Thiền tông, nhờ lịch sử lâu dài, với những Thiền ngữ tinh diệu kỳ đặc cùng truyền thuyết sinh động, lại chịu ảnh hưởng sâu sắc văn hóa Á đông xưa và thấm nhuần văn hóa Tây phương ngày nay nên đã cấu thành một thế giới Thiền thâm thúy, to rộng.
Trong thế giới Thiền nầy, các tình tiết khi thì hết sức bình thường, giản đơn như hoa vàng liễu xanh, mày ngang mũi dọc, lúc lại kỳ đặc quái đản khiến người kinh nghi như bụi hồng đáy biển, tuyết trắng trong lò nung. Thiền xa vời huyền bí nhưng lại gần gũi thẳng tuột, bình dị thực tế nhưng lại không hư linh diệu, khó mà nắm bắt, chẳng thể nghĩ suy, chứa đầy những câu đố mẹo hóc hiểm, nhưng càng hóc hiểm càng mời gọi người say mê tìm! Thiền đối với tâm linh triệu triệu người đã thâm thiết kêu gọi: Về đi thôi, đừng lạc lối quay lại. Mau quay về vườn xưa nhà cũ yên vui của tự thân mình. Thiền căn dặn mọi người Phật tại thân mình, tâm mình là Phật, nếu ai ai cũng ý thức tự tâm thì mọi người đều là Phật. Và cũng vì thế người ta còn gọi Thiền tông là Tâm tông, hay Phật tâm tông.
Đời Đường có thiền sư Đạo Lâm cư ngụ trên nhánh một cây cổ tòng làm bạn cùng chim chóc trong ngọn núi Tần Vọng ở phía Đông nam huyện Thiệu Hưng tỉnh Chiết Giang. Người đương thời gọi ngài là Ô Khoa hòa thượng vì chỗ ngài ở như tổ quạ. Ngày kia đệ tử của sư là Hội Thông đến cáo từ để đi nơi khác. Sư hỏi Hội Thông định về đâu? Thông thưa: "Con vì tầm cầu Phật pháp mà xuất gia bái sư làm thầy. Nhưng từ trước đến giờ thầy chưa từng thuyết pháp cho nghe lần nào, nên con định đi nơi khác để tìm học Phật pháp". Đạo Lâm nói: "Tưởng gì chớ Phật pháp thì nơi đây ta cũng có ít đỉnh!".
Hội Thông hí hửng hỏi: "Thế Phật pháp của hòa thượng là thế nào?" Thiền sư bèn rứt nơi áo mình một sợi vải thổi nhè nhẹ về phía Hội Thông. Hội Thông tỉnh ngộ ngay không còn đòi lặn lội đi nơi khác cầu pháp nữa. Đó là truyện tích "Bố mao thị pháp". Thiền tông đã gọi những truyện tích như thế là công án. Về sau công án trở thành một trong những tố chất cốt lõi đặc trưng không thể thiếu của ngữ lục Thiền tông, và chính qua các công án nầy mà phần mật tàng bất khả tư nghì của pháp được lãnh hội qua cảm ứng trực giác... Tinh thần Thiền tông là một vấn đề không thể dùng ngôn ngữ văn tự nói bàn được, chúng tôi tạm qui nạp lại thành năm phần như sau:
1- Tự chủ (Tự kỷ)
2- Sáng tân (Thích nghi)
3- Sùng thật (Hiện tiền)
4- Bình thường (Giản dị)
5- U mặc (Tếu)
I. Tôn trọng tự kỷ:
Phật tính là cái mà ai ai cũng có đầy đủ giống như vô số sợi chỉ vải trên chiếc áo mà mọi người chúng ta đang mặc, nhưng trong sinh hoạt hằng ngày do chúng ta bị lún trong muôn vàn công việc phiền nhiễu nên vô tình quên khuấy đi, làm lạc mất "tự ngã" mà không biết cái đáng tôn quý nhất, cái trọng yếu nhất chỉ cần phát hiện ở tại thân mình chớ không phải mò tìm đâu đâu bên ngoài.
