Cứ mỗi độ xuân về, trong phút giao thời giữa năm cũ và mới, nhiều người Việt thường có tục lễ chùa và xin lộc. Họ đến chùa không chỉ để cầu may hay gột bỏ những ưu phiền, mà còn để tìm về với cội nguồn dân tộc. Tất cả những điều đó như một gam màu lấp lánh, tạo nên nét đa sắc trong bức tranh văn hóa Việt Nam.
Đối với người Việt Nam, lễ hội vốn là nét văn hóa đặc sắc, thể hiện khát vọng về một cuộc sống hạnh phúc và trường tồn. Thế nhưng, cứ mỗi độ xuân về, dù có hòa mình vào không khí lễ Tết thì nhiều người Việt vẫn không quên lên chùa thắp nhang, cầu cho mình sức khỏe bình an, may mắn và hạnh phúc. Cũng chính vì thế, tục lễ chùa đầu năm đã trở thành nét đẹp văn hóa trong mọi giai tầng của xã hội. Người Việt tin rằng, đi lễ chùa đầu năm không đơn giản chỉ để ước nguyện, mà đó còn là khoảnh khắc để con người hòa mình vào chốn tâm linh, bỏ lại phía sau bao vất vả trong cuộc mưu sinh. Hòa vào dòng người đi lễ, mỗi người trong chúng ta sẽ cảm nhận được sự giao hòa của trời - đất. Mùi khói nhang, sắc màu rực rỡ của đèn, hoa cùng với không gian thanh tịnh của chốn linh thiêng sẽ làm cho lòng người trở nên nhẹ nhàng, thanh thản.
ĐĐ. Thích Bửu Thành (trụ trì Chùa Bửu Châu) - tiếp đoàn hành hương đến Chùa
Trong ý nghĩa cao cả đó, Chùa Bửu Châu ( Ấp 4A – Xã Bình Mỹ - Củ Chi – Tp.HCM) đã mở cửa đón khách trong những ngày đầu năm mới với niềm hoan hỷ vô biên, cầu nguyện cho đất nước hòa bình, nhân dân an lạc, gia đình hạnh phúc. Những lời chúc, những quà tặng, những phần lì xì lộc đầu năm mà nhà Chùa gửi tặng, nhắc nhở mọi người sống hướng thiện, hành thiện, tìm lại tự tâm thanh tịnh nơi chính mình.
Một số hình ảnh ghi nhận tại Chùa Bửu Châu






Tin & ảnh: Tâm Cường
Nguồn: http://dvhnn.org.vn