp tu định tuệ hiện tiền. Chúng ta nói và làm trong sự tỉnh giác thì những gì chung quanh không tác động đến chúng ta được.
Cho nên nói và làm không bị vướng, những suy nghĩ, tính toán, sắp đặt cũng không bị trở ngại.
Hằng ngày chúng ta sống được với tâm trong lặng ấy thì cảnh duyên bên ngoài cũng bình lặng nên thơ. Ví như khi nhìn thấy cái hộp, cây bút… mọi vật đều yên theo bản vị của nó, mình nói sao nó cũng không cải. Bởi vì mỗi cái đã ở trong phần vị, chức năng, khuôn thước mà người đời sắp đặt cho nó rồi. Tự mỗi thứ không có cái nào chống trái với cái nào và cũng không có cái nào cãi lại mình cả.
Bây giờ chúng ta muốn truy nguyên, cái hộp này có từ vọng tưởng hay từ sự tỉnh táo của mình. Nếu không tỉnh thì sẽ phân tích cái hộp của Nhật làm tốt hơn của Mỹ hay của Việt Nam v.v… Cái hộp này mình thảy ngoài kia hay bỏ trong tủ vàng nó cũng không nói gì. Sở dĩ có vấn đề là do tâm mình, không phải tâm thật mà những nghĩ ngợi tính toán phân biệt của tâm vọng. Nếu chúng ta sử dụng được thật tâm thì rỗng rang sáng suốt, không hề nghĩ ngợi tính toán. Biết nó là duyên hợp, mọi vật từ sự chế tạo của con người mà có hình thức và tác dụng như thế. Mỗi pháp mỗi pháp hãy để nguyên bản vị của nó, đừng phân tích chia chẻ, thấy chỉ biết thấy, chớ động đến, cả hai không dính nhau thì được an lạc.
Ma oan nghiệt cũng có từ sự ăn mặc, ngủ nghỉ, quan hệ bà con quyến thuộc, sống chết, danh vị, tiền tài… Nếu không làm chủ được thì nợ nần chồng chất. Làm chủ được thì tức thời ngay đó an lạc. Còn cứ dong ruổi ngược xuôi, vướng mắc rồi oan nghiệt. Như trong kinh Phật nói tám thứ khổ trong đời: sanh, lão, bệnh, tử, oán tắng hội khổ, ái biệt ly khổ, cầu bất đắc, ngũ ấm xí thạnh cũng từ oan nghiệt này mà ra.
Phật dạy, tất cả chúng sanh đều có đức tướng Như Lai, tất cả chúng sanh đều là Phật sẽ thành thì dù người thân hay sơ, nếu nhìn về mặt bản thể thì đều là Phật sẽ thành.
Nhìn thông suốt, sống được như vậy thì sẽ không có vấn đề gì. Trong giới Bồ-tát có dạy người đã giết cha giết mẹ mình mà mình vẫn không báo thù. Bởi vì lấy ân báo oán thì oán ấy tiêu tan, lấy oán báo oán thì cừu hận chất đầy. Báo thù là không đúng với tinh thần Bồ-tát đạo. Đến đây e có nhiều người hiểu lầm, nếu như vậy là bất hiếu. Nhưng suy cho cùng, lấy oán báo oán được lợi ích gì, bao nhiêu oan trái sẽ kéo theo mãi không dừng. Vì vậy, nói đến chỗ chí đạo thì phải buông bỏ như vậy. Tâm mà không oan nghiệt thì tất cả mọi người đều là Phật. Đã là Phật thì không có oan nghiệt gì với nhau cả. Sung sướng biết bao nhiêu.
Người tu Phật hiểu được điều đó rồi thì rất sợ nhân quả. Sợ từng nhân nhỏ, từng ý niệm. Người biết sợ, biết chuẩn bị như thế thì cuộc đời sẽ có nhiều tốt đẹp. Nếu nhân quả được dàn dựng rõ ràng thì dù không có ông thánh nào hiện diện tuyên dương chánh giáo nhưng thực sự đó là thời chánh pháp, thời đại sáng suốt, tốt đẹp. Cuộc đời này cứ quay qua quay lại, rồi thêm thắc những dây mơ rễ má để thành nợ nần, oan nghiệt với nhau.
Nếu gở ra được thì an ổn, chứ không nói là chứng đạo, sáng đạo hay gì gì cả. Một ngày sống một ngày tu, sự hiện diện của mình đều là an ổn.
Trong điều một nói về ma oan nghiệt, chúng ta thấy quanh quẩn trong phạm vi lầm tạo những nghiệp như chẳng trung, chẳng hiếu, chẳng nhân, chẳng nghĩa, sát, đạo, dâm, vọng. Tức là nhân, nghĩa, lễ, trí, tín. Nhân bất sát sanh, nghĩa bất thâu đạo, lễ bất tà dâm, trí bất ẩm tửu, tín bất vọng ngữ. Người ta thường nói mẫu mực cho đời sống là nhân nghĩa. Người tu thiền dù tu lâu, hay mới tu mà tránh được loại ma oan nghiệt này là người nhân nghĩa bậc nhất. Giả dụ ngoài thế gian có những người không hề học Phật, không hề tu hành, không hề đi chùa, nhưng nhân nghĩa sáng ngời thì đó là bậc Bồ-tát, một con người mẫu.
Tóm lại để trị loại ma này thì phải tu tâm, mà tu tâm là tu thiền, tu thiền là sống lại với đạo. Nói thiền cũng là nói tâm, nói tâm cũng là nói đạo. Nói đạo tức là đạo lý mà chúng ta đang học, đang tu hành. Đối với loại ma này, thiền sinh chúng ta cần phải biết mặt mày nó rõ ràng. Trong sinh hoạt hằng ngày chúng ta không kết nghiệp với bất cứ loại nào. Đã không kết nghiệp với chúng thì ta là người đầy đủ nhân, nghĩa, lễ, trí, tín. Trừ được loại ma này thì chúng ta là người đầy đủ nhân nghĩa. Xã hội rất cần những con người này.
Đạo Phật xây dựng con người từ hạ tầng. Học được tâm quay về, nhận và sống được với tâm. Tâm là đạo, đạo tức là thiền, thiền là giải thoát. Mình không cần nói mình là thiền sinh, không nói mình tu thiền nhưng đời sống của mình không vướng mắc gì cả, một cuộc sống tỏa khắp tức là thiền rồi. Làm công tác mà không bị vướng mắc tức là thiền, thụ trai mà không vướng mắc tức là thiền. Người được như vậy là sống trọn vẹn được với thiền, người đó là Thiền sư.
Chú:
Luân hồi tiếp nối, biển khổ mênh mang, chúng sanh trôi dạt, hạt bụi trời không, kẻ chưa tỉnh làm thế nào nhận ra sự kiện này! Ai là kẻ biết được ngày mai của mình ra sao?
Và thấy được oan khiên túc trái của mình thế nào? Có kẻ nghe nói: “Tuổi thọ của ta sánh bằng trời đất”, liền bảo: Gớm thế! Ta là quái gì mà tuổi thọ thênh thang và mênh mang đến thế! Người xưa nói: “Sanh như đắp chăn bông, tử như cởi áo hạ” là đạo lý gì? Thử nói xem! Chỉ thêm một trường huyễn mộng. Tuy nhiên, chỗ thênh thang và mênh mang này ít người vào, không ai chịu nhận. Thì thôi! Cứ rông chơi cho hết cuộc phong trần. Một lúc nào đó, quày đầu nhìn lại đoạn nhân duyên phù trầm này, chắc y không khỏi một phen tan thân mất mạng. Thế nhưng, nếu chưa phải là hạng đại lực lượng thì, phải ai khẩn sám hối, nương uy lực vô song của Tam bảo, mọi mộng mơ phía trước tiêu tan. Đã thế, lại cần phát đại nguyện như hư không, vào cõi huyễn, mặc áo huyễn, độ chúng sanh huyễn, để hoàn thành Phật đạo như huyễn.
Khoái thay!
Đây là lời chú từ ma thứ nhất mà tôi chỉ nói một phần nào thôi. Thấy những điều ma sự này rất cần thiết và là những yếu tố xây dựng những tu sĩ tương lai, một người đầy đủ nhân nghĩa, mang đầy đủ chí cả đại từ đại bi của Phật đi vào cuộc đời. Tuy nhiên, hiện tại chúng ta còn bị nhiều mắc mứu oan khiên. Muốn giải trừ chúng ta phải thành khẩn sám hối cho mọi mộng mơ phía trước tiêu tan. Mặt trời trí tuệ an ngự giữa trời không, rỗng rang sáng suốt.
MA THỨ HAI: MA BÊN NGOÀI ĐẾN LÀM MÊ HOẶC
CHÁNH VĂN:
Loại ma này còn gọi là người làm chướng, kẻ bất tín hay nhỏ mọn, sang hèn chẳng đồng bậc. Họ não loạn định tâm, khiến người tu chẳng được yên ổn. Nói chung là do hành giả tự thiếu quyền chước, hoặc thiếu lễ nghĩa, hoặc tự cao, hoặc ngã mạn, hoặc hay nói thẳng, hoặc hành động thô, hoặc dựa thế lực, hoặc ỷ tài giỏi, hoặc nói lời ác, hoặc cho mình hơn, hoặc nói điều dở của người, hoặc thiếu dáng vẻ hòa dịu, hoặc không cung kính, hoặc lượng hẹp hòi, hoặc thiếu nhẫn nại, nên người chẳng tin. Họ làm hoặc loạn việc tu hành của mình, khiến sanh tâm động niệm, che chướng bản minh. Kẻ mộ đạo lớn, phải tự hạ mình, nuôi dưỡng đạo đức, mới khỏi người ngoài làm chướng. Người trong Tông môn đời sau, nên học đức khoan dung nhẫn nại và cố gắng hành đạo cẩn mật.
Giảng:
Loại thứ hai là ma bên ngoài đến làm mê hoặc. Đây là những trở ngại bên ngoài đến với người tu chúng ta. Những trở ngại này là từ đạo đức, dáng vẻ, cách cư xử, quyền chước của chính chúng ta thiếu sót mà ra. Những trở ngại này làm não loạn định tâm, tức là làm cho mình xúc não nên tâm không được định. Từ đó công phu bị khuyết tổn.
Trong những phần như hoặc tự cao, hoặc ngã mạn hoặc hay nói thẳng. Nói thẳng đúng thời đúng lúc thì người ta sẽ trọng lời nói thẳng của mình. Nếu nói thẳng không hợp thời hoặc bên trong mình không có thiện chí, thì đó là trở ngại.
Trong chuyện cổ có chuyện Nam Cung Trường Vạn. Ông là một vị tướng thân cận với Tống Mẫn Công. Vua xem ông như tri kỷ, rất tương đắc với nhau về môn đánh cờ.
Chẳng may ông bị giặc Lỗ bắt. Tống Mẫn Công cho người đến xin vua Lỗ tha cho ông về nước. Khi thấy Nam Cung được thả về, vua Tống nói đùa: “Ngày trước ta kính trọng ngươi, bây giờ ngươi là tù nhân nước Lỗ, ta không kính trọng nữa”. Nam Cung Trường Vạn thẹn đỏ mặt, cáo từ lui ra.
Quan đại phu Cừu Mục khuyên vua không nên nói đùa như vậy, mà cẩn thận giữ lễ vua tôi. Tống Mẫn Công bảo: “Ta với Nam Cung là chỗ thân tình, cần gì điều ấy”. Một hôm vua cùng Nam Cung Trường Vạn đánh cờ. Vua Tống đánh phủ đầu, Trường Vạn thua luôn mấy ván, phải bị phạt uống một bát rượu lớn. Trường Vạn đã ngà ngà, trong lòng không phục, xin đánh thêm ít ván nữa. Mẫn Công nói: “Tù nhân thì tất phải thua, lại còn dám xin đánh nữa à!”. Trường Vạn xấu hổ không nói.
Ngay khi ấy được tin vua nhà Châu mất. Tống Mẫn Công định sai sứ sang viếng.
Trường Vạn thưa: “Xin Chúa Công cho tôi đi sứ”. Mẫn Công lại đùa nữa: “Khi nào Tống không còn ai nữa mới sai đến tù nhân đi sứ”. Các cung nhân đều cười ầm cả lên. Trường Vạn mặt đỏ bừng, thẹn quá chẳng nghĩ gì đến lễ chúa tôi nữa, thuận tay vác bàn cờ hét to:
“Hôn quân! Mày phải biết tù nhân này cũng có thể giết người chớ!”. Nói xong, Trường Vạn đánh Mẫn Công ngã xuống, rồi đâm luôn mấy cái. Mẫn Công chết, Trường Vạn làm phản luôn, lập vua khác lên ngôi.