Việc quên bỏ cái trân quí của tự thân để chạy vạy tầm cầu Phật, Thiền đâu đâu bên ngoài, thiền lâm gọi là "Kỵ lư mịch lư", nghĩa là đang ngồi trên lưng lừa sờ sờ mà lại còn mong tìm con lừa ở đâu đâu. Đây là một cách thí dụ gần gũi, dễ hiểu, đầy tính nhân sinh. Một thuật ngữ khác nhắc nhở chúng sinh đừng coi thường tự thể là pháp luật Hai đời Đường, Tống qui định cấm ngặt việc bắt ép con cái nhà người đem bán làm nô lệ (áp lương vi tiện).
Thiền lâm thường dùng thuật ngữ "áp lương vi tiện" để phê phán những người không biết coi trọng tự ngã là chủ, lại làm nô lệ hướng ngoại tầm cầu Phật. Dĩ nhiên các tăng tín đồ Phật giáo không từng bắt ép con cái nhà ai đem bán làm nô lệ cả, nhưng họ đã chạy vạy lao khổ tìm bên đông, hỏi bên tây, để cầu Phật, mà không nhận thức rằng Phật tính chính ở tại tự thân mình, như vậy có khác gì đã đem bán đi tự kỷ, bắt ép tự kỷ từ cương vị con nhà lành tự do giáng xuống thành nô tì, đó há chẳng phải là một chuyện dở cười, dở khóc trong tấm bi hài kịch xảy ra hằng ngày ở thế gian?
Người tu học chẳng những phải phát hiện tự ngã mà còn phải mười phần coi trọng tự ngã nữa mới được, tức phải xác lập tự ngã là tác dụng chủ thể trong quá trình tham thiền học đạo. Đây là điều mà các Thiền sư thường nhấn mạnh. Phật giáo từ ấận Độ truyền sang Trung Hoa và Việt Nam ta ngoài phần tư tưởng còn có cả huyền sử và thần thoại trong đó chứa nhiều chuyện thần kỳ về Phật và Tổ.
Những nhân vật Phật, Tổ thần kỳ nầy thần thông quảng đại, pháp lực vô biên, lên trời xuống biển, hiển hiện bất cứ nơi nào, tạo họa giáng phước cho mọi người. Vì thế các tín đồ Phật giáo đã kính cẩn run sợ vái lạy họ sói cả đầu, từ nhân cách khuất tùng ban đầu dần dần chuyển thành nô lệ mê tín mù quáng, tâm tính nhu nhược biến thành thái độ ngoan đạo một chiều.
Trong hoàn cảnh đó đã nổ bùng tiếng gầm thét mạ Phật, lỵ Tổ trứ danh của Thiền sư Đức Sơn Tuyên Giám: "Đối với các Tổ đời trước ta có cái nhìn không phải như thế đó! Trong đây chẳng có gì là Tổ sư, Phật, Thánh: Bồ Đề Đạt Ma chỉ là gã Ấn Độ hôi tanh, Thích Ca Mâu Ni chỉ là cây que quẹt phân, Văn Thù, Phổ Hiền chỉ là đứa gánh cứt" (Ngã đối tiên Tổ để khán pháp tựu bất thị giá dạng? Giá lý một hữu thậm ma Tổ sư, Phật, Thánh. Bồ Đề Đạt Ma thị lão táo Hồ. Thích Ca Mâu Ni thị can thỉ quyết, Văn Thù, Phổ Hiền thị thiêu phẩn hán).
Lời phủ định Phật Tổ nầy không phải là một biểu hiện của thất kính trịch thượng gì cả mà là tỏ rõ tín tâm tuyệt đối ở tự ngã và hiện thực nhân sinh, là điều mà Phật pháp và Thiền luôn coi trọng. Chả thế mà Tuyên Giám được Thiền lâm đánh giá là người thông hiểu Phật lý, Thiền chỉ bậc nhất!.
Tuy nhiên coi trọng tự ngã, tự tâm là nhận thức và khôi phục bản lai diện mục và giá trị trân bảo của tự ngã tự tâm chớ không phải cuồng vọng tự đại bất thiết thực về cá nhân mình. Thiền một mặt nhận rằng về đại thể ai ai cũng có Phật tính đầy đủ, ai ai cũng có thể thành Phật, nhưng đồng thời cũng nêu rõ trong thực tế cuộc sống nhân sinh ở một chừng mực tương đối của cá nhân nầy đối với cá nhân khác thì căn khí chúng sinh có đủ ba bậc thượng, trung, hạ.
Không nên lầm chấp thứ bậc tương đối nầy với quan điểm tổng thể "Nhất như vô khu biệt". Và có nắm được điểm nầy mới có cái nhận thức chính xác về tự kỷ. Phải nhận thức đúng đắn mối quan hệ của tự kỷ với thế giới chung quanh, vị trí thích ứng của tự kỷ trong nhân quần xã hội. Điều nầy như lời ví von của thiền sư Thanh Mãng đời Bắc Tống: "Đáng làm xà nhà thì làm xà, đáng làm cột chống thì làm cột".
Truyền nhân trọng yếu của phái Dương Kỳ là Thiền sư Phật Quả Khắc Cần có lần thượng đường nói: "Ta đây vốn không có lòng mong cầu nhưng nay kho báu tự nhiên mà đến. Trên trời, dưới đất, bên trái bếp kho, bên phải tăng đường, trước là diện Phật, cổng chùa, phía sau là chỗ ngủ, cùng phòng Phương trượng. Còn kho báu ở đâu? Các ngươi có nhìn thấy nó không? Rốt lại thì kho báu ở đâu nhỉ?
Khi một cá nhân coi trọng đầy đủ tự ngã, nhận thức đúng đắn tự ngã, ở đúng vị trí thích nghi trong cõi người ta tại "Tam thiên đại thiên thế giới", lòng đầy chân thật, đem cả thân tâm lao vào công tác, dấn thân vào sự nghiệp, thì đó há chẳng phải nhu yếu của tâm linh mình, kho báu của tâm linh mình sao? Trong thời khoản đó, trong hoàn cảnh đó, con người của chúng ta cảm thấy bình tịnh yên ổn, sảng khoái, thanh thản vô ngại thì đó há chẳng phải kho báu đang lấp lánh ánh sáng chiếu ngời đó sao?"
Trong khi duyệt độc ngữ lục Thiền tông, cái làm cho chúng ta giật mình kinh ngạc nhất là thái độ thong dong thanh thản, thậm chí pha chút hài hước của các Thiền sư đạt đạo trong lúc lâm chung. Dùng cụm từ "Thị tử như qui" để hình dung thái độ của họ trước chuyện tử vong của thân mạng thật chẳng có chi là khoa trương khí vị quá đáng, như tháng sáu năm thứ tư niên hiệu Đại Khánh, thiền sư Đan Hà Thiên Nhiên nói với các môn đệ rằng: "Các ngươi hãy chuẩn bị nước nóng để ta tắm gội hầu còn lên đường cho kịp lúc".
Tắm gội xong, sư đội nón nang, mang giày, cầm lấy gậy, từ trên giường bước xuống, chân còn chưa chấm đất là đã viên tịch. Hay như thiền sư Đặng ấÍn Phong leo lên Ngũ Đài sơn, tại hang Kim Cương hỏi đồ chúng rằng: "Thiền sư các nơi qua đời trong tư thế nằm hoặc ngồi, ta từng thấy cả. Thế có ai đứng mà hóa không? Chúng đáp "Thưa có ạ?". Sư hỏi: "Còn trồng chuối mà tịch có không?" Chúng đáp: "Thưa chưa từng thấy qua? "Sư bèn lộn đầu trồng chuối mà hóa, thân thể sừng sững y phục phủ xuôi (Cảnh Đức Truyền Đăng Lục quyển 8).