Qua câu chuyện này cho chúng ta bài học, dù người đó dưới quyền của mình, nhưng mình đẩy người ta vào đường cùng thì họ sẽ quay đầu lại xử sự bậy với mình. Nếu vua dừng lại khi biết Nam Cung Trường Vạn bị cú sốc tinh thần, thì đã không xảy ra sự vụ đó. Chỉ trong phút chốc từ sự không khéo xử sự của vua Tống mà dẫn đến tai hại không thể lường được như vậy.
Tuy rằng hiện thời chúng ta là những người tu hết sức bình thường, không có địa vị, quyền thế, tiền bạc hay học vị gì cả. Nhưng nếu mình là người tu chân chánh thì đương nhiên mình đại diện cho con người đạo đức, hướng dẫn tinh thần quần chúng Phật tử. Vai trò này hết sức quan trọng. Mình phải thể hiện đầy đủ đạo đức, trí tuệ của đạo lý giác ngộ giải thoát. Cho nên chúng ta phải học, phải biết, phải tu, chuẩn bị dè dặt, đừng để thói quen không khéo, đến một lúc nào đó xảy ra sự cố. Tóm lại, một lời nói chơi vào những lúc bình thường thì không có gì. Nhưng gặp lúc bên trong có vấn đề thì hậu quả không thể lường được.
Đối với người sống thể hiện đạo đức, mình phải dè dặt luôn cả lời nói chơi của mình. Dù có nói chơi hay nói lời gì vui vẻ cũng phải kiệm đức. Nói vừa phải, vừa đủ để nghe, hiểu thôi, không cần thiết nói quá đáng, dư thừa. Có khi người ta sử dụng những ngôn ngữ cho thỏa mãn lòng mình. Người tu thì không cần, ngôn ngữ của mình thể hiện vừa phải, để hài hòa tươi tắn trong cuộc sống với nhau. Ngoài ra không cần phải nói nhiều. Đa số những bậc đạo cao đức trọng nói rất ít mà tác động rất nhiều. Đó là những con người xử dụng đến thân giáo hay có những cách không nói mà nói tất cả. Đó là điều chúng ta cần phải học hỏi.
Ở đây nói các loại ma bên ngoài là do mình thiếu quyền chước, thiếu lễ nghĩa hay tự cao, ngã mạn, hoặc nói thẳng, hoặc hành động thô, dựa vào thế lực, hoặc ỷ tài giỏi.
Nếu là người trí càng học hiểu nhiều chừng nào thì càng thấy kém cỏi trước bể học mênh mông. Học đạo thánh hiền, càng học càng hành thì càng thấy những khuyết điểm của mình. Chỉ đao đáo lo cái đức của mình chưa được hoàn chỉnh thôi chứ không có tự ỷ, tự cho mình là cao.
Hoặc nói lời ác, hoặc cho mình hơn, hoặc nói điều dở của người, hoặc thiếu dáng vẻ hòa diệu, hoặc không cung kính, hoặc lượng hẹp hòi, hoặc thiếu nhẫn nại v.v… Những điều này, nếu trong thân tình hay trong sự cảm thông, thì chúng ta cũng nên chỉ cho nhau khuyết điểm để sửa đổi, chứ không nhất thiết là không nói gì hết. Nhưng phải biết thời, đúng lúc, chỉ làm sao cho người vui vẻ nhận sửa. Mình chỉ mà người ta nổi sân, bực bội thì đó là điều thất bại.
Tóm lại đây là những trở ngại bên ngoài, không phải phần chính yếu. Những điều này chúng ta có thể sửa đổi, có thể hoán chuyển hoặc có thể ý thức được thì bỏ đi. Khi làm một điều gì mà có sự phản ánh thì mình ý thức, đừng làm nữa. Đi ngang điện Phật mà có người nhìn thấy mình với một thái độ dường như không đồng ý, thì mình tự ý thức vừa rồi mình có lỗi, phải tự bỏ đi. Bởi vì nếp tu hành đòi hỏi chúng ta đức tự tỉnh, đâu đợi người phải nói. Có nhiều khi mình cứ làm càng làm bướng, những phản ánh mình không quan tâm, nhưng thật sự thì rất cần sự phản ánh.
Phản là trái lại, ánh là chói ra. Chính mình cũng nên phản ánh lại hành động của mình. Bởi vì có những điều mình nói, hoặc việc mình làm không đúng. Nếu mình tế nhị để ý loại trừ các khuyết điểm đó thì mình tự sửa rất hay.
Trong cuộc sống đời thường, chúng ta có rất nhiều cơ hội để học hỏi và cơ hội để sửa đổi. Trong sinh hoạt tu học hằng ngày nếu chịu để tâm nghiên cứu, hạ mình khiêm cung, hòa diệu một chút thì sẽ học được nhiều điều rất hay từ những người chung quanh ta, từ những vị có đức hạnh đặc biệt. Người thật sự muốn tu học thì phải như thế.
Vì vậy trong Tòng lâm, trong Thiền viện thường đặt ra nội qui, bởi vì trong sự tha thiết chí thành cầu khẩn của người học đạo vẫn còn những điều thiếu sót, chưa hoàn chỉnh nên phải nhờ đến qui luật để uốn nắn sửa đổi các khuyết điểm, nhằm giúp cho người học đạo ngày càng hoàn bị hơn trong nếp sống đạo đức của mình.
Tuy những điều bên ngoài không dính dáng đến cốt tủy bên trong, nhưng muốn loại bỏ nó cũng không phải dễ dàng. Bởi nó đã thành tật, thành bệnh. Nếu không làm chủ được thì khiến mình sanh tâm động niệm, che chướng bản minh. Người phát tâm tu hành thì trước phải hạ mình nuôi dưỡng đạo đức để khỏi bị những cảnh duyên bên ngoài làm trở ngại. Người trong tông môn đời sau, nên học đức khoan dung nhẫn nại và cố gắng hành đạo cẩn mật, thì từ đó việc gì cũng vượt qua hết. Lần lần được thăng hoa, tiến dần.
Trước nhất của người sơ cơ học đạo là phải khiêm hạ. Chữ khiêm là tự khiêm, chữ hạ là tự hạ mình xuống. Người khiêm hạ là người biết hổ thẹn, không tự ỷ, tự cao, không lấn lướt người, luôn sống với một nếp tương giao bình thường giản dị. Gần gũi với những người như vậy có lợi cho việc tu học của chúng ta rất nhiều.
Đối với những người có khí cách đặc biệt, nếu mình còn nhỏ mà bị ảnh hưởng sẽ không hay. Bởi do chúng ta không có năng lực đặc biệt nên dễ bị tạp nhiễm bởi những khí cách ấy. Đáng lẽ phải loại đi thì mình lại tiếp thu. Tiếp thu rồi bỏ không được, đây cũng là những thứ tạp nham nhưng khi trởù thành nghiệp rồi thì rất khó bỏ.
Khi còn trẻ, khỏe mạnh cả thân và tâm mà không phát huy được những năng lực đặc biệt, làm ích lợi cho mình và cho gia đình, xã hội, đến tuổi xế chiều có làm được gì nữa đâu. Bệnh hoạn chồng chất… Nói như thế để chúng ta thấy rằng, đối với những điều hay tốt thì phải gấp rút tiếp thu, học hỏi. Đối với những điều dở thì khẩn trương khắc phục sửa đổi. Muốn được như thế, đòi hỏi chúng ta phải tỉnh, kiểm lại những gì dở xấu, gấp rút trừ diệt ngay. Còn có tâm niệm che dấu là tự mình si mê không xứng đáng. Nếu chúng ta chịu sửa đổi thì chỉ trong một thời giai ngắn sẽ thành công.
Chúng ta đang sống với thân xác phàm này, bao nhiêu những bệnh tật, nghiệp chướng. Nhưng lý tưởng của chúng ta là thành Phật, gạn lọc mọi thứ nhiễm ô, buông hết những vọng tưởng để được rỗng rang sáng suốt. Muốn buông được thì định phải đầy đủ, tuệ phải hiện tiền. Thiếu hai thứ đó thì không thể làm gì được. Với lý tưởng sáng chói như vậy thì mình phải là người chiến sĩ chiến đấu quyết liệt, để đừng bị ngã gục bên này hay bên kia, chậm hay mau gì thì cũng phải thẳng một đường tới đỉnh kia.
Chúng ta đã có đủ phương tiện để thực hiện lý tưởng ấy. Mong mõi của bậc Thầy chúng ta là mình thực hiện cho kỳ được lý tưởng duy nhất đó. Nghĩa là thành Phật thành Tổ chứ không gì khác. Chúng ta làm bất cứ điều gì cũng tựu trung làm sao cho sáng việc lớn, duy nhất chỉ có thế. Bài học nào của các Tổ sư cũng đều muốn cho chúng ta phát huy lý tưởng của mình, gắn bó với những lời dạy của người đi trước, làm sao mình thu lượm được nhiều kinh nghiệm để đừng bị vấp ngã. Cuối cùng mình là người vững vàng bước lên đài vinh dự ấy.
Chú:
Luận về giác tánh thì vật vật như nhau, người người bình đẳng, nhưng căn trung hạ cần phải, đức hàm đạo dưỡng mới xong. Thiếu đạo kém đức, thêm nỗi mê mờ dày cợm, thì đường tiến thiên nan vạn nan. Mốt sống người đời còn dạy: “Với mình thật nghiêm cẩn, xử thiên hạ thì hạ mà khoan”, huống là đạo lớn giải thoát, lấy trí tuệ làm gốc, tiêu diệt bản ngã là chỗ đắc lực, mà còn u mê ôm ấp, những tình chấp ngô ngã hẹp hòi ấy được ư?
Phật dạy: “Các hành vô thường là pháp sanh diệt”. Tổ khuyên: “Nên tiêu chảy đầy đất” mới có chỗ an thân lập mạng. Trên chiều dọc mà nhìn, chúng sanh nhiều kiếp trôi lăn trong sáu nẻo, bởi đeo mang cái thấy hai: “Ta, người, kia, đây; có, không, xấu, tốt”. Do đó và từ đấy mà xuống lên trong ba cõi, xoay quanh trong bốn loài. Chần chờ gì? Đợi kiếp nào? Sao chưa một phen lay mình chuyển hóa, tạo một niềm vui, thắp sáng một niềm tin cho mai sau… Kìa nhìn xem!
Trời đất liếc trông chừ sao thênh thang
Chống gậy chơi rông chừ phương ngoại phương
Hoặc cao cao chừ mây đỉnh núi
Hoặc sâu sâu chừ nước trùng dương…
MA THỨ BA: MA PHIỀN NÃO
CHÁNH VĂN:
Ma phiền não cũng gọi là sự chướng. Người tu hành mà chẳng trừ được sự chướng thì, rối rắm thánh đạo. Thế nào là phiền? Sao gọi là não? Phiền là chạy theo ngoại cảnh, não ấy tự sanh trong tâm, những người tu thiền, quyết phải dứt hẳn. Nếu chẳng dứt sớm, thì tánh định khó hiện. Như thấy sắc tâm sanh, là tâm dâm phiền não. Thấy giết tâm sanh, là tâm ác phiền não. Thấy của tâm sanh, là tâm trộm phiền não. Thấy vật tâm sanh, là tâm tham phiền não. Với người sanh mạn, là ngã tướng phiền não. Đối kẻ thấp kiêu ngạo, là phiền não tự đại. Gặp cảnh nghịch sinh sân, là tâm khuể phiền não. Gặp cảnh thuận vui mừng, là phiền não thích ý. Gặp oan gia sanh ghét, là tâm hận phiền não. Cùng thân thích sinh yêu, là tâm tư phiền não…
Nói tóm lại: Với tất cả cái thấy bên ngoài, mà trong tâm sanh thủ xả đều là phiền não khó nói cho cùng. Thế nên, những người tham thiền quyết phải dứt sự chướng. Sự chướng nếu chẳng không, thì chánh định bị não loạn. Người tu đời sau, đâu nên xem thường nó được!
Giảng:
Loại thứ ba là ma phiền não. Chữ phiền một bên bộ hỏa một bên bộ hiệt giống như cái đầu bị lửa đốt. Nghĩa là khi phải tiếp xúc với sự việc gì đó mà nghe nóng trong đầu, bực bội không yên thì đó là phiền. Chữ Não một bên bộ tâm một bên có bộ xuyên tức hệ thống thần kinh não bộ bị động. Giống như cái nồi bị nung lửa, những thứ trong đó sôi sục lên. Tóm lại, phiền não là không yên trong lòng. Lòng đã không yên thì rối rắm, tăm tối, theo đó tác động ra bên ngoài các giác quan bất an, bất ổn. Như người mất búa ngồi trong nhà nhìn ra ngoài, thấy toàn là những người ăn trộm búa của mình.
Đối với người tu, chúng ta phải làm chủ và bảo tồn trong tâm mình, để đừng bị bức xúc, bất an, bất ổn. Trong lòng bất an nên khi tiếp xúc với bên ngoài, không làm chủ được thì những cố tật, tập khí của mình phát tiết, theo đó mà tạo nghiệp. Khi tâm bình thường thì đối với cảnh nghịch, ta chỉ cần nở một nụ cười là xong. Nhưng nếu trong lòng có nỗi bất an thì lại khác, có khi mình nổi nóng đập người ta, rồi sinh ra đủ thứ chuyện trên đời. Tất cả mọi tai họa xảy ra đều từ tâm sân khuể nổi lên.
Người tu chúng ta khi có những hiện tượng như vậy thì phải nhìn lại mình. Nhìn thấy một huynh đệ buồn buồn, thoái tâm Bồ-đề thì biết anh ta đang bị phiền não gì đó.
Người tu chúng ta giải quyết phiền não bằng cách nào? Hòa thượng dạy nó không thật, hơn nữa nhân vô thập toàn, nghĩa là không ai hoàn toàn trăm phần trăm. Đã vậy thì ta nên nhìn vào điểm tốt của người, đừng nhìn những điểm xấu của họ mà sanh phiền não. Đối với phiền não, những thứ làm chúng ta bất an, mất bình thường, làm chúng ta không còn hồn nhiên nữa thì phải bỏ đi. Tu là trị phiền não, trước nhất là trị từng niệm của mình.
Niệm nào cũng kiểm soát được hết.
Trong cuộc sống có gì như ý đâu. Hôm nay làm mệt, mình nghĩ nếu bữa cơm có bát canh thích khẩu thì chắc ăn ngon lắm. Nhưng trái lại bữa ăn lại không có thứ đó mà gặp thứ mình không thích, thành ra nuốt không trôi. Thế là phiền não. Những mong mỏi như vậy thôi cũng ít khi có được. Đới với những cảnh này phải làm sao? Phải tỉnh, phải buông đi. Chúng ta đừng bao giờ nuôi phiền não, cũng không lầm đối với phiền não, phải tỉnh sáng để loại những phiền não đó, đừng để nó tác động.
Trong cuộc sống nếu chúng ta biết loại bỏ những điều xấu dở của mình, không đem những xấu dở bên ngoài vào là thành công. Từ đi đứng, nói năng, làm việc mọi thứ, nếu biết cách công phu, giữ gìn mình, phân biệt chủ khách rõ ràng. Khách chỉ nghỉ nhờ rồi đi, còn chủ thì không đi. Từ những việc hết sức thông thường đó, nhưng nếu chúng ta không để ý thì công phu sẽ bị vướng, không tiến được.
Người tu thiền phải triệt tiêu phiền não như thế nào? Nghĩa là đối cảnh đừng sanh tâm. Bởi vì trong tâm còn có vấn đề nên đối cảnh còn sanh tâm. Chúng ta làm sao đối cảnh không sanh tâm, cảnh tham không tham, cảnh sân không sân… Không luận là ai, nếu được như vậy thì người đó là Phật.
Chúng ta tu học là để làm Phật làm Tổ chứ không làm gì khác. Cho nên học đạo là để sống đạo, học là để thực hành chứ không phải để nói cho ai nghe. Việc học làm Phật bước đầu là làm sao rõ biết được phiền não. Những yêu, thích, giận, buồn xưa nay chúng ta chưa từng biết nó là vọng tưởng, nhưng ngày nay nhờ học Phật nên chúng ta biết nó không thật, nó là vọng tưởng. Nó đã dẫn chúng ta đi trong luân hồi sanh tử nhiều đời rồi.
Bây giờ phải tỉnh, biết nó là vọng liền buông.
Ngài Lâm Tế có nói câu: “Phùng Phật sát Phật, phùng am sát ma”. Dù cảnh Phật, chúng ta cũng biết rằng đó là vọng tưởng. Ngài Nham Đầu nói của báu bên ngoài đem vô không phải là thứ thiệt. Muốn xài được phải là ở trong tâm mình, kho báu đó không bao giờ thiếu. Các Thiền sư nói không lầm chạy theo đối với các cảnh duyên vì biết nó không thiệt. Như vậy mới tự tại để thấy mọi việc dàn trải trước mắt.
Ở đây chúng ta vui vẻ sống trong hào quang chánh pháp, trong đạo tràng, nắm được cách tu rõ ràng như vậy thì rất thích thú. Cứ mỗi chiều ngồi kiểm lại xem, từ sáng tới giờ mình đã khắc phục được những gì. Mỗi lần khắc phục được là mỗi lần có sức mạnh, hay sức mạnh được tăng trưởng. Mỗi lần bị thua là mỗi lần yếu đi, coi như mình đã đầu hàng. Người quyết chí tu thì nhất định không đầu hàng, phải khắc phục. Như người chiến sĩ chiến đấu với hư không, phải tỉnh vì hư không chỗ nào cũng có hết.
Nếu chẳng dứt sớm thì tánh định khó hiện. Như thấy sắc tâm sanh là tâm dâm phiền não. Không đợi dính mắc gì hết mà đối với sắc trần khởi niệm là đã có phiền não, đã có vấn đề rồi, phải chỉnh đốn. Thấy giết tâm sanh là tâm giết phiền não. Thấy của tâm sanh là tâm trộm phiền não. Thấy vật tâm sanh là tâm tham phiền não. Với người sanh mạn là ngã tướng phiền não. Đối kẻ thấp kiêu ngạo là phiền não tự đại. Gặp cảnh nghịch sanh tâm là tâm khuể phiền não. Gặp cảnh thuận sanh tâm là phiền não thích ý. Gặp oan gia sanh ghét là tâm hận phiền não. Cùng thân thích sanh yêu là tâm tư phiền não…
Nói tóm lại, với tất cả cái thấy bên ngoài mà trong tâm sanh thủ xả đều là phiền não khó nói cho cùng.
Khi đối duyên xúc cảnh mà tâm thủ xả không dừng được thì đủ thứ phiền não.
Cho nên người biết tu vừa có niệm dấy khởi liền buông thì trị được phiền não. Đây là một pháp tu đúng và thích hợp. Bất luận lớn nhỏ, già trẻ, khi vừa có một niệm dấy khởi liền buông. Bất cứ nơi đâu, trong công việc gì cũng đều tu như thế. Khi cuốc đất ta chỉ biết cuốc đất, những chuyện gì đã qua không nhớ, những chuyện chưa tới chẳng nghĩ, bình thường cuốc. Mình chỉ cần biết rõ là chân ta đang dẫm trên đất, tay cầm cuốc. Không để bất cứ một cái gì làm lầm mình, như vậy là ta đã sống và làm việc một cách hết sức sâu sắc.
Chúng ta nhiều khi bị vọng tưởng dẫn đi một cách say mê. Bởi vì nó thay hình đổi dạng, phát tiết từ nơi những lổ chân lông của mình. Có những loại vọng tưởng cứng ngắc làm cho mình nhức nhói, có những loại vọng tưởng mềm mại làm cho mình thích thú.
Tóm lại, không tỉnh là bị nó dẫn đi thôi.
Tu là phải tỉnh, thiếu tỉnh thì không thể làm gì được. Tỉnh để đừng bị vọng tưởng kéo lôi. Phật, Bồ-tát, các vị Tổ đều dạy cảnh không thật, thân không thật, tâm không thật.
Mình không giữ được tâm thể chân thật rồi lao theo những thứ không thật đó. Như một giấc mộng, không biết là bao lâu. Nếu nhận và sống được với tâm thể rỗng rang sáng suốt thì chúng ta mới thấy rõ ta đang ở trong giấc mộng, thay hình đổi dạng, làm toàn việc mộng.
Chỉ khi nào quen sống được với ông chủ thì dần dần bỏ những mộng mơ đó. Nhận và sống với ông chủ, mau hay chậm là tự chúng ta, không có người thứ hai nào có thể giải quyết cho chúng ta được. Vậy thì đối với phiền não chúng ta cố gắng làm chủ, đừng để nó tác động. Nếu nó tác động thì sẽ sanh thành nghiệp lực, tạo quả báo, vai trả không biết bao giờ mới rồi. Muốn thế, chỉ có kiếm trí tuệ mới cắt đứt được. Chúng ta là những chiến sĩ sẵn sàng dùng kiếm của mình chặt đứt tất cả dây mơ rễ má kia.
Đức Thế Tôn sau khi thành đạo dưới cội Bồ-đề, Ngài nói: Lạ thay tất cả chúng sanh đều có đức tướng trí tuệ của Như Lai, mà sao lại bị mê muội như thế. Cho nên Ngài thường nói chúng ta có tri kiến Phật, có chân tâm, Phật tánh. Nhưng rồi chúng ta không nhận ra là vì nghiệp. Khi đã thành thói quen rồi tức là thành năng lực. Chúng ta nhiều đời kiếp đã gầy dựng và lầm theo nghiệp của mình.
Trong kinh A-hàm Phật nói cặn kẽ, giả dụ người có hai môi không đầy đủ, thiếu hai hàm răng, lưỡi ngắn củn, miệng không lưỡi thì người đó nói được gì. Nhưng ít khi chúng ta nghĩ tới chuyện đó. Nghe người ta nói một câu, thiên hạ bảo đó là chửi mình thì liền cho như vậy rồi nổi nóng lên. Đó bị cảnh kéo lôi. Chúng ta chỉ theo cảnh, theo hiện tượng bên ngoài thôi, ít khi nào chịu quay về nhận lại cái gốc.
Nếu trong mọi sinh hoạt, chúng ta luôn biết mình có tánh giác, có đức tướng trí tuệ, có tri kiến Phật. Mình là Phật sẽ thành nên những gì bên ngoài đều bỏ hết. Được như vậy thì chúng ta không tạo nghiệp, không tạo nghiệp thì không bị quả báo. Chúng ta đừng lầm là tạo nghiệp mà không bị quả báo. Dù là bậc thánh đi nữa thì cũng phải trả nghiệp cũ khi quả báo đến. Tôn giả Mục Kiền Liên là một điển hình.
Tóm lại phiền não là những máy động đầu tiên mà chúng ta phải trị. Chúng ta phải làm chủ được năng lực từ thân miệng và ý. Đây là những phiền não làm cho chánh định của mình không thành tựu được. Thiếu định thì không có tuệ, định tuệ không có thì đi đường ma. Chúng ta sống sơ hở, không quan tâm, không phát huy được định tuệ thì dù tu đúng pháp vẫn chẳng đến đâu. Nếu định tuệ bị suy thoái thì sẽ lọt vào rọ ma.
Chú:
Còn lầm ngoại cảnh nên còn phiền não. Bởi chưa thấy được thật tánh nên giả cảnh làm rối rắm, lăng xăng, mờ ảo, khó mà tháo gỡ cho xong! Người xưa nói: “Vật từ cửa đem vào, không phải là của báu trong nhà”. Của báu trong nhà là gì? Mọi người sẵn có, luôn luôn đầy đủ, tánh tự bản nhiên, vào phàm vào thánh không đổi, không sanh không diệt, xưa nay bình đẳng, một đạo sáng suốt. Như đã nói, bởi thật giả chưa phân, nên bao nhiêu điều vụn vặt hiện bày trước mắt. “Nắm đông bắt tây” luống sanh phiền bực. Đáng thương! Cũng bậc vương giả, mà gặp loạn trầm luân, uổng đời trôi dạt. Vùi thân trong chỗ bùn lầy, nát phận cùng loài man mọi, mặt mũi thật xưa nay khó nhìn. Đường về quê cũ vẫn còn diệu vợi, chưa dễ một sớm một chiều mà biết được.
Khổ thay! Khổ thay!
Yêu cầu thấy được thật tánh thì mới trị được phiền não. Thấy thật tánh là biết tất cả đều không thật.
Người xưa nói: “Vật từ cửa đem vào, không phải là của báu trong nhà”. Lời này của ngài Nham Đầu Toàn Khoát nói với người sư đệ là ngài Tuyết Phong. Khi hai Ngài cùng đi hành khước, đường đi trở ngại, hai Ngài cùng nghỉ lại nơi miếu. Tuyết Phong lúc nào cũng ngồi công phu miên mật, riêng ngài Nham Đầu lúc nào cũng ngủ. Ngài Tuyết Phong còn vướng mắc nên hạ thủ công phu nhiều. Ngài Nham Đầu đã xong việc nên thảnh thơi tự tại. Đây là chỗ tinh vi, cao siêu.
Điểm này chúng ta phải dè dặt thận trọng. Nếu lầm nhận rồi nói không cần tụng kinh, không cần ngồi thiền, không cần sống trong khuôn mẫu thì chết dở. Chừng nào được như ngài Nham Đầu rồi hãy nói câu ấy. Cẩu thả sẽ rơi vào lưới ma làm loạn thiên hạ, quả báo phải tự chuốt lấy thôi.