Phong cách thị tịch thong dong này, thấy chép nhan nhản trong các ngữ lục Thiền tông Hoa - Việt chớ không phải chỉ có một hai trường hợp ngẫu nhiên cũng không phải do người đời sau, khi biên tập sách nhồi nặn láo. Các thiền sư đắc đạo trước chuyện ra đi không chút gì âu lo sợ hãi, không vì lưu luyến cuộc nhân sinh mà đưa đến nỗi đau khổ, cũng không vì vướng mắc chuyện đời mà phải di hận hay bất an, trái lại thung dung thông đạt chẳng thiếu cả nét khôi hài, giữ được nhân cách Thiền và tinh thần liên quán nhất trí của Thiền.
Thiền sư đối với chuyện tử vong mà giữ được phong cách thản nhiên như thế là nhờ công phu hàm dưỡng từ nhiều phương diện của tôn giáo và nhân sinh, nhưng trong đó có một điều kiện chủ yếu, ấy là nhận thức rõ ràng, chính xác, vị trí thích nghi của tự ngã trong tự nhiên giới, phản ánh Thiền đối với lưu trình của sinh mệnh và quy luật sinh tử đều coi như nhau. Chẳng thế mà thiền sư Hoàng Long Tổ Tâm đời Bắc Tống phải nói: "Phàm muốn truy cứu tới nơi căn nguyên của sinh tử thì phải nhận thức rõ miếng ruộng của mình" (Miếng ruộng của mình" hàm ý chỉ tự thân, tự tâm, tự ngã) (Đại phàm yếu cùng cứu sinh tử căn nguyên, tất tu nhận thanh tự gia để nhất phiến điền địa).
Thiền tông chẳng những đề cao tự ngã trong thiền lý mà cả trong đời thường. Phái nầy chủ trương "Tự làm mà ăn" chớ không trông cậy hoàn toàn vào sự cúng dường của thí chủ. Thiền sư Bách Trượng Hoài Hải đời Đường khi làm trụ trì ở Bách Trượng sơn Giang Tây qui định thiền tăng phải thường xuyên lao động, trồng rau, cấy lúa, tự cung, tự cấp, và tự mình làm gương trước.
Dù tuổi đã cao nhưng thiền sư ngày ngày vẫn cùng chúng tăng chung sức giẫy cỏ, trồng rau khu vườn chùa. Có lần một vị tăng không nỡ để hòa thượng gian khổ nên đã giấu đi dụng cụ làm vườn của hòa thượng khiến ngài không cách nào lao động được thì ngày đó sư cũng từ chối không ăn cơm. Sư nói: "Ngày nào không làm là ngày đó không ăn" Vị tăng đành phải đem cây cuốc của sư trao lại cho ngài.
Thiền sư Hoài Hải đem nguyên tắc thiền tăng phải lao động hằng ngày tự cung tự cấp ghi vào quyển sách trứ danh "Thiền môn qui thức" (đời Nguyên biên tập lại thành Bách Trượng thanh quy). Tác phẩm nầy mau chóng lan rộng khắp các tự viện khác và được thiền lâm đời sau lấy làm phép tắc sinh hoạt của tự viện. Nếu tăng lữ Phật giáo chỉ biết suốt ngày đọc kinh, tọa thiền thì dĩ nhiên phải thoát ly lao động, cuộc sống ỷ lại vào sự cúng dường của các thí chủ.