Ngài Tuyết Phong cứ ngồi thiền, thấy sư huynh ăn rồi ngủ nên kêu dậy: Người ta đi hành khước đã xong việc, sư huynh đến đây ăn rồi lại ngủ, không sợ thiên hạ cười cho.
Ngài Nham Đầu bị quấy rầy, ngồi dậy, hỏi Tuyết Phong muốn cái gì. Tuyết Phong nói trong lòng chưa yên. Ngài Nham Đầu bảo: “Nếu có gì chưa ổn thì hãy nói ra tôi sẽ vì ông mà giải quyết cho”. Tuyết Phong thuật lại đoạn đường ngài đã đi qua. Ngài Nham Đầu quét sạch và bảo phải xoay về của báu trong nhà. Đây là tư cách của những bậc đã siêu xuất. Chúng ta học được ở các Ngài những điểm hay, nhưng cũng đừng quên vị trí của mình.
Của báu trong nhà là gì? Mọi người sẵn có, luôn luôn đầy đủ, tánh tự bản nhiên, vào phàm vào thánh không đổi, không sanh không diệt, xưa nay bình đẳng, một đạo sáng suốt. Một loạt những danh từ chỉ cho của báu của chúng ta. Tất cả những gì chúng ta học đây là danh từ học hiểu. Bao giờ chúng ta sống được với của báu rồi, thì không cần nói vẫn tự sẵn đủ.
Như đã nói, bởi thật giả chưa phân, nên bao nhiêu điều vụn vặt hiện bày trước mắt.
“Nắm đông bắt tây” luống sanh phiền bực. Đáng thương! Cũng bậc vương giả, mà gặp loạn trầm luân, uổng đời trôi dạt. Vùi thân trong chỗ bùn lầy, nát phận cùng loài man mọi, mặt mũi thật xưa nay khó nhìn. Đường về quê cũ vẫn còn diệu vợi, chưa dễ một sớm một chiều mà biết được. Khổ thay ! Khổ thay!
Do chưa nhận được của báu cho nên cam phận làm người trôi dạt, trầm luân mãi mãi. Nước đã xa nguồn thì cơ hội trở lại khó lắm. Khi nào ngồi trên cầu nhìn dòng nước chảy qua, chúng ta sẽ cảm thấy ngùi ngùi trong lòng, thương mình ghê lắm. Dòng nước trôi qua rồi tan loảng, không bao giờ quay trở về nữa. Chúng ta cũng vậy, nếu không tỉnh, không nhận ra của báu, thì mình cũng bị trôi dạt thế thôi.
Chuyện Tàu kể biết bao nhiêu vị tướng giỏi, uy thế dũng mãnh nhưng đến khi sa cơ thất thế, quân thù tràn tới mãnh liệt. Sức một mà địch tới muôn quân thù, làm sao thắng được. Cũng vậy, phiền não, tật đố, lăng xăng đủ thứ chuyện, nó bao trùm dày đặc.
Nếu không có người chỉ dẫn cho mình thì đành phải trôi dạt, trầm luân. Chúng ta đã bị ngu mê để trôi dạt biết bao đời, nước đã xa nguồn. Bây giờ có cơ hội tỉnh thì rán tỉnh.
Nên nhớ dù ít hay nhiều, có tu là có tiến.
Hãy gắng lên!
MA THỨ TƯ: MA SỞ TRI
CHÁNH VĂN:
Ma này tức là lý chướng. Người tu thiền mà lý chướng chẳng trừ, thì chánh định bị nhiễu loạn, không thể nào yên ổn được. Vì sao sở tri có lỗi như thế?
Chính vì biết ta đắc ngộ, biết ta thông tông, biết ta minh giáo, biết ta hội lý, văn ta lỗi lạc, ta thấy sâu rộng, ta giữ giới nghiêm, ta được chánh định, ta có trí tuệ, ta đã chứng không, ta được tự tại, ta không còn ngại, biết ta được thông, biết ta được diệu, ta đã chứng đạo, ta được thành Phật… Tất cả cái biết đó, đều là lý chướng. Lý chướng này chẳng trừ, thì chấp pháp khó quên. Chấp pháp chưa quên, thì chân tâm chẳng hiện. Người trong Tông môn nên phải tự xét. Sớm dứt chướng này.
Giảng:
Chúng ta đã học ma phiền não. Ma này là một loại ngoại ma. Đến đây, loại ma sở tri là nội ma. Thường người tu theo đạo Phật hay bị ma sự. Ma sự có hai loại: Một là nội ma, hai là ngoại ma. Nội ma tức là những cố chấp bên trong. Ngoại ma tức là những vướng mắc bên ngoài.
Những vướng mắc bên ngoài ta không giải tỏa, không vượt qua, không khắc phục được thì bị nó đánh gục. Như thế chúng ta bị ngoại ma phá hoại, làm cho đường tu không tiến được. Nếu như chúng ta khắc phục được những ma sự bên ngoài, nhưng đến những chất chứa, những cố thủ cù cặn bên trong mà không trừ bỏ, không vượt qua được thì chúng ta lại bị một loại ma nữa. Loại này cứng đầu khó trị, tuy nhiên nó cũng từ ta mà có, không phải ở bên ngoài đến.
Người biết tu, tức người có pháp trị ma. Pháp này chính là sự tỉnh sáng và an nhiên, làm chủ được đối với tất cả hiện tượng bên ngoài, đồng thời khắc phục được những dấy động bên trong. Cách trị ở đây là, vừa có niệm dấy khởi biết nó không thật liền buông. Nếu chúng ta cho nó là thật thì sẽ lao đầu chạy theo, rồi tạo nghiệp và chịu quả báo.
Buông được vọng tưởng thì có định, ma lực bên ngoài không làm gì được chúng ta. Nếu được định thì tuệ giác phát triển. Tuệ giác phát triển thì nội ma cũng không làm gì được. Bọn ma chỉ là những niệm tưởng lăng xăng điên đảo, nó là bóng dáng của tiền trần.
Chúng dấy khởi lên bất cứ lúc nào trong mọi sinh hoạt.
Nếu làm chủ được tức là chúng ta chiến thắng giai đoạn đầu. Ma sự bên ngoài không làm gì được chúng ta. Chiến thắng ở giai đoạn này, chúng ta được an nhiên. An nhiên thì tuệ giác song song phát triển. Tuệ giác phát triển thì chúng ta biết tận nguồn của nó là không thật, là loài ma. Dù cho chúng có hiện thành Phật, Bồ-tát cũng không ăn thua, không dính dáng gì với việc của chúng ta. Do đó nội ma chúng ta cũng làm chủ được, tức là chiến thắng giai đoạn sau.
Cho nên có thể nói ngoại ma là những vướng mắc bên ngoài, nội ma là những chấp thủ bên trong. Người tu lúc nào cũng sáng suốt thấy rõ ma sự nên không để nó làm gì được mình. Một niệm dấy khởi mà không làm chủ được thì sẽ bị chúng ma kéo lôi ngược xuôi, tạo bao nhiêu hậu quả, vô vàn sinh tử không có ngày cùng. Đó là nỗi điên đảo lớn lao mà gốc gác là do chúng ta không làm chủ được.
Tỉnh giác, luôn luôn canh phòng chúng ma, đó là tu. Người lúc nào cũng tỉnh giác canh phòng các giác quan và mọi sinh hoạt của mình, đó là người đại tinh tấn. Tỉnh táo, sáng suốt, nhìn thấy rõ ràng sinh hoạt của ma, chúng ta sẽ không lầm đối với chúng nữa.
Tại sao ? Dù chưa thật chứng nhưng qua kinh nghiệm tu tập, chúng ta biết gốc gác luân hồi sanh tử là từ sơ hở, từ sự điên đảo chưa làm chủ được mình. Biết rõ ràng như vậy nên chúng ta giữ giới trang nghiêm, giữ tâm định tỉnh trong mọi thời, lúc nào chúng ta cũng tỉnh và biết một cách rõ ràng. Đó là tuệ phát sinh, tuệ đã sinh thì bóng tối lùi tan, chúng ma đâu còn chỗ nương tựa. Cho nên người đại tinh tấn là người làm chủ được mình, là người canh phòng giỏi, không bị mắc mứu bởi những cảnh duyên.
Ta làm tất cả công việc cho chúng trong đạo tràng, từ việc rửa chén, quét nhà, dâng hương, xách nước, giặt đồ, làm vệ sinh, hoặc khi nấu ăn, cuốc đất, làm vườn… Tất cả việc đều tựu trung hồi hướng cho con đường Phật đạo của chúng ta. Một là trang nghiêm đạo tràng, hai là hỗ trợ cho đồng chí đồng hạnh của mình, ba là để trui luyện thực hiện con người thực của mình.
Tại sao phải như vậy? Bởi vì có khi chúng ta coi thường các việc này, không phải là việc của mình phải làm. Giả như ở nhà thì những việc lặt vặt ấy của người khác làm, ta không cần phải làm. Nhưng trong đạo tràng thì khác, làm bất cứ việc nào cũng tu, việc làm nào cũng là Phật sự, trang nghiêm đạo tràng và tiêu dung nghiệp tập của mình. Hòa đồng vào tinh thần thể nhập. Thành ra làm việc là để tu.
Trong đạo tràng này có nhiều cơ sở và phương tiện để trui luyện tinh thần tu học của anh em chúng ta. Chúng ta nên tỉnh nhớ lời dạy của Hòa thượng, trong mọi việc làm đều phải tu. Việc nào đã được sắp đặt, được phân công thì phải gắng gỗ làm. Làm trong niệm sáng suốt, làm trong tinh thần tu tập để tăng tiến công phu, làm mà không bị nghiệp dẫn. Như thế là tu hành đắc lực. Người đó biết tu và là người đại tinh tấn.
Chúng ta đừng bao giờ nghĩ rằng lên chánh điện lạy Phật, hoặc khấu chuông, tụng kinh, ngồi thiền mới là tu. Mà trong mọi sinh hoạt chúng ta phải tu. Rửa chén mà thấy hận trong lòng là đi con đường ngạ quỷ, tức là bị ma sự trói buộc. Hoặc cuốc đất mà thấy không vui, coi như là một việc làm bắt buộc, như vậy là chúng ta làm việc trái lại với bản nguyện tu hành của mình. Tuy là hình thức người tu mà đã là quyến thuộc của ma, để rồi bị dẫn vào con đường khổ. Khi được phân công mà thấy trong lòng bất an bất ổn, tức là mình chưa biết tu. Đó là chúng ta còn nuôi dưỡng những ma mị trong lòng, để cho chúng phát triển thành nội ma.
Những loài ma quái bên ngoài trị không khó. Văn minh đến đâu thì những loài ấy rút lui đến đó. Nhưng loài ma trong tim gan, trong máu thịt của mình mới là khó trị. Đây là những vướng mắc, những cố chấp, những cù cặn bên trong mà mình chưa dám thảy ra.
Hãy thảy ra. Vì nuôi nó, chứa nó là chứa giặc, chứa phiền não để nó dẫn mình đi con đường sai lệch. Trong sinh hoạt của người tu, chúng ta sẵn sàng mạnh tay ném quách tất cả. Các Thiền sư dạy cây kiếm của chúng ta phải thật bén. Kiếm này không phải sắc thép mà là trí tuệ. Cái gì không đáng để trong đời tu của chúng ta thì phải chặt dứt, như thế mới tiến được.
Chúng ta đừng nghe nói ma mà tưởng nó là hiện hình râu tóc ghê rợn. Ma đây là sự thối chuyển, sự khiếp nhược, sự cố chấp… mình bị vướng mắc những thứ đó là ma.
Có một loại ma rất khó trừ, đó là ma sở tri tức là những chấp thủ bên trong. Ma này thuộc về lý chướng. Người tu thiền mà lý chướng chẳng trừ, thì chánh định bị nhiễu loạn, không thể nào yên ổn được. Vì sao sở tri có lỗi như thế?
Chính vì biết ta đắc ngộ, biết ta thông tông, biết ta minh giáo, biết ta hội lý, văn ta lỗi lạc, ta thấy sâu rộng, ta giữ giới nghiêm, ta được chánh định, ta có trí tuệ, ta đã chứng không, ta được tự tại, ta không còn ngại, biết ta được thông, biết ta được diệu, ta đã chứng đạo, ta được thành Phật… Tất cả cái biết đó, đều là lý chướng. Lý chướng này chẳng trừ, thì chấp pháp khó quên. Chấp pháp chưa quên, thì chân tâm chẳng hiện. Người trong Tông môn, nên phải tự xét. Sớm dứt chướng này.
Chướng này còn có tên là chấp pháp, tức là chấp bên trong.
Biết ta đắc ngộ, nhưng đắc ngộ cái gì? Mình là người bỏ quên của báu đi hoang, đói khổ lâu đời, bây giờ được duyên nhận lại của báu cũ, thêm thắc gì đâu mà gọi là đắc ngộ? Biết ta thông tông, tức là thông được thiền, thông đạo lý. Biết ta minh giáo, tức là mình đã nhận, sáng được giáo lý. Biết ta hội lý, văn ta lỗi lạc, ta thấy sâu rộng, ta giữ giới nghiêm.
Ví dụ mình cho rằng ta giữ giới trang nghiêm, rồi thấy người khác không ra gì thì xem thường, đó là một chướng ngại lớn lao trên đường tu. Trong việc tu, giữ giới nghiêm là việc của mình, còn nghiệp tập của người khác, họ gây nhân thì họ sẽ bị quả báo. Chỉ khi nào đồng đạo tràng, sống chung trong một qui chế, chúng ta mới nhắc nhở hỗ trợ nhau. Không phải tu có chút thanh tịnh, có đạo lý, rồi thấy lỗi ông này, bà nọ. Đó là loại ngã kiến làm trở ngại cho đời tu và Phật sự của chúng ta.
Học tới đây ta thấy cách dạy của Lục Tổ Huệ Năng rất là hay. Tự thấy lỗi mình, xét lại xem mình có lỗi nhiều hay ít để tự trị. Còn thấy lỗi của người, thì lỗi quấy đó đã thuộc về mình. Ngài dạy một cách thiết thực như vậy.
Nhưng chúng ta là những người đồng hội đồng thuyền, trong qui chế chúng ta có pháp thỉnh nguyện. Pháp này là ta thỉnh cầu người khác chỉ cho khuyết điểm của mình, rồi nguyện sửa đổi. Nếu chúng ta chưa đủ tỉnh, thấy lỗi lầm của mình để sám hối, thì xin người khác chỉ cho để sám hối chừa bỏ. Ý nghĩa của việc thỉnh nguyện không phải cố ý chỉ lỗi của huynh đệ mà chủ yếu là hỗ trợ, giúp đỡ nhau cùng tiến tu. Cho nên người yêu cầu thì ta sẵn sàng chỉ lỗi với thiện chí của cả đôi bên. Chỉ với tâm chân thật không có sự tị hiềm hay bất cứ một vấn đề gì khác, như vậy thì tốt.
Có những lỗi chúng ta biết nhưng vẫn cứ làm. Mình không dám đối diện, tìm phương cách trị nó. Giả như có huynh đệ nào thương, thấy mình làm không đúng với quy chế thì họ khuyên nhắc. Thành ra tinh thần thỉnh nguyện rất đẹp. Tôi chỉ cho anh những lỗi lầm, anh vui vẻ nhận và cố gắng khắc phục, rồi lại cám ơn tôi. Đối với những lỗi lầm của tôi, anh hỗ trợ giúp cho tôi chuyển hóa, khắc phục. Chúng ta cùng phấn chấn, cùng tiến tu. Như thế thì còn gì đẹp bằng.
Tinh thần đó mà được phát huy thì cuộc sống mới có ý nghĩa. Chúng ta từ bốn phương, không phải máu xương ruột thịt gì, nhưng trong đạo tình cốt nhục Linh Sơn, cùng sống chung, cùng hỗ trợ nhau để tăng tiến thì cuộc sống mới có ý nghĩa, có lợi. Nếu không như vậy mà mỗi ngày phải đọc qui chế thì cũng giống như con trâu mang cái ách quá nặng.
Thành ra nói chướng là những trở ngại trên đường tu, làm nhiễu loạn định tâm của mình. Nếu định đã bị nhiễu loạn thì làm sao có tuệ. Định tuệ không rời nhau, một trong hai thiếu thì cái còn lại cũng không. Thành ra nói ta được chánh định, ta có trí tuệ, ta đã chứng không, ta được tự tại… Tất cả những cái đó đều là chướng ngại. Vì trong lòng chưa yên nên mình còn tơ tưởng, còn vướng mắc toan tính những việc đó. Chúng ta chưa dứt khoát dành trọn vẹn sinh lực cho việc tu hành giác ngộ giải thoát của mình. Nghiệm lại, chúng ta thấy mình còn rất nhiều chướng ngại.
Nên người tu hành tinh tấn, thành công là người làm chủ mình, chớ không có gì lạ.
Người này cắt đứt hết dây mơ rễ má của các kiến chấp sở tri, an nhiên tự tại. Có những trở ngại nào liền giải tỏa ngay. Người tu hành nếu không tỉnh, không nhìn lại mình, cứ để thời gian trôi suông ngày qua ngày, tức là đã đánh mất mình. Đánh mất mình thì bị trôi lăn trong sanh tử, biết chừng nào ra khỏi.
Chú:
Vừa quay lưng với gia cảnh lại nắm bắt nội tâm, cứ như thế mà chạy mà tìm, thật là một trường ảo mộng ! Si mê lui, phiền não dứt, ma sở tri này thuộc pháp chấp nên khó đoạn. Hàng Bồ-tát đến Đệ Thập Nhất địa, vẫn còn chút sở tri ngu. Với loại ma này, hành giả phải dày công, chân trí đã phát triển, lại luôn luôn nhắm thẳng Phật đạo mà tiến, dần dần hàng phục nó.
Tóm lại, biên cương ma Phật không thật có, còn thấy có hai, còn chấp thế này, thế nọ là ma. Phá vỡ các cái thấy biết hai bên thiên lệch có không đó, tiến thẳng vào cảnh vức Đệ Nhất Nghĩa Không, tức Như Lai địa bất sanh bất diệt. Khi này, cả hai danh từ Phật ma không chỗ lập cước, không còn bóng dáng pháp hay phi pháp, tất cả quét sạch, là chỗ “không pháp có thể tu, không Phật có thể thành.” Chỗ này tối kỵ lý thuyết suông, phải buông thân mạng, nỗ lực hành trì, mới có chút phần tương ưng. Cố gắng! Cố gắng!
Hình ảnh và lời cả quyết của bậc Đại sĩ dưới cội Bồ-đề năm xưa như còn đồng vọng: “Nếu không đạt đạo dù thân này nát thành tro bụi, ta quyết chẳng rời chỗ ngồi này”.
Dũng mãnh, tinh tấn vô biên! Lời cả quyết của đấng cha lành ba cõi. Từ bi trí tuệ vô tận! Lời cả quyết của bậc Đạo sư muôn loài. Lời cả quyết của Người, gông cùm ba cõi tiêu tan. Ánh tuệ nhật chiếu rạng, quét sạch mọi mê mờ cho chúng sanh.
Chúng con, những chúng sanh bất hạnh! Chỉ nương chút âm vang diệu vợi của Người. Đau đớn, cố gắng, nguyền xếp mình làm tròn di huấn muôn thuở. Cúi mong!
Vừa quay lưng với gia cảnh lại nắm bắt nội tâm, cứ như thế mà chạy mà tìm, thật là một trường ảo mộng! Đây là lời chú, mình vừa quay lưng với giả cảnh thì nắm bắt nội tâm.
Quay lưng là sao? Mình có duyên gặp Phật pháp, cắt bỏ những ràng buộc thế gian vào đạo. Như vậy tưởng là ổn rồi nhưng không ngờ tới đây, mình bị những phần bên trong buộc ràng còn chướng hơn bên ngoài nữa. Nếu người tu không thấy chỗ đó, cứ như thế mà chạy tìm, lây quây mãi thì chỉ là trò đùa mộng ảo mà thôi. Bỏ việc đời thì mắc việc trong đạo, lăng xăng, lẩn quẩn. Ngoài đời là mộng ảo, trong đạo cũng là ảo mộng, đâu có gì thật.
Si mê lui, phiền não dứt. Ma sở tri này thuộc pháp chấp nên khó đoạn. Tức là khi đến một mức độ tương đối tuy nhiên còn những nội chấp, bên trong cho rằng mình đã được thế này thế nọ, đó cũng là những trở ngại.
Hàng Bồ-tát đến đệ thập nhất địa, vẫn còn chút sở tri ngu. Với loại ma này, hành giả phải dày công, chân trí đã phát triển, lại luôn luôn nhắm thẳng Phật đạo mà tiến, dần dần hàng phục nó. Tức là nói tu hành theo con đường Bồ-tát đạo thì có mười bậc từ Sơ hoan hỷ địa cho đến bậc thứ mười là Pháp Vân địa. Qua bậc thứ mười một là Đẳng giác.
Tuy nhiên đến bậc này thì có những vi tế lăng xăng của vô minh của chấp thủ, chưa hoàn toàn.
Chúng ta là phàm phu ở ngoài vòng Thập địa Bồ-tát, cho nên biết những điên đảo, lăng xăng, chấp trước của chúng ta nhiều cở nào? Nhiều không tính kể hết. Tuy nhiên chúng ta cũng không phải là người khuất phục, khiếp nhược. Là Thiền tăng, mình biết tất cả những thứ đó không thật. Khi biết nó không thật thì ta phải thể hiện được cái chân thật, cái tâm của mình.
Nhà thiền nói nhận ra được Phật chất, hằng sống với tánh giác là người luôn tỉnh sáng, con đường tu hành được bảo đảm. Cho nên có ai hỏi chúng ta đảm bảo dứt được luân hồi sanh tử không? Mình sẽ quả quyết dứt được. Dứt kiểu nào? Một niệm dấy khởi không theo, thì không bị nó kéo đi. Chúng ta tu được như vậy thì đảm bảo cắt đứt được vòng luân hồi.
Nếu không làm chủ được thì ngày qua ngày mình giống như người đếm của báu cho người, như kẻ làm ngân hàng. Một ngày đếm không biết bao nhiêu tiền nhưng đều là của người ta. Đếm xong mìnhvẫn hoàn tay không. Chúng ta là người tu thiền, quyết không để cho đời mình luống uổng như vậy. Mỗi ngày trong từng phút giây, lúc nào chúng ta cũng làm chủ được, giữ được thế tự giác tự tỉnh cho mình.
Với loài ma này, hành giả phải dày công, chân trí đã phát triển, lại luôn luôn nhắm thẳng Phật đạo mà tiến, dần dần hàng phục nó. Tóm lại, biên cương ma Phật không thật có, còn thấy có hai, còn chấp thế này, thế nọ là ma. Phá vỡ các thấy biết hai bên thiên lệch có không đó, tiến thẳng vào cảnh vức Đệ Nhất Nghĩa Không, tức Như Lai địa bất sanh bất diệt. Khi này, cả hai danh từ Phật ma không thể lập cước, không còn bóng dáng pháp hay phi pháp, tất cả quét sạch, là chỗ “không pháp có thể tu, không Phật có thể thành”. Chỗ này tối kỵ lý thuyết suông, phải buông thân mạng, nỗ lực hành trì, mới chút phần tương ưng. Cố gắng, cố gắng!
Tóm lại biên cương ma Phật không thật có, còn chấp là ma, buông được là Phật, nhảy thẳng vào đất Như Lai an ổn địa của chính mình. Chỗ này không thể nói suông được. Chúng ta phải cố gắng hành trì.
Hình ảnh và lời cả quyết của bậc Đại sĩ dưới cội Bồ-đề năm xưa như còn đồng vọng: “Nếu không đạt đạo dù thân này nát thành tro bụi, ta quyết chẳng rời chỗ ngồi này”.
Lời cả quyết của Bồ-tát Sĩ Đạt Đa sau khi bỏ thành xuất gia, tu hành khổ hạnh, trải qua quá trình tu học ấy, nhưng cuối cùng Ngài thấy chưa viên mãn. Ngài lần tới cội Bồ-đề, trải cỏ làm tòa ngồi, ngồi vững vàng và phát nguyện với lời cả quyết: “Nếu không đạt được đạo quả Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác, dù thịt nát xương tan ta quyết không rời khỏi chỗ này. Bởi sự cả quyết phi thường như vậy nên Ngài chiến thắng ma quân, thành đạo sau bốn mươi chín ngày đêm quyết tử.
Điều này khiến chúng ta nhớ lại một đoạn nhân duyên, Ngài và Bồ-tát Cầu Danh cùng xuất gia một lượt. Nhưng Bồ-tát Di Lặc xuất gia rồi thì liên hệ các nhà quyền quý, thế lực, cúng kính lợi dưỡng, việc tu hành chểnh mãng. Còn Ngài siêng năng liên tục cả quyết cho nên Ngài thành đạo sớm. Phật đã thành đạo nhưng ngài Di Lặc chưa rồi việc.
Rõ ràng người tu hành siêng năng liên tục, tinh tiến liên tục thì sẽ sớm thành đạo quả.
Dũng mãnh, tinh tấn vô biên! Lời cả quyết của Đấng cha lành ba cõi. Từ bi trí tuệ vô tận! Lời cả quyết của bậc Đạo sư muôn loài. Lời cả quyết của Người, gông cùm ba cõi tiêu tan. Ánh tuệ nhật chiếu rạng, quét sạch mọi mê mờ cho chúng sanh. Chúng con, những chúng sanh bất hạnh! Chỉ nương chút âm thanh diệu vợi của Người. Đau đớn, cố gắng, nguyền xếp mình làm tròn di huấn muôn thuở. Cuối mong! Đây là lời cuối của đoạn chú này.