Nếu một ngày nào đó kinh tế xã hội xấu đi, lai nguyên sinh hoạt của Phật giáo sẽ rơi vào khô cạn. Đó là thời kỳ kinh tế tiêu điều xã hội loạn ly của đời mạt Đường tiếp theo Ngũ Đại, các tông phái khác của Phật giáo đều nối nhau suy bại, chỉ còn lại Thiền tông là tự lực cánh sinh, nhờ ăn tiêu sản vật do chính công sức mình làm ra, nên chẳng những tránh được suy bại tiêu vong mà còn phồn thạnh, hưng vượng. Điều nầy thể hiện tinh thần coi trọng thực tế, bạo dạn sáng tân của Thiền.
II. Sáng tâm:
Sơ tổ Thiền tông Bồ Đề Đạt Ma từ Tây thiên qua Đông độ truyền chánh pháp độ mê tình từ đời Vũ Đế nhà Lương, nhưng đỉnh cao hưng thịnh của tông này là ở thời mạt Đường kế đến Ngũ Đại. Trong thời gian này đã xảy ra đại nạn Vũ Tông diệt Phật cùng những sự kiện, những biến thiên trọng đại trong lịch sử như các cuộc nổi loạn, quân phiệt cát cứ, xã hội xáo trộn, kinh tế suy thoái. Các tông phái khác của Phật giáo phải chịu nhiều sứt mẻ nghiêm trọng, đưa đến diệt vong, chỉ có cây đại thọ Thiền tông là đứng vững, các hệ phái của Thiền phát triển sum sê, môn diệp hưng vượng, tinh anh nở rộ, danh tiếng vang dội.
Lúc đó trong thiên hạ không chùa nào là chẳng phải Thiền viện, các nhân vật trọng yếu trong guồng máy của triều đình, trên từ Hoàng đế, tể tướng cùng các đại quan hiển quí, dưới từ phương bá các châu quận cho đến quan liêu các phủ huyện, nhiều người tới lui giao thiệp với thiền sư, người thì tâm tình thân mật, kẻ lại chịu Thiền lèo lái. Ảnh hưởng của Thiền tông lan rộng đến Nhật Bản, Triều Tiên và Việt ta. Tại các nước nầy trong triều ngoài quận đâu đâu cũng sản sanh hứng thú cùng cảm tình nồng hậu. Thế là Thiền tông Trung Quốc đã truyền bá sang các lân bang, mở rộng thiền phong ngàn năm.
Sự thành công lớn lao của Thiền tông nguyên nhân chủ yếu nhất là nhờ Thiền cụ bị mạnh mẽ tinh thần sáng tân, và sùng thượng thật tế. Giờ xin bàn trước về sáng tân. Phật giáo Ấn Độ truyền sang Trung Quốc từ đời nhà Hán rồi trải các đời Ngụy, Tấn, Nam Bắc Triều đến nhà Đường thì số tín đồ coi như đã đạt một tỉ lệ khá cao so với dân chúng toàn quốc. Tuy nhiên kinh điển Phật giáo quá nhiều, văn lý lại thâm sâu áo bí, giới luật tế mật khắt khe, thời gian tu hành để ngộ đạo phải trải qua tháng rộng năm dài khiến lắm người nghe tới phải chùn bước hoặc ngán ngẩm những khó khăn mà phải bỏ tu.
Trước tình huống ấy người thật sự triển khai Thiền Tông Trung Hoa, Lục Tổ Huệ Năng đời Đường , đã đề xuất học thuyết "Đốn Ngộ". Huệ Năng đưa ra quan điểm nhân tính vốn xưa nay thanh tịnh cho nên nếu kiến tính là có thể thành Phật. Trong "Pháp Bảo Đàn" được coi như bộ kinh khai sơn của Thiền tông đã nhấn mạnh: "Nhất niệm tu hành, pháp thân đẳng Phật" hoặc "Nhất niệm nhược ngộ, chúng sanh thị Phật" hay: "Nhất ngộ tức tri Phật dã", "Nhất đăng năng trừ thiên niên ám, nhất trí tuệ năng diệt vạn niên ngu". Đồng thời tổ cũng chỉ rõ người không xuất gia cũng có thể tu hành như người xuất gia chứ không cứ gì phải tu tại chùa mới đắc đạo. Tổ Huệ Năng cũng triển khai tiêu đề đặc biệt "Bất lập văn tự" của Thiền tông, tưởng chừng như vô hình chung hủy bỏ hết điển tịch của Phật giáo, hay nói cho cụ thể hơn là 12 phần giáo mà Giáo tông, tức 12 tông ngoài Thiền tông, luôn tuân thủ nghiên độc.
Tiêu đề "Trực chỉ nhân tâm, kiến tánh thành Phật, bất lập văn tự" khiến người tu Phật đỡ cái khổ đau đầu nhức óc, tụng đọc kinh văn. Các Thiền sư cũng phản đối tăng tín đồ "tầm ngôn trục cú", "hụp lặn trong vũng lầy kiến giải, chìm đắm trong lý luận nghĩa lý, tri thức". Một trong những người khai sáng tông Tào Động là thiền sư Bổn Tịch có lần nói với tăng chúng: "Toàn bộ Phật kinh cùng Giáo nghĩa chỉ là chữ CHI ( ) và cũng như hình quanh quẹo (Ziczac) của chữ CHI, kinh giáo uốn qua, quặc lại, khiến người không thể thấy được bản tính để mà tỉnh ngộ".
Tuy nhiên dù chủ trương đặc thù của Thiền tông là "Bất lập văn tự, dĩ tâm truyền tâm, trực chỉ nhân tâm, kiến tính thành Phật", dần dần do phải thích nghi với thực tế đời sống xã hội trong đó Thiền tông là một thành phần, mà trong nhân quần thì không phải ai ai cũng có thể lãnh hội qua thị cơ thâm áo, họa hoằn lắm mới có học tăng hội ý tâm truyền của thiền sư nên dần dần do thúc ép của cái chung mà Thiền tông phải co cụm lại nét đặc thù, tức phải dùng hình thức văn tự để truyền thiền pháp mà chủ yếu là ngữ lục. Nhìn chung ngữ lục trải qua các thời đại, chúng ta thấy có một chuyển biến rõ nét là về số lượng thì ngày càng nhiều, còn về bề thế thì ngày càng dày cộm, đồ sộ lên.
Trong những đời Đường, Ngũ Đại và những năm đầu đời Bắc Tống, ngữ lục của một số thiền sư kiệt suất như các Tổ sư của Ngũ Tông Nhị phái là các thiền sư Qui Sơn Linh Hựu, Ngượng Sơn Tuệ Tịch, Lâm Tế Nghĩa Huyền, Động Sơn Lương Giới, Tào Sơn Bổn Tịch, Vân Môn Văn Yển, Pháp Nhãn Văn Ich, Dương Kỳ Phương Hội và Hoàng Long Tuệ Nam, số lượng bất quá một quyển, cùng lắm là hai hoặc ba, nhưng về sau nầy thì không phải vậy. "Hư Đường hoà thượng ngữ lục" (Tống Trí Ngu Thiền sư) 10 quyển, "Viên Ngộ Phật Quả thiền sư ngữ lục (Tống Khắc Cần thiền sư) 20 quyển, Đại Tuệ Phổ Giác thiền sư ngữ lục" (Tống Tông Cảo thiền sư) 30 quyển, "Thiện Mục Trung Phong hòa thượng quảng lục" 30 quyển, "Vô Dị Nguyên Lai thiền sư quảng lục" ( Minh Nguyên Lai thiền sư) 35 quyển.
Đặc biệt là sự ra đời bộ Bách Nham Lục của Thiền sư Khắc Cần, mặc dù bị thiền giới chê trách cách viết vờn văn múa bút, giồi mài tầm chương trích cú của tác giả, vì họ cho rằng làm như thế là đã đi ngược lại tôn chỉ bất lập văn tự, trực chỉ nhân tâm của Thiền tông khiến đệ tử của Khắc Cần là Tông Cảo đã phải mạnh dạn đem bảng gỗ khắc in bộ lục mà đốt đi, những cũng không tài nào ngăn chặn được bộ sách lưu truyền mạnh mẽ trong Thiền lâm, thậm chí về sau có rất nhiều bộ sách mô phỏng theo Bích Nham Lục tuần tự hành thể.