Chúng ta là những chúng sanh cách Phật quá xa. Tính theo thời gian cụ thể thì năm này là 2543 năm rồi, thời gian quá xa nên tôi nói mình là những chúng sanh bất hạnh.
Chỉ nương chút âm vang diệu vợi của Người, nghĩa là chúng ta chỉ được học, được nghe những gì của Người để lại thôi. Đau đớn cho phận mình, trầm luân sanh tử cho tới bây giờ mà chưa giác ngộ. Cố gắng, nguyền xếp mình làm tròn di huấn. Mình là người trong tông môn, là con cháu của Ngài rồi thì phải cố gắng tu hành để được hết khổ.
Tóm lại đối với những sự chướng bên ngoài chúng ta đã trừ được thì đến sự chướng ngại bên trong cũng phải cố gắng trừ luôn. Tự thấy mình được cái này cái nọ, cũng là chướng. Cho nên người tu thiền, đối với những trở ngại bên ngoài, những chấp thủ bên trong, chúng ta đều phải tiêu dung, đều phải hóa giải mới yên lòng mà tiến đến nơi đến chốn.
MA THỨ NĂM: MA TÀ KIẾN
CHÁNH VĂN:
Ma này thường gọi là chấp chướng. Người tu thiền định nếu muốn khỏi rơi vào định tà, thì phải dứt tà kiến. Vì sao tà kiến làm mất chánh định như thế?
Bởi các cố chấp như: Chấp tánh chẳng hoại, gọi là chấp có. Chấp tánh vốn không, gọi là chấp không. Chấp vốn bất tử, gọi là chấp thường. Chấp theo hơi hám diệt, gọi là chấp đoạn. Chấp không sanh ra có, là kiến chấp thuộc tự nhiên. Chấp khí hóa ra hình, là thuộc chấp tà nhân… Như thế gồm các loại cố chấp chẳng có, chẳng không, tức có, tức không và tất cả tà chấp, tà kiến, nhân duyên, tự nhiên, đều chẳng rời hai đầu có không đoạn thường, tự chướng bản lý, dần dần sa vào các ngỏ tẽ.
Những người tu thiền phải nên cảnh giác, và nhận định cho chính xác, xa lìa các kiến chấp kể trên.
Giảng:
Đây là nói những kiến chấp. Theo tinh thần đạo Phật, dù tu pháp môn nào, mà tu tới đâu chấp tới đó, tức là tà đạo. Ví dụ ở trong Thiền viện này, có vị tu làm chủ được thân tâm, buổi chiều không ăn uống gì hết mà vẫn an nhiên khỏe mạnh, rồi chấp cho đó là chân lý, như vậy là tà. Tóm lại, tà kiến, tà chấp là những căn bệnh thâm căn cố đế.
Người tu hành phải trị nó, không để nó tồn tại trong công phu tu hành của mình. Nếu không giải trừ thì chúng ta không thể tiến được.
Bởi tâm thể rỗng rang sáng suốt, không dung một chút tì vết nào cả. Cho nên những gì khởi lên trong đó đều không phải thật. Khi nói gương sáng thì mặt gương đó phải không lưu bất cứ tì vết nào, mới sáng được. Nếu có hình bóng nào vướng lại, dính khằn trên đó thì mặt gương bị che khuất, không còn sáng nữa. Mặt gương đó bây giờ giống như bị thợ sơn phết cho một lớp sơn xanh vàng đỏ trắng… Cho nên nói mặt gương sáng là mặt gương phải sáng loáng, không còn tì vết nào cả.
Tâm thể chúng ta cũng vậy, rỗng rang sáng suốt, trùm khắp xưa nay. Trong đó không dung một chút hình ảnh nào. Giả dụ như chúng ta tu được Tứ thiền Bát định mà ngay đó không buông, không tiến hơn nữa thì Tứ thiền Bát định cũng thành trở ngại, chưa phải là chỗ cứu kính viên mãn của người tu cần phải đạt đến.
Ở đây nói những thứ chấp: Chấp tánh chẳng hoại, gọi là chấp có. Nghĩa là chấp có các sự vật còn hoài không mất, đó gọi là chấp có. Chấp tánh vốn không, gọi là chấp không. Điều này chúng ta dễ lầm lắm. Như nói tánh các pháp là không, nếu nghe như vậy mà cho không có gì cả thì trật. Các Thiền sư nói chúng ta tu hành mà không đả thông được những kiến chấp, thì khác nào con cẩu gặp vật gì cũng ngửi, cũng liếm… Các Ngài nói hơi thô nhưng đúng căn bệnh ngàn đời cũng chúng ta.
Pháp trần nào, cảnh duyên nào, sự kiện gì bên ngoài đến, chúng ta cũng đều bị thu hút, dính mắc. Không nhất thiết là cảnh duyên tốt mà luôn cả những cảnh duyên xấu, chưa đúng với tinh thần đạo pháp, chúng ta cũng dính mắc. Người ta nói xấu mình cũng tức lên, người ta chọc giận mình cũng giận lên, người ta rủ rê tầm bậy tầm bạ mình cũng làm theo… Tất cả những thứ đó là việc không tốt, lẽ ra chúng ta phải vất đi, đằng này chúng ta chiếu cố nó còn nhiều hơn cái tốt nữa. Bởi vì khi có người làm trái ý, mình liền khởi bực bội. Rõ ràng mình gần thói xấu nhiều hơn tánh tốt, đó là một căn bệnh phổ thông.
Chúng ta cứ thâu lượm hết để vào gánh của mình. Gánh không nổi, gục giữa đường mà gặp cái gì cũng chất vô hết. Nếu có trí tuệ thì lẽ ra chúng ta chỉ thâu lượm vàng ngọc thôi. Cho nên càng nghiệm càng thấy mình dở. Có những cái thật tệ mà chúng ta lại chiếu cố nhiều hơn những cái tốt. Những thói quen nho nhỏ thôi nhưng có khi mình bỏ không được. Nhà Phật gọi là chủng tử. Tập khí bắt nguồn từ những thói quen đó.
Ví dụ mình không hút thuốc nhưng gần nhà có người hút thuốc, khói thuốc đó bay lan sang nhà mình. Bình thường mình không chấp nhận, nhưng sớm nào nó cũng bay ngang lỗ mũi, ngửi quen thấy cũng được. Thế là mình bắt đầu ngồi đợi khói thuốc bay lạc tới. Dần dần mình hút thử với lượng nhỏ, sau lên lượng lớn, rồi lâu ngày thành ghiền.
Vậy là nghiệp từ mình chứ không từ ai. Từ dấy niệm về làn khói bay lạc ngang, mà không chịu tỉnh thức, không làm chủ, để nó dẫn đi hồi nào không hay.
Nếu chúng ta quyết tâm, tự đặt cho mình mục đích chính yếu của đời tu, thì nhất định phải tế tâm gìn giữ. Có những trường hợp thách thức làm cho mình bị bức xúc. Nếu không tỉnh, không kiên định thì chúng ta sẽ dễ bị ngoại cảnh lay chuyển, rồi từ đó tạo nghiệp.
Về việc tu hành, thật ra chúng ta chỉ nói trên tổng thể thôi, chứ mỗi người đều có nghiệp riêng, chủng tử riêng. Nghiệp này nhiều vô lượng vô biên, chúng ta không thể dò biết được. Không ai có thể biết được ham thích của ai, hà huống là những thứ đó mình thường dấu diếm, thường che đậy.
Đối với đời sống của các bậc thánh thiện thì những điều đó giải phăng ra hết. Bởi giải phăng ra hết nên các Tổ nói nó không thật, là đồ bỏ. Chúng ta còn phàm phu chưa thể bỏ một cái rụp những thứ ấy, nên những gì xúc phạm đến thân này, danh dự này, cá nhân này thì mình có những buồn vui, hờn tủi. Đây chính là trở ngại, làm che chướng con đường tiến đạo của chúng ta. Vì vậy người quyết tâm tu cần phải khai thông, để những thứ buồn vui, tức giận, che chướng, ham thích… không còn làm gì được mình nữa.
Trong công phu tu hành, rất kỵ để bế tắc. Cần phải khai thông tất cả. Bế tắc như thế nào ? Đạo lý chưa sáng mà những nghiệp tập, cứ tác động hoài, chúng ta không giải quyết được, thì việc tu rất dễ thối thất. Kiểm nghiệm lại, biết nghiệp tập nhiều, chúng ta quyết làm chủ nó. Đứa nào nổi lên, mình nắm lấy buông nó xuống. Gặp đứa cứng đầu thì ta trừng mắt rầy quở nó: ta biết mi không thật, hãy đi. Người có trí tuệ khi đối diện với nó, biết nó không thật thì không có gì xảy ra, bình an. Nếu chúng ta không đả thông được thì chúng sẽ gây trở ngại cho việc tu hành của chúng ta.
Ai cũng biết cuộc đời là vô thường. Vô thường nhanh chóng, sự hiện diện của mình trong cuộc đời này rất mong manh, vậy mà chúng ta cứ dính mắc liên tục. Mọi sự sắp đặt của mình là trăm năm ngàn năm. Một câu nói không tốt, không đáng, mình lại âm thầm gìn giữ, cả đời chưa quên được. Chúng ta nên suy nghĩ đến chỗ này. Nếu chúng ta cứ ôm giữ như thế thì núi non nào mà chứa cho hết. Bởi vậy Phật nói cái chấp của chúng ta cao như núi, sâu như biển, rậm như rừng là vậy. Người tu thiền phải vận dụng toàn tỉnh giác của chính mình để trị những tâm bệnh đó của chúng ta.
Trong Pháp Bảo Đàn, Lục Tổ đã nói đi nói lại rất nhiều lần, xác minh tâm thể chân thật không nhiễm không tịnh, không trước không sau, không trên không dưới… hoàn toàn rỗng rang. Với chúng ta thì có núi sông nhà cửa, có ta có người, có đất đai ruộng vườn, có sự nghiệp tài sản… Bây giờ phải tháo bỏ thì thật là khó, chứ không đơn giản chút nào.
Từ đó chúng ta thông cảm thương yêu và đùm bộc nhau. Như khi mình mắc một chứng bệnh ngặt, mà hay người huynh đệ cũng mắc phải bệnh đó thì mình liền phát tâm thương yêu giúp đỡ, giải trừ những bệnh tật đó. Được vậy, cuộc sống của chúng ta tốt đẹp biết là bao nhiêu.
Trong việc tu hành, nếu chúng ta tu tiến, được lợi lạc thì rất tốt đẹp. Nhưng nếu như huynh đệ chúng ta chưa hoàn toàn bỏ được những điểm khuyết dở thì chúng ta cũng hết lòng thương yêu đùm bộc nhau. Khi thấy rõ được bệnh của mình thì nên cảm thông với bệnh của người. Chúng ta cùng giúp nhau tu hành đến nơi đến chốn. Đây là điều tốt đẹp cho tập thể, là điều mà tập thể cần xây dựng. Trên đường Phật đạo, chúng ta nguyện cùng với các đồng chí đồng hạnh sẽ là quyến thuộc hổ trợ nhau tu hành cho đến ngày viên mãn.
Con đường Phật đạo không thể tính ngày, không thể đếm kể tất cả những khó khăn khốn khó. Chúng ta phải là người đầy đủ từ bi trí lực, mới có thể thành tựu được. Còn một chút kiến chấp là còn trở ngại. Ở đây nói chấp có, chấp không, chấp bất tử, chấp thường, chấp diệt, chấp đoạn, chấp tự nhiên… Tóm lại những cái lầm chấp, chúng ta lượm lặt ôm giữ cố thủ, bảo vệ từ lâu nay. Bây giờ chúng ta dám nhận diện từng cái và thảy ra. Như thế chúng ta mới là con người kiến đạo, sống được với tánh giác. Nhờ thế công phu tích cực và thành tựu đại nguyện tu hành của mình, hoàn toàn làm chủ được đối với các cảnh duyên.
Trong kinh Lăng Nghiêm, Phật hỏi A-nan: “Nhân duyên nào mà ông xuất gia?”
Ngài trả lời chân thật: “Con thấy tướng hảo của đức Thế Tôn, con thích nên phát tâm xuất gia”. Phật hỏi tiếp: “Ông lấy gì để thấy và lấy gì để thích tướng ấy?”. A-nan thưa: “Con dùng mắt thấy, dùng tâm để thích tướng hảo của Như Lai”. Đây là vấn đề cốt lõi được nêu lên.