Những hiện tượng trên phản ánh sự cải biên phong khí của Thiền tông, từ "Bất Lập Văn Tự" chuyển sang "Đại Lập Văn Tự", thực tế là từ đời Bắc Tống trở về sau, Thiền tông dần dần coi trọng giáo điển của cổ giáo cùng văn hiến bao đời của bổn tông, coi trọng phương thức truyền thống của Phật giáo dùng việc nghiên cứu văn từ nghĩa lý kinh điển để giải thích Thiền lý. Như vậy Thiền tông cùng các tông phái khác trong Giáo tông đã thu ngắn đáng kể sự khác biệt, không còn nét độc đáo giản hạo, minh quyết, khinh linh, thấu thoát của Thiền tông nguyên xưa.
Người ta hay có thói quen chia Phật Giáo Trung Quốc ra hai loại là Thiền tông và 12 tông còn lại ngoài Thiền tông tức Giáo tông và gọi chỉ ý Thiền tông là Tổ ý và giáo nghĩa của Giáo tông là Giáo ý. Một vấn đề được các thiền giả hay thắc mắc đem ra thưa hỏi các thiền sư đắc đạo là giữa Tổ ý và Giáo ý sự dị đồng như thế nào. Để nắm được ý nghĩa chân xác của vấn đề nầy không gì bằng chúng ta nhìn qua một số ngữ lục danh tiếng được trích dẫn sau đây:
l. Sau khi sư làm trụ trì có học tăng hỏi: "Tổ ý, Giáo ý giống và khác nhau chỗ nào?" Thiền sư Hạo Giám đáp: "Gà lạnh leo cây, vịt lạnh xuống nước" (Sư trụ hậu, tăng vấn: "Tổ ý Giáo ý thị đồng, thị biệt" Sư viết: "Kê hàn thượng thọ, áp hàn nhập thủy") hàm ý chỉ phương tiện tuy khác nhau nhưng mục tiêu là một như để nhằm tránh lạnh giống nhau thì gà và vịt đã dùng hai phương cách đối nghịch, tức con lên cây, con xuống nước.
2. Tăng hỏi: "Tổ ý và Giáo ý giống và khác nhau thế nào?" Thiền sư Qui Nhân đáp: "Bò ngựa thả chăn chung bầy". (Vấn: "Tổ ý Giáo ý thị đồng thị biệt?". Sư viết "Ngưu mã đồng quần phóng"), hàm ý phương thức tu tập tuy khác nhau nhưng cũng là Phật giáo.
3. Tăng nhân hỏi: "Tổ ý và Giáo ý giống và khác nhau thế nào?" Thiền sư Việt Nam Tịnh Không đáp: "Muôn dặm trèo non hay vượt biển đều về chầu cửa khuyết" (Vấn: "Tổ ý dữ Giáo ý thị đồng thị biệt?" Sư vân: "Vạn lý thê hàng giai triều khuyết - Thiền Uyển Tập Anh của Việt" ) ý nói phương tiện tuy khác nhau để thích ứng với văn cơ từng chúng sinh, nhưng mục tiêu vẫn là một.
4. Tuệ Trung Thượng Sĩ của chúng ta khi được ông tăng hỏi : "Tổ ý và Giáo ý giống hay là khác nhau" đã đáp "Sóng nước tên gọi tuy khác (nhưng vẫn đồng thể nước), búp nở vẫn là hoa" để khải thị rằng ý Thiền và ý Giáo tuy hai mà một, tuy một mà hai.
Qua ngần ấy ngữ lục Hoa, Việt chúng ta thấy rằng vì căn cơ và hoàn cảnh của mỗi chúng sanh có sự khác biệt nên phương tiện tu hành cũng cần thích nghi, chớ Thiền tông hay Giáo tông cũng chỉ là Phật giáo mà thôi.
Lời phát biểu cực hay sau đây của thiền sư Nguyên Lai đời Thanh nêu rõ sự quan hệ chí thiết giữa Thiền và Giáo: "Đại sư Thích Ca Mâu Ni ngồi trên đạo tràng Linh Sơn 49 năm rốt lại nâng hoa thị chúng, cho nên mới có chỉ ý giáo ngoại biệt truyền. Có chuyện ngoài kinh giáo biệt truyền chăng? Tông là giềng lưới của Giáo, Giáo là mắc lưới của Tông. Căng một giềng, thì các mắc lưới đều bung ra.Chỉ biết xử lý các mắc lưới mà không rành giềng mối của chúng là chẳng biết lý lẽ đạo hiệp nhất của Tông và Giáo và điều nầy chẳng khác nào trong đám ngả rẽ lại thêm ngả rẽ nữa. Nếu chịu tìm tòi giềng mối chính trong mớ ngả rẽ chằng chịt kia thì trong Giáo nghĩa đều có Thiền chỉ. Một khi nắm bắt được chỉ ý rồi thì mỗi lời, mỗi chữ đều là Thiền cơ tối thượng. Còn nếu không rành chỉ ý Thiền, lo câu nệ văn tự, thì Tông chỉ biến thành Giáo nghĩa mà thôi" - Nguyên Lai quảng lục quyển 21)
Một vấn đề quan trọng nữa là tuy Thiền tông lấy chữ Thiền làm tên gọi, nhưng lại phản đối phương thức truyền thống chấp trước ngồi thiền trong tu tập. Lục Tổ Huệ Năng đã sắc bén chỉ rõ: "Trụ tâm quán tịnh, ngồi mãi không nằm là bịnh chớ không phải Thiền". (Trụ tâm quán tịnh, trường tọa bất ngọa thị bịnh phi thiền).
Không cần tháng rộng, năm dài đọc kinh, cũng không cần trói buộc thân tâm ngồi Thiền, các hành giả từ tuân thủ một cách máy móc hình thức gông cùm trói buộc thân thể cứng đờ như thây chết đã giải phóng thân tâm khiến tâm linh được thư thích khinh khoái, hoạt bát tự tại làm sao ấy! Nạt Phật chửi Tổ, dè biểu kinh Phật nguyên là những tội đại nghịch bất đạo trong tự viện giờ đã trở thành những cơ ngữ hàng đầu. Truyện tích thiền sư Đan Hà Thiên Nhiên đời Đường cỡi trên đầu tượng đức Đạt Ma, đốt tượng Phật bằng gỗ để sưởi ấm đã trở thành câu chuyện hấp dẫn trong Thiền Lâm..
Hậu học Lý Việt Dũng biên soạn (TCSH)
_______________________
1) Ni vấn: "Như hà thị mật mật ý? Sư dĩ thủ kháp tha nhất hạ. Ni viết: "Hòa thượng do hữu GIÁ CÁ TẠI?" Sư viết: "Khước thị nĩ hữu GIÁ CÁ TẠI!” (Ngũ Đăng Hội Nguyên quyển 4) Chính nguyên văn cũng né chỉ viết là chung chung "Kháp tha nhất hạ" tức "bấu cô ta một cái?" nhưng chúng ta phải thấy được ẩn ý của câu chuyện và mạch văn mà dịch can đảm "bấu chỗ ấy của cô ta" vì có dịch như vậy mới lột tả trọn vẹn từ "mật ý" của đoạn công án độc đáo nầy. Thật ra phải chú thích dài dòng là chúng ta cũng đã " Hữu giá cá tại'' rồi]. Ôi lối ngộ Thiền triệt để rốt ráo nầy phỏng có mấy ai chấp nhận?