Trong đoạn thất xứ trưng tâm, tức là bảy chỗ hỏi tâm, Ngài nói năm lần bảy lượt đều bị Phật phủ nhận. Đến cuối cùng các chấp thủ bị bào mòn hết, đức Phật mới chỉ tâm là cái gì? Phật dùng ví dụ đưa tay lên, hỏi A-nan thấy không? - Thấy. Thấy cái gì? - Thấy nắm tay. Phật bỏ tay xuống, hỏi A-nan thấy không? - Không thấy. Phật quở: - Nếu ông không thấy thì làm sao biết không có cánh tay.
Cánh tay khi đưa lên, khi không đưa lên, tướng này có thay đổi nhưng cái thấy lúc nào cũng hằng hữu. Từ đó chúng ta xoay về nhận lại cái chân thật hằng hữu của mình. Đó là tánh giác hiển hiện qua các giác quan. Cuối cùng, Phật chỉ ngài A-nan từ xưa đến nay mười phương chư Phật ra đời đều chỉ cái này. Cái này là cái mà ông thành Phật, thành Tổ.
Nếu lầm chấp cái này thì ông thì nhiều kiếp trầm luân trong sanh tử vậy.
Nếu các giác quan thấy nghe hiểu biết mà không chạy theo trần cảnh thì, thấy nghe hiểu biết là thấy nghe hiểu biết của Phật. Còn thấy nghe hiểu biết mà đắm trước vướng mắc trần cảnh thì thấy nghe hiểu biết là thấy nghe hiểu biết của phàm phu mê lầm.
Kinh điển đại thừa cùng với tinh thần thiền tông của các Tổ không hai không khác, đều dạy xoay lại các giác quan của mình mà nhận ra cái chân thật hằng hữu.
Ngay các giác quan mà chúng ta nhận và quay về với mình thì an lạc. Ngược lại, nếu lao ra ngoài thì mênh mông khổ đau. Trong mọi sinh hoạt hằng ngày, nếu chấp thủ thì chúng ta không giải thoát. Nhận được ý này là nhận được lời dạy chí thiết của Tổ sư.
Người xưa nói: Đừng ỷ ông là người trì giới mà khinh người phá giới. Nếu chấp cho mình như vầy như kia là người lầm chấp. Làm sao trong sinh hoạt hằng ngày, chúng ta là người buông được các cảnh duyên, các dấy niệm một cách triệt để, đó là giải thoát, là dứt sạch gốc mê lầm.
Muốn buông được thì phải có trí tuệ, thiếu trí tuệ không buông được gì cả. Chúng ta không dễ dàng chấp nhận các cảnh duyên mà phải sáng suốt nhận được cái nào thật cái nào giả. Giống như con ngỗng chúa, biết uống sữa chừa nước lại. Sống giữa trần gian này cũng vậy, cái nào đáng bỏ, cái nào không đáng bỏ, chúng ta cần phải biết rõ. Như vậy mới không lầm và đánh mất của báu nhà mình. Bảo vệ gương sáng thì đừng để cho nó có bụi, đừng để bị vết trầy trên gương thì gương mới hoàn toàn trong sáng được.
Việc tu hành hằng ngày của chúng ta cũng như vậy. Đã là thiền sinh nhiều năm trong viện, người mới tập sự vào viện, chúng ta đều ý thức việc tu hành của mình phải có một nội dung. Ngay trong sinh hoạt mà chúng ta sống được với đạo thì dù ở một năm hai năm, một tháng hai tháng trong viện cũng rất lợi ích. Chúng ta sống với nhau bằng đạo lý, bằng thâm tình Linh Sơn cốt nhục. Cốt nhục ở đây không có như hình thức của thế gian, mà là tất cả chúng sanh đều có chủng tánh Phật, đều sẽ thành Phật nên gọi là cốt nhục.
Tinh thần tu học chủ yếu của Thiền viện là buông bỏ. Hòa thượng dạy tất cả đều do duyên hợp huyễn hóa, không thật. Cảnh không thật, thân không thật, tâm không thật.
Đó là đề án công phu, chúng ta nên xét tới xét lui thì việc dụng công phu mới đắc lực.
Tóm lại chúng ta phải chuẩn bị làm sao để mình buông được, làm sao làm chủ được các cảnh duyên, đừng chấp thủ, tâm bình thường an vui. Trong nhà thiền có câu “Bình thường tâm thị đạo”, nghĩa là tâm bình thường là đạo. Chúng ta hằng sống với tâm bình thường thì đạo lý mới thể hiện.
Chú:
Còn thấy hai, còn vọng tưởng, muốn dứt vọng, chớ thấy hai. Muốn đến chỗ chẳng thấy hai, chỉ một phen “Biết vọng liền buông” là được. Buông hết, bố thí sạch, tức thì yên ổn. Người xưa nói “Tìm tâm chẳng được”. Chỉ câu “Tìm chẳng được” này là chỗ dứt bặt sạch hết, chẳng còn gì để mò bắt. Thế nên, liền khi đó được xác minh, một cách tỏ rõ rằng: “Ta đã an tâm cho ông rồi”. Thật là một thủ thuật giản dị lạ thường chưa từng có, là phương pháp không phương pháp, không để dấu vết, là Không tam-muội. Chỗ độc đáo này chỉ thầy trò tương đắc, người ngoài không chỗ dùi mài.
Tuy nhiên, cửa cam lồ đã mở, lòng từ bi của Phật Tổ tràn khắp nơi nơi. Chúng ta phải tự nỗ lực, không việc gì ngoài mình, đừng chạy lăng xăng vô ích. Người tu hành không điều được tâm cứ để buông lung, ruổi theo cảnh ngoài, sẽ vướng các chấp hoặc có, hoặc không, hoặc đoạn, hoặc thường… Xa dần chánh đạo, bản lý bị chướng.
Bản lý tức là pháp môn không hai, cũng chính là Trung đạo Đệ Nhất Nghĩa Không. Bản lý đã không sáng, tức nhiên các lối tẽ hiện bày, và như thế hành giả này lạc vào đường tà bị tà ma ốp. Thân tu đạo chánh, tâm đã theo tà. Miệng nói việc tà, dự trước đoán sau, lấy làm kế sống. Lâu dần tà lực mất, hành giả tự mất thăng bằng, hiện thân mang họa, cuối cùng bị đọa đường ác.
Thế nên, các thiền giả phải thận trọng từng bước, chớ vọng cầu, phải triệt hạ hoàn toàn cơ sở chấp ngã. Đồng thời, mạnh mẽ siêng năng áp dụng công phu, quyết một đời xô ngã núi si mê, phá tan thành trì ngã chấp. Nên nhớ!
“Nam nhi tự hữu xung thiên chí…”
Vừa nói gì? Chớ chạy loạn.
… Nói đập là dùng trí tuệ phá vỡ manh mún, để cuối cùng thấy các pháp không là gì cho mình phải chạy theo, phải vướng. Người tu chúng ta nhất là tu thiền, phải là người có trí tuệ. Chúng ta vận dụng và áp dụng liên tục trí tuệ ấy trong mọi sinh hoạt. Lực này mạnh rồi thì tất cả các chấp thủ mới tiêu mòn được. Chấp có, chấp không, chấp thường, chấp đoạn, chấp tốt, chấp xấu, chấp ta, chấp người… Vô vàn. Cái nào mình cũng chấp được hết. Người có nhiều mặc cảm, thì chính những mặc cảm đó dày vò, không cho họ tiến nổi. Bởi vì, chẳng qua nó cũng là một dạng cố chấp thôi, chứ có gì lạ.
… Người tu hành không điều được tâm cứ để buông lung, thì sẽ xa dần chánh đạo, bản lý bị chướng. Bản lý tức là pháp môn không hai, cũng chính là Trung đạo Đệ Nhất Nghĩa Không. Bản lý không sáng, tất nhiên các lối tẽ hiện bày, và như thế hành giả này lạc vào đường tà, bị tà ma ốp. Tức người tu hành mà không đi đường ngay lối thẳng lại theo ngõ tẽ đường tà, thì sẽ bị tà ma ốp.
Thân tu đạo chánh, tâm đã theo tà. Miệng nói việc tà, dự trước đoán sau, lấy làm kế sống. Lâu dần tà lực mất, hành giả tự mất thăng bằng, hiện thân mang họa, cuối cùng bị đọa đường ác. Chỗ này rất thấm thiết, từ tâm niệm tu hành mà không nhận được nội dung, chấp nhận và sống theo hình thức bên ngoài là nguyên nhân dẫn hành giả ri vào đường tà. Chính sự hời hợt không nhận ra nội dung, bị hình thức lôi dẫn nên tà ma ốp.
Đến lúc các hình thức không còn tác động được nữa, thì kẻ ấy hoàn toàn bị hãm vào chỗ tà ma quỷ mị.
Tóm lại chúng ta là người tu, biết được nội dung, phát huy được tâm nguyện, luôn sống được với tánh giác, buông được những mê lầm, chấp trước, không vướng kẹt những ngõ tẽ đường tà, thì đảm bảo người đó đi đến nơi về đến chốn.
Chúng ta tu là để làm Phật. Có một vị quan đến thăm viện của ngài Lâm Tế. Khi đi tham quan, ông thấy chư tăng người ngồi thiền, người nằm ngủ. Ông hỏi Tổ Lâm Tế:
“Ở đây Ngài có dạy đệ tử tụng kinh không? - Không. Có dạy ngồi thiền không? - Không.
Vị quan ngạc nhiên: Tu hành mà không dạy tụng kinh, không dạy ngồi thiền thì Ngài dạy làm gì? Ngài đáp: Ta chỉ dạy làm Phật làm Tổ. Đây là cách dạy siêu xuất của người xưa.
Bản án vô thường đối với chúng ta không có luật sư nào để bào chữa. Mọi thứ chung quanh đều là huyễn duyên giả hợp. Nhận định như vậy thì trong cuộc sống hằng ngày các huynh đệ cố gắng siêng năng. Trong kinh nói cần tu như “cứu lửa cháy đầu”. Ai biết mình từ đây cho tới về sau không có tai nạn gì… Nói như vậy không có nghĩa là chúng ta bi quan. Đó là một lẽ thực để chứng minh thân này không thật, cảnh giới chung quanh đều không thật. Nó đổi thay một cách nhanh chóng vô thường.
Đã biết tất cả đều không thật thì chẳng có gì đáng để cho chúng ta quan tâm, nắm giữ. Chúng ta là người khôn ngoan, muốn cho trên đường dài không bị gục ngã, thì phải buông bỏ gánh nặng của mình. Dù cho vật gì cũng phải thảy ra, thảy được thì nhẹ. Cho đến sinh mệnh của mình cũng phải buông bỏ nữa thì mới đạt đạo. Nghĩa là chúng ta phải phá dẹp sạch hết các thứ tà kiến, tà chấp thì mới nói đến chuyện sinh mệnh thật sự của mình được.
MA THỨ SÁU: MA VỌNG TƯỞNG
CHÁNH VĂN:
Ma vọng tưởng này là tự chướng. Tự chướng chẳng không, thì dòng sanh diệt tiếp nối. Điên đảo tán loạn, che chướng bản tâm, do đó người tham thiền cần lưu tâm nhiều ở điểm này. Nay xin đưa ra một vài vọng chướng tiêu biểu để trình bày, như:
- Vọng tưởng ta ngộ đạo.
- Vọng tưởng ta tu chứng.
- Vọng tưởng ta được định.
- Vọng tưởng ta phát tuệ.
- Vọng tưởng ta biết nhiều.
- Vọng tưởng ta giỏi văn.
- Vọng tưởng ta có danh hiển đạt.
- Vọng tưởng nhiều người cung phụng ta.
- Vọng tưởng ta làm thầy thiên hạ.
- Vọng tưởng nhiều người quy hướng ta.
- Vọng tưởng ta tiếp nối Tổ đăng.
- Vọng tưởng ta sẽ làm Trụ trì.
- Vọng tưởng ta hóa đạo.
- Vọng tưởng ta truyền lục.
- Vọng tưởng nhiều người nối dõi ta.
- Vọng tưởng ta sẽ được nhập tạng.
- Vọng tưởng ta có thần thông.
- Vọng tưởng ta được huyền diệu.
- Vọng tưởng ta rất kỳ đặc.
Và có rất nhiều thứ quái lạ như…
Ta sẽ sống lâu, ta sẽ cải lão hoàn đồng, ta sẽ bay cao và ta sẽ thành Phật… Các cuồng vọng như thế, làm rối tâm động niệm, trái với chân thể thanh tịnh của mình. Vì thế, người sơ cơ học đạo phải biết mà ngừa dứt nó.
Giảng:
Trong mọi sinh hoạt hằng ngày, đi đứng, nói năng, ăn nghỉ, làm việc tiếp xúc… trong tất cả các thời. Những việc gì chúng ta đã sắp đặt thì cứ theo đó mà làm. Những gì đột nhiên xen vô thì nhất định phải loại ra vì nó sẽ làm loạn công phu của mình. Dĩ nhiên tất cả những dấy khởi đều là vọng tưởng hết, không thể chấp nhận bất cứ một dấy khởi nào.
Chúng ta còn sống còn phải làm việc, chung quanh ta còn nhiều sự tiếp xúc. Cho nên phải có tổ chức, có sự sắp đặt nề nếp. Nếu trong khi làm công việc của mình, mà có những dấy khởi ngoài sự sắp đặt thì chúng ta phải buông, để dồn tất cả năng lực tập trung làm một việc cho đạt được kết quả tốt. Đây là phương tiện đầu, tập trung vào một việc làm duy nhất. Nhà thiền gọi đây là giai đoạn người đâu trâu đó.
Ma vọng tưởng này là tự chướng. Tự chướng chẳng không thì dòng sanh diệt tiếp nối. Chẳng không tức là mình chưa buông, chưa làm chủ được, chưa chiến thắng được.
Điên đảo tán loạn, che chướng bản tâm, do đó người tham thiền cần lưu tâm nhiều ở điểm này. Chúng ta không làm chủ được, bị nó kéo đi trôi dạt trong vòng sanh tử luân hồi không có ngày cùng. Bị kéo như vậy thì chúng ta mất mình, không phải là người tu tiến nữa.
Bị che chướng bản tâm tức tâm không sáng, việc tu hành không tới đâu hết. Nay xin đưa ra một vài vọng chướng tiêu biểu để trình bày, như:
- Vọng tưởng ta ngộ đạo. Điều này chúng ta biết rồi, đối với việc ngộ đạo, không phải ngồi đó mà chờ. Phải năng nỗ quyết tử công phu. Công phu đắc lực tức là chúng ta có sức mạnh, tự nhiên thành công. Nếu cứ ngồi đó trông chờ, cầu nguyện mà không chịu công phu hoặc công phu lệnh lạc thì không bao giờ thành tựu được sở nguyện.
Ở đây chú trọng tập trung vào công phu. Nếu chúng ta còn ngã chấp thì gắng sức dẹp trừ ngã chấp. Chư Tổ trong nhà thiền chỉ nói ngã không. Vì nó không thật, nên không có gì dính dáng với mình hết. Nếu còn ngã chấp thì chúng ta phải tích cực trừ bỏ, đừng để nó kéo lôi quấy rầy mình nữa. Dẹp được nó rồi mới nhẹ nhàng. Người ngộ được lẽ thật này rồi thì thở khì một cái, như trút gánh nặng ngàn cân trong thân tâm vậy.
Lục Tổ Huệ Năng khi đã triệt ngộ, Ngài nói liên tục: “Nào ngờ tánh mình xưa nay thanh tịnh. Nào ngờ tánh mình vốn không sanh diệt. Nào ngờ tánh mình vốn không dao động. Nào ngờ tánh mình vốn tự đầy đủ. Nào ngờ tánh mình hay sanh muôn pháp.” Tánh ấy sẵn có, nhưng lâu nay bị che chướng, nên chúng ta không nhận ra. Bây giờ có cơ hội mình phủi bỏ những lớp mê mờ che chướng ấy đi, thì nó sẽ hiện bày.
Ở đây nói đến công phu nội tỉnh của chúng ta. Người tu thiền là người có sức mạnh nội tỉnh, có thần lực phi thường. Như câu chuyện ngài Xá Lợi Phất đang ngồi thiền, có một con quỷ đi ngang qua. Nó dùng cái chày lớn đập lên đầu Ngài. Bình thường với sức mạnh này, nó có thể đập vỡ cả quả núi Tu Di. Nhưng lúc ấy ngài Xá Lợi Phất chỉ hơi ê đầu một chút thôi. Vì Ngài đang trụ trong chánh định.
Chúng ta tu hành là để phát huy sức mạnh đó. Phát huy từ công phu miên mật của mình. Thấy rõ thật chất của nó không thật nên ta không sợ. Nếu thấy thật thì mình sẽ sợ nó. Đó là điểm cốt lõi trong công phu tu hành của chúng ta. Nhất định không vọng tưởng ta ngộ đạo nên không bị nó kéo lôi.
- Vọng tưởng ta tu chứng. Tu chứng thì cũng không ngồi đó mà trông đợi được.
Phải tu, phải công phu, khi nhân duyên thời tiết đến, thùng sơn lủng đáy thì xong việc.
- Vọng tưởng ta được định.
- Vọng tưởng ta phát tuệ.
- Vọng tưởng ta biết nhiều. Nói một chút về biết nhiều. Người muốn biết nhiều, không thể ngồi tơ tưởng mà có thể biết chính xác được. Thông thường ở thế gian thì phải học. Học là làm quen, thu thập những kiến thức, những kinh nghiệm của người trước. Từ đó ghi nhớ mới tích lũy thêm sự hiểu biết.
Người tu không phải biết nhiều như vậy. Muốn có kinh nghiệm, có sự hiểu biết sâu sắc thì trong nội tại phải có thiền định. Có thiền định thì có trí tuệ. Có trí tuệ mới soi rọi tận cùng nguồn bể các pháp. Cho nên người có trí tuệ là người biết triệt để nhất.
Người tu chúng ta trước nhất là phải học, sau đó là thiền định. Thiền định phát tuệ thì biết suốt hết. Hai việc này chúng ta đều phải thực hiện hết. Vì sao? Vì nhất thời chúng ta chưa được thiền định, mà cũng không biết gì hết thì không tu được. Cho nên phải học, học hiểu rồi mới bắt đầu thực hành tu tập. Chỗ này Tổ Qui Sơn nói: Chớ để cuộc đời ngơ ngơ ngáo ngáo, lơ lơ láo láo, ngày tháng qua rồi không tìm lại được.
- Vọng tưởng ta giỏi văn. Vọng tưởng ta có danh hiển đạt. Vọng tưởng ta được nhiều người cung phụng. Vọng tưởng ta làm thầy thiên hạ. Vọng tưởng nhiều người qui hướng ta. Vọng tưởng ta tiếp nối tổ đăng. Vọng tưởng ta làm trụ trì. Vọng tưởng ta hóa đạo. Vọng tưởng ta truyền lục. Vọng tưởng được nhiều người nối dõi. Vọng tưởng ta nhập tạng v.v… Tất cả những vọng tưởng này coi như là danh văn lợi dưỡng.
Đối với người tu chúng ta, những danh văn lợi dưỡng này xem như rác rưởi, phải trừ khử gấp. Người xưa làm việc gì cũng xem như đi trên băng mỏng, trên dao nhọn, như dây bò miệng giếng… có gì bền lâu. Vì sao? Tâm đạo của các Ngài đã sáng. Còn tâm chúng ta chưa sáng nên bị che chướng. Nếu nội tai chưa vững vàng thì làm việc gì cũng gặp trở ngại, cũng bị kẹt vướng. Công đức tu hành theo đó chùng chình, không tiến được.
Vì vậy trong lúc lãnh trách nhiệm, chúng ta phải luôn tự lo tự gắng. Sắp xếp trong từng điều kiện, từng hoàn cảnh để mỗi ngày mình vừa tu vừa làm tròn bổn phận người trên giao phó. Cổ đức nói: Những cội cổ thụ to lớn, chim chóc các nơi kéo nhau về ngủ nghỉ trên đó thì nạn gãy cành đổ lá không tránh khỏi. Nói thế để làm gì? Để cảnh tỉnh chúng ta. Chúng ta được hiển đạt, mọi người tìm đến học hỏi là mình phải biết lo sợ. Chỉ người nhìn xa thấy rộng mới rõ được điều này. Cho nên chúng ta phải thận trọng dè dặt từng chút.
Khi làm gì mà đạo tâm chưa vững, chúng ta nên kiểm nghiệm lại. Trong tất cả các công việc, quan trọng nhất là phải gìn giữ tuệ mạng của mình. Chúng ta đều biết đến phút chót chỉ còn lại phước nghiệp riêng của mình, tất cả đều mất hết. Một khi mình nín thở rồi thì không còn gì nữa. Thân phận của chúng ta khi cha mẹ mới sanh ra rất tốt đẹp, nhưng tuổi tác lớn dần, thân này cũng biến chuyển cho đến khi già suy héo úa rồi tan hoại.
Như vậy còn đợi gì mà không chịu công phu, thắng dừng vọng tưởng để không bị nó kéo lôi. Nó không kéo lôi được thì mình có tự chủ.
Những vọng tưởng kế tiếp như thần thông nhập tạng… Đối với người tu, đó là những vọng tưởng quái lạ. Ta sẽ sống lâu, ta sẽ cải lão hoàn đồng, ta sẽ bay cao, ta sẽ thành Phật… tất cả đều là những ảo vọng mà thôi. Phật là giác, mình không giác mà cầu thành Phật thì thật là nghịch lý. Chỉ giác thì mới thành Phật, không phải cầu.
Các cuồng vọng như thế làm rối tâm, trái với chân thể thanh tịnh. Vì thế người sơ cơ học đạo phải biết ngăn dứt nó. Nói tóm lại những niệm những vọng tưởng ở trên làm cho mình bị tán tâm. Tán tâm thì mất định, mất định thì tuệ không hiện tiền. Định tuệ không có thì không mong giác ngộ giải thoát.
Có một câu chuyện về Bồ-tát Văn Thù. Hôm đó, Hòa thượng Trụ trì tổ chức lễ hội trang nghiêm để cúng kiến, cầu nguyện, thuyết giảng, làm các việc phúc thiện, chẩn tế.
Thời gian kéo dài một hai tháng. Ngài Văn Thù trong hình thức người đàn bà có mang, dẫn một đứa bé và một con chó. Đàn tràng thanh tịnh mà người đàn bà này xuất hiện đã là khó chịu rồi. Thế mà bà ta còn đến thưa với Hòa thượng: “Tôi là người nghèo khổ, rất hoan nghinh việc làm này của quý Ngài. Tôi không có gì cúng dường chỉ có một mớ tóc xin được cúng dường”. Một việc cúng dường lạ đời khiến cho từ Hòa thượng trở xuống, mọi người đều sửng sốt.
Sau khi cúng dường, bà xin được một bữa ăn, vì khi ấy có lễ chẩn tế. Hòa thượng sai dọn một phần ăn, trong đó một phần cho bà, một phần cho đứa bé, và một phần cho con chó. Ai cũng thấy bực mình người đàn bà, thật chướng đời, đi mà còn dẫn chó dẫn mèo theo. Sau khi ăn xong bà nói với Hòa thượng: “Xin một phần ăn cho đứa bé trong bụng”. Hòa thượng nổi sân, đuổi đi. Không ngờ Hòa thượng vừa nổi sân thì người nữ biến mất, con chó biến thành sư tử. Bồ-tát cỡi sư tử phất phới trong mây. Cả đàn tràng đều quy hướng sám hối.
Cho nên quan trọng là tâm của chúng ta phải luôn thanh tịnh, đó là gốc.
Chú:
Mê mờ bản lý, nên điên đảo vọng tưởng. Vọng tưởng sinh động, thì bản tâm bị che chướng. Loanh quanh mãi trong mê mờ cuồng vọng, tức chân thể thanh tịnh chìm lặn.
Khác nào kẻ đi trong đêm đen không đèn đuốc, họa sa hầm sụp hố chắc chắn trước mắt.
Người xưa nói: “Đất tâm nếu không, mặt trời trí tuệ tự chiếu”.
Nơi đây, chúng ta có thể nói cách khác rằng, “Nếu chúng ta chịu dừng thì chuyện gì điên đảo?” Vọng tưởng là gì? Thử nhìn lại xem. Vốn dĩ là ảo mộng mà! Lỗi tại chúng ta, cứ cố chấp rồi lao theo. Lao theo nên điên đảo. Đã điên đảo thì vọng càng thêm vọng. Ngay đây, nếu chúng ta biết dừng, còn gì lăng xăng nắm bắt nữa. Còn chăng hư không thênh thang rỗng suốt, cái gì mê mờ chướng ngại cái gì? Thử nói xem.
Tóm lại, là chúng ta có chịu dừng hay không? Dừng thì trời không sáng suốt, đất tâm yên ổn, tuệ nhật hằng soi, thiếu sót chỗ nào?
Trái lại,
Rông rêu mải miết, nên hóa điên cuồng. Khổ thay! Khổ thay! Có thi rằng:
Lớn thay! Người sức mạnh,
Biết vọng liền không theo.
Quê xưa trăng tỏ rạng,
Tùng xanh tiếng suối reo.
Khoái thay! Người biết vọng,
Miền chân không mở ra.
Đường xưa tự bày hiện,
Quê nhà thật không xa.
Hương quê thoảng trăng sao,
Tình quê miền bất nhị.
Hư không trải gấm hoa,
Người quê một mình đi!
Gió ngát hương giải thoát,
Hoa đơm đóa từ bi.
Tuyết tuôn thành định lực,
Trăng soi bất tư nghì.
Một tiếng quát